Không được cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ chung cư khi chưa nghiệm thu PCCC
Cập nhật: 10/07/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) với nhà chung cư như thế nào? Chung cư xảy ra hỏa hoạn khi chưa được nghiệm thu PCCC, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các tòa nhà cao tầng từ 5 tầng trở lên quy định chung cư là phải có hệ thống báo cháy tự động; tất cả các khu vực trong tòa nhà có nguy hiểm về cháy, kể cả nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy đều phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe với định mức 50 đến 150 mét vuông có 1 bình chữa cháy; cửa thoát hiểm phải luôn đóng kín; có 1-2 họng nước tại mỗi điểm trong nhà và có ít nhất 2 lối ra thoát nạn.
Thế nhưng, thực tế, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở nhiều chung cư vẫn đang là mối lo ngại của nhiều người dân khi nơi thì không có hệ thống báo cháy, nơi có thì lại không hoạt động.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết: "Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 79/2014/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 66/2014/TT-BCA quy định dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về PCCC theo hồ sơ thiết kế về PCCC đã được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt. Như vậy, đối với các công trình xây dựng mà chủ đầu tư chưa được phê duyệt về PCCC mà đã bàn giao cho cư dân hoặc đưa vào sử dụng thì rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật."
Nếu chủ đầu tư dự án chưa được phê duyệt mà đã đưa công trình vào sử dụng thì đó là vi phạm, tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử lý hành chính.
Trong trường hợp chung cư có giấy chứng nhận PCCC mà xảy ra hỏa hoạn thì cá nhân nào gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trường hợp khác như hỏa hoạn khách quan hoặc do chập điện, nếu để xảy ra thiệt hại cho cư dân nói chung thì tùy tính chất, mức độ mà giữa cư dân và chủ đầu tư có thể thỏa thuận với nhau về mức độ bồi thường thiệt hại. Nếu không thỏa thuận được thì cư dân có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án.
"Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy"
Khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP
"Theo quy định của pháp luật, trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng các tài sản gắn liền với đất, mà ở đây là các căn hộ chỉ bao gồm hợp đồng với chủ đầu tư… Nhưng khi công trình chưa có giấy chứng nhận PCCC thì có nghĩa là tổ hợp, công trình này chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng, và không có cơ quan nào cấp phép cho công trình này. Trong trường hợp này, cư dân không thể làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ." - Luật sư Hưng cho biết thêm.
Nếu người mua chung cư bị chủ đầu tư dùng nhiều cách để ép nhận nhà khi chưa có nghiệm thu PCCC, luật sư Hưng tư vấn: "Mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người mua nhà là quan hệ giữa các bên trong hợp đồng mua bán căn hộ, địa vị pháp lý của 2 bên trong hợp đồng này là như nhau. Cư dân hay chủ đầu tư có quyền thương lượng về thời điểm bàn giao căn hộ. Tuy nhiên chủ đầu tư chỉ được quyền bàn giao căn hộ khi có nghiệm thu PCCC, đủ điều kiện chịu lực…
Nếu căn hộ chưa đủ điều kiện bàn giao mà chủ đầu tư đã yêu cầu người mua nhận nhà thì người mua có thể trao đổi lại với chủ đầu tư, yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định pháp luật. Nếu chủ đầu tư không chấp nhận thì có thể lập biên bản về việc vi phạm đó, làm căn cứ để người mua nhà bảo vệ quyền lợi cho mình"./.
Từ khóa: chung cư, quyền sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy, hỏa hoạn
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN