Không có dự án PPP nào ở Việt Nam theo đúng quy chế?

Cập nhật: 25/09/2019

Trưởng Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của VBF cho rằng, tại Việt Nam hầu như không có dự án PPP nào theo đúng quy chế.

Chưa có dự án PPP thực sự?

Theo ông Tony Foster, Trưởng Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF 2018), mặc dù có nhiều sự nhầm lẫn về tên gọi của PPP, song tại Việt Nam hầu như không có dự án PPP nào theo đúng Nghị định 15 và 63 của Chính phủ về quy chế cho dự án PPP.

khong co du an ppp nao o viet nam theo dung quy che? hinh 1
Có sự nhầm lẫn liên quan đến tên gọi PPP mà thật ra dự án đó không quản theo Quy chế PPP. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Tony Foster đánh giá,không có bất kỳ dự án PPP tuân thủ đúng theo quy chế đã được hoàn thành bởi các nhà tài trợ tư nhân hoặc là dự án được các ngân hàng tư nhân hỗ trợ tài chính.

Lý giải nguyên nhân khiến "không có các dự án PPP thật sự", Trưởng Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng chỉ rõ: Có rất nhiều lý do, trong đó, các quy định về dự án PPP rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Nhà Nước đối với các dự án này có hạn, vì vậy chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị. Mặt khác, dự án PPP chỉ có thể bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng. Điều này có nghĩa là phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia là những người có thể quản lý chương trình.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) cho thấy, trong 20 năm qua, khoảng 200 dự án đã được cấp phép. Trong đó có 158 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong lĩnh vực giao thông, 9 dự án BOT trong ngành điện, 5 dự án xử lý nước thải.
Do đó, ông Tony Foster cho rằng cần phải có chuyên môn cụ thể cho các dự án của từng ngành, lĩnh vực – đường bộ khác với đường sắt, và khác với các nhà máy nước thải,... và cho riêng Việt Nam.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay các dự án PPP tại Việt Nam đang gặp nhiều vướng mắc như không có hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn về việc làm thế nào để nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính nên các nhà đầu tư tư nhân và không biết làm thế nào để được hỗ trợ.

Nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính là yếu tố trung tâm của PPP. Việc không có các nguyên tắc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính khiến các doanh nghiệp không mặn mà lắm với hình thức đầu tư này, ông Tony nhận định.

Bàn về giải pháp để thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư.

Hiện nay, các quy định nghiêm ngặt đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư. Ông Ryu Hang Ha đề nghị,cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của doanh nghiệp tư nhân và "sự bảo đảm của chính phủ" để có thể giảm thiểu rủi ro của các nhà đầu tư.

Chia sẻ rủi ro

PPP cũng là một trong những nội dung được Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam đề cập khi phát biểu tại VBF 2018. Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam cho biết, Vương quốc Anh là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong quan hệ đối tác công tư và tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển chương trình PPP.

Tuy nhiên, ông Kenneth Atkinson nhắc đến một số vấn đề cần được giải quyết trước khi nguồn tài chính quốc tế có thể hỗ trợ chương trình PPP tại Việt Nam. Quan trọng nhất là việc cân bằng hợp lý các rủi ro; các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo những hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có.

Theo đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cần quy định rõ hơn về các trường hợp áp dụng luật nước ngoài. Cụ thể điều 467 của nghị định 63 có quy định các hợp đồng có liên quan của dự án có thể áp dụng luật nước ngoài, nhưng lại không quy định rõ là có thể áp dụng luật nước ngoài đối với những hợp đồng mà một trong các bên ký kết là pháp nhân nước ngoài hay không.

Bên cạnh đó, cho phép sử dụng trọng tài bên ngoài Việt nam đối với toàn bộ các dự án hạ tầng bao gồm cả bất động sản (liên quan đến quy định về giải quyết tranh chấp). Điều 67 của nghị định 63 có quy định có thể sử dụng trọng tài bên ngoài Việt Nam, nhưng đối với các tranh chấp liên quan đến bất động sản thì lại quy định phải giải quyết tại tòa án Việt Nam theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vậy những tranh chấp phát sinh tại các dự án PPP liên quan đến xây dựng, kinh doanh thiết bị cơ sở hạ tầng có thể hiểu rộng ra là đều thuộc các dự án bất động sản, do vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thu xếp tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính nước ngoài, JCCI trình bày.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng kiến nghị cho phép nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh thiết bị dự án. Đồng thời, đề nghị Chính phủ Việt Nam phải chịu một mức độ rủi ro nhất định trong việc chuyển đổi tỷ giá (liên quan đến thanh toán đáo hạn)./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Từ khóa: dự án PPP, VBF 2018, quyền sử dụng đất, chuyển đổi tỷ giá, đối tác công tư,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập