“Không được để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tích trữ hàng hóa“
Cập nhật: 07/03/2020
Nhà máy vắc xin VNVC 2.000 tỷ đồng được tập đoàn hàng đầu thế giới thiết kế
Dự án hơn 7.200 tỷ của Cần Thơ đang chi trả tiền bồi thường cho người dân
VOV.VN -Bộ trưởng Công Thương yêu cầu không được để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tích trữ và lợi dụng để đẩy giá lên cao.
Tại cuộc họp nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, tránh tâm lý hoang mang lo sợ dẫn đến tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với các sở, ngành địa phương và doanh nghiệp đảm bảo liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến cung ứng. Không chỉ đảm bảo mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra là bình ổn cung cầu hàng hóa gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà còn phải đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (ảnh: TTXVN) |
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu phải quan tâm đến phương thức cung ứng hàng hóa an toàn như phát triển kênh bán hàng qua thương mại điện tử, tránh tụ tập đông người dễ lây lan dịch bệnh.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội và các vùng có dịch trong thời gian tới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầuphải có đánh giá và có các kịch bản – kể cả trong tình huống có những diễn biến xấu nhất.
Bộ Công Thương phải tính thậm chí trong câu chuyện khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, không phải chỉ có một địa phương Hà Nội mà nhiều địa phương khác nữa có dịch bệnh thì câu chuyện để đảm bảo cung ứng hàng hóa và chuỗi cung ứng trên phạm vi của cả nước như thế nào, tập trung điều hành làm sao…
"Đặc biệt, vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp trong hệ thống cung ứng, trong chuỗi cung ứng tại 1 địa phương là kinh nghiệm để chúng ta tính cho địa bàn cả nước. Nếu Vincommerce đã nhận vai trò hỗ trợ cho các trung tâm, khu vực bị bệnh cần cách ly và cần đảm bảo có các phương án cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm đủ ở Hà Nội, thì phạm vi cả nước có đảm đương được không? Nếu làm thì làm như thế nào, cần phải tính đến những cái này" - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp, Sở Công thương Hà Nội và Sở Công thương tỉnh, thành phố khác, phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội. Phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục Quản lý thị trường để xây dựng kế hoạch đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trong những tình huống có diễn biến xấu của dịch bệnh.
Phải đảm bảo tiêu chí, yêu cầu là cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm gắn với yêu cầu không được để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tích trữ và lợi dụng để đẩy giá lên cao gây tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của người dân, nhất là người tiêu dùng ở những vùng còn khó khăn.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Yêu cầu của Thủ tướng và Chính phủ là phải đóng góp thực sự có hiệu quả và thực chất cho CPI và quản lý CPI. Câu chuyện giá thịt lợn vừa rồi đã là một vấn đề và Bộ còn đang nợ Chính phủ về câu chuyện đó. Vì vậy phải xác định rõ mục tiêu kép trong việc điều hành, phục vụ cân đối cung cầu và bình ổn thị trường.
"Không còn là mục tiêu kép nữa mà còn mục tiêu thứ 3 đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cho dù là dịch bệnh, ở bất cứ thời điểm nào, ở mức độ nào thì hàng háo cung ứng cho đời sống nhân dân phải được đảm bảo theo đúng yêu cầu chung của pháp luật về chất lượng hàng hóa, về vệ sinh an toàn thực phẩm"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo Bộ trưởng, để làm được điều đó, trong tất cả các phương án phải tính đến câu chuyện liên kết với nguồn cung ở khu vực sản xuất để đảm bảo chất lượng và kiểm soát được chất lượng. Các doanh nghiệp, hệ thống phân phối vì uy tín thương hiệu, hiệu quả trong hoạt động của mình chắc chắn sẽ rất quan tâm, nhưng cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là chính quyền địa phương cũng phải tham gia hỗ trợ và đôn đốc để đảm bảo yếu tố này.
Để tránh việc tụ tập đông người, xếp hàng đi mua hàng hóa của một bộ phận người dân có tâm lý hoang mang, lo sợ thiếu nguồn cung, người đứng đầu bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò của truyền thông, đồng thời yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất. Nếu có vướng mắc cần hỗ trợ, đề nghị thông tin kịp thời cho Bộ Công thương, Sở Công thương hoặc các cơ quan chức năng khác để phối hợp xử lý.
Với Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố luôn đảm bảo nguồn cung kể cả khi nhu cầu tăng đột biến, cam kết không một ngày nào thiếu hàng và khuyến cáo người tiêu dùng mua hàng theo đúng nhu cầu sinh hoạt.
Ngay trong ngày 7/3, Sở cũng đã lên các kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về để cung ứng cho hệ thống phân phối tại Hà Nội và xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của Thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của Thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan, khẳng định luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân Hà Nội, kể cả bất kỳ trong trường hợp có tăng đột biến thì Hà Nội vẫn đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa cho người dân.
"Người tiêu dùng không lo thiếu hàng. Do đó đề nghị bà con nhân dân yên tâm mua hàng hóa theo đúng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, không mua nhiều để tránh tăng đột biến nguồn cung cục bộ. Và cam kết với người dân TP Hà Nội là đủ hàng, không có một ngày nào thiếu hàng để dân không phải dự trữ" - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết đã có văn bản đề nghị Cục QLTT Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát không để hiện tượng găm hàng, bán tăng giá, không niêm yết giá. Đồng thời đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, tăng cường hình thức mua sắm online để tránh gây tập trung đông người../.
Bộ Công Thương: Hàng hóa dồi dào, không nên lo lắng, tích trữ thực phẩm
Hà Nội đảm bảo cung ứng hàng hoá ứng phó dịch, dân không cần tích trữ
Từ khóa: Covid-19, virus corona, ca nhiễm thứ 17, Hà Nội có ca nhiễm Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN