Không có "trái ngành" vì mục đích của làm việc là tạo ra giá trị
Cập nhật: 10/12/2021
Công an Hòa Bình phá án ma túy lớn
Xác định 29 phóng viên, CTV Tạp chí Môi trường và Đô thị có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
[VOV2] - Năm cuối đại học có thể coi là ngưỡng cửa quan trọng nhất để các bạn trẻ trưởng thành với định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Câu hỏi “ra trường sẽ làm gì?” luôn khiến không ít sinh viên băn khoăn.
Rối bời sinh viên năm cuối
Sống trong một môi trường có ông bà, bố mẹ đều gắn bó với chiếc radio nên từ nhỏ tình yêu với Đài TNVN đã ngấm vào máu thịt của Thu Trang, hiện đã là SV năm cuối của Học viện Báo chí và tuyên truyền. Em lựa chọn ngành phát thanh như là một sự thoả mãn niềm đam mê. Tuy nhiên, khi gần đến ngày ra trường, Trang bỗng cảm thấy băn khoăn:“Cá nhân em cảm nhận cơ hội việc làm của báo phát thanh cũng không nhiều như là báo mạng hay báo truyền hình nên em rất băn khoăn không biết là ra trường rồi sẽ làm gì, làm ở đâu có tìm được việc làm không hay là nếu làm trái ngành thì phải làm gì?”
Hiện cũng đang là sinh viên năm cuối của trường ĐH KH XH& NV, Thu Thảo hoang mang khi nhiều bạn bè xung quanh mình đã được bố mẹ bố trí việc làm, tương lai được trải hoa hồng, còn em không biết với tấm bằng của mình rồi sẽ đi đâu về đâu: "Không biết lựa chọn của mình có đúng hay không? Thực sự nhiều lần có những hoang mang, băn khoăn, suy nghĩ về câu chuyện trong tương lai.”
“Tôi sẽ làm gì sau khi ra trường?” - một câu hỏi đặt ra với bao nỗi trăn trở không phải chỉ của Thu Trang, Thu Thảo mà không ít sinh viên năm cuối. Kết thúc bốn năm đèn sách là một niềm vui lớn. Nhưng niềm vui chưa thấy mà các bạn trẻ đang phải đeo trên mình một nỗi hoang mang.
Trong một Workshop của IBNA – Trang thông tin dành cho học sinh, sinh viên, anh Lê Tuấn Anh, Trưởng dự án hướng nghiệp tại Top CV và anh Nguyễn Hữu Ý, Cử nhân Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh - đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và giáo dục hướng nghiệp đã có những chia sẻ hữu ích trước vấn đề “Sinh viên với định hướng nghề nghiệp trong thời đại 4.0”.
Áp dụng Mô hình Ikigai để định hướng nghề nghiệp
Ikigai là một khái niệm xuất hiện trong văn hóa của người Nhật có thể hiểu là “Lý do để sống”, sẽ thật hạnh phúc nếu mỗi người có thể tìm ra và theo đuổi Ikigai của mình. Theo anh Lê Tuấn Anh, để có được Ikigai, công việc mà bạn đang hướng tới phải thỏa mãn được 4 yếu tố: Bạn yêu thích làm việc gì nhất?; Bạn làm tốt ở lĩnh vực nào?; Xã hội cần gì nhất (từ bạn)? và Bạn kiếm được tiền từ việc gì?
Tìm ra câu trả lời và sự cân bằng giữa 4 lĩnh vực này chính là cách một người tìm thấy Ikigai. Thiếu một trong 4 yếu tố có thể sẽ không đạt được Ikigai. Tuy nhiên, anh Tuấn Anh nhấn mạnh, không nhất thiết phải có đam mê, có Ikigai các bạn mới bắt đầu đi làm. Trong quá trình đi làm, dần dần bạn sẽ thấy thích hơn, đam mê hơn, bạn có thành tựu trong công việc và dần dần Ikigai sẽ tới.
Điều anh Tuấn Anh tâm đắc là “tinh thần” Ikigai chứ không hẳn là “mô hình”. Dù làm việc đi chăng nữa chỉ cần bạn nghiêm túc, học ra học, chơi ra chơi, làm ra làm, không đứng núi này trông núi nọ. “Tinh thần” Ikigai luôn cần thiết cho các bạn trẻ thời đại 4.0.
Học ngành không phù hợp, làm gì để vượt qua nỗi băn khoăn?
Theo anh Nguyễn Hữu Ý, không có khái niệm trái ngành hay đúng ngành vì mục đích quá trình phát triển và làm việc là tạo ra giá trị, tạo ra một cuộc sống ổn định cho mình và có thể phát triển. "Không có ngành nào là trái cả, quan trọng là chúng ta vẫn làm việc, vẫn cống hiến và có giá trị. Điều đó chính là chúng ta đang đi đúng đường, đúng hướng và đúng ngành", anh Hữu Ý phân tích.
Tuy nhiên, nếu bạn nào cảm thấy thực sự sai đường, việc có nên đi theo con đường mới hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân. Nếu như các bạn muốn và cảm thấy đủ dũng khí và tìm được đúng ngành thì hãy "quay đầu". Còn với những bạn không rõ mình thích gì (đa số thuộc nhóm này) thì nên dành thời gian trải nghiệm.
Anh Hữu Ý nhấn mạnh: “Đừng nhìn nhận học đại học là nơi dạy mình nghề mà hãy nghĩ đó là nơi học tư duy, học cách xử lý vấn đề, học kỹ năng. Nếu từ ban đầu cảm thấy sai rồi, chúng ta có nhiều cách sửa chứ không phải bỏ đi mà xây lại”. Bản thân từng học Đại học Luật nhưng sau này làm công việc liên quan đến lĩnh vực giáo dục, trong những năm tháng ở giảng đường đại học, anh Hữu Ý đã học được tư duy của các bạn sinh viên luật, tư duy phản biện, làm việc nhóm… những kỹ năng rất quan trọng cho công việc sau này.
Làm gì để theo được thời đại mà vẫn cân bằng được với niềm đam mê?
Theo nghiên cứu, cứ 5 năm trôi qua có 30% công việc cũ mất đi, thay vào đó là những công việc mới ví dụ như Streamer, TikToker… Chính vì vậy, theo anh Tuấn Anh, thay vì đặt đam mê của mình vào một công việc cụ thể thì các bạn hãy đam mê một lý tưởng sống hoặc một giá trị nào đó sẽ tốt hơn. Anh Tuấn Anh đưa ra ví dụ: có những người đam mê là khởi nghiệp, với tinh thần đó, có thể hôm nay mở quán cà phê, ngày mai mở tiệm quần áo. Nếu chẳng may dịch bệnh, quán cà phê, tiệm quần áo đóng cửa, tinh thần đó không hề mất đi, họ có thể khởi nghiệp bằng những cách khác như bán hàng online… Công việc có thể thay đổi nhưng tinh thần vẫn đó.
"Các bạn cứ mặc kệ thời đại trải qua như thế nào, công việc sẽ xuất hiện nhưng hãy tìm cho mình một tinh thần, một điều mà các bạn hướng tới. Chính các bạn biết rõ đâu là giá trị phù hợp nhất với bản thân mình”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Còn theo quan điểm của anh Hữu Ý, mỗi con người không thể tách rời xã hội nên mình phải thích nghi với nó. Năng lực chuyển đổi nghề nghiệp là một điều cần chuẩn bị cho bây giờ và xa hơn nữa. Ví dụ nếu chúng ta mất việc, mình làm gì để tồn tại qua giai đoạn đó. Lúc đó phải có công việc mang tính thời vụ, cho nên thích nghi là một lợi thế.
Từ khóa: sinh viên, năm cuối, nghề nghiệp, vov2, thích nghi, online, mục đích, giá trị
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2