Không có chuyện mất rừng tại Dự án sân golf Đak Đoa có làm mất rừng
Cập nhật: 24/04/2021
Hoa Tết đua nhau khoe sắc, người mua thưa vắng
Chứng khoán Việt chốt năm Giáp Thìn với sắc xanh lan tỏa thị trường
VOV.VN - Tại dự án sân golf Đak Đoa, chủ đầu tư không được chặt phá rừng thông để khai thác gỗ với bất cứ mục đích nào. Đây là một trong những căn cứ quan trọng nhất để dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án sân golf Đak Đoa được đầu tư tại thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Hồ sơ dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, lấy ý kiến, phê duyệt của các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Văn hóa-Thể thao và Du lịch và mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây cũng là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt "Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020”.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng sân golf 36 hố tiêu chuẩn quốc tế. Quy mô diện tích khu đất 174,01ha, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Thời gian hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến quý IV/2024 khai thác đi vào sử dụng.
Quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án kéo dài hơn 1 năm
Cổng TTĐT Chính phủ khẳng định, việc ông Trịnh Đình Dũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa là thận trọng, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, quy định pháp luật.
Quá trình thực hiện, hồ sơ dự án đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa được tỉnh Gia Lai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa. Quá trình này không phải "một sớm, một chiều" là xong.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thẩm định, báo cáo lãnh đạo Chính phủ vào tháng 1/2020.
Trong quá trình hơn 1 năm xem xét dự án này, với quan điểm phát triển hài hòa "kinh tế - xã hội - môi trường", không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương rà soát, kiểm tra lại nhiều vấn đề như xác định rõ rừng thông thuộc loại rừng nào để xác định việc quản lý và chuyển mục đích sử dụng rừng, xử lý tài sản công (rừng thông), đánh giá các yêu cầu đối với nhà đầu tư, tình hình đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên quan đến Dự án…
Đặc biệt, cuối năm 2020, khi báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo, việc triển khai đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hơn 100 ha rừng, trong đó chủ yếu rừng thông ba lá và thảm thực vật tại đây có "nguy cơ" biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng về nội dung báo chí phản ánh.
Bộ NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai và một số bộ liên quan về việc sử dụng đất của Dự án sân golf Đak Đoa cũng như tổ chức Hội đồng thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng rừng với đa số phiếu tán thành việc trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ý kiến các bộ, ngành đều ủng hộ việc triển khai Dự án.
Không có chuyện “mất rừng”
Toàn bộ diện tích rừng thông dự kiến sử dụng làm sân golf đều nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp) theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Đây là diện tích thông trồng từ năm 1976, thuộc quy hoạch rừng sản xuất (không phải rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh hay rừng phòng hộ). Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, toàn bộ rừng thông đã được xác định là tài sản công và được tỉnh tổ chức đấu giá tài sản công theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, Tập đoàn FLC đã tham gia đấu giá tài sản công và được UBND tỉnh phê duyệt trúng đấu giá tại Quyết định số 1151/QĐ-UBND ngày 10/12/2020, Tập đoàn FLC đã nộp toàn bộ số tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước.
Mặc dù là rừng sản xuất, nhưng theo phương án triển khai đã được cam kết giữa chính quyền và chủ đầu tư, hoàn toàn không có chuyện chặt phá và làm mất đi số cây rừng hiện hữu.
Thông tin này đã được ghi nhận một cách thống nhất và đầy đủ trong tất cả các nội dung thẩm định, báo cáo về dự án, và được coi như một trong những căn cứ quan trọng nhất để dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đặc biệt thể hiện rõ trong văn bản số 1146/BNN – TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tháng 2/2021, trong đó quy định: “Quá trình thực hiện dự án không được khai thác rừng thông để lấy gỗ, thực hiện việc di thực đối với những cây Thông nằm trên diện tích cần giải phóng mặt bằng cho dự án và trồng lại vào các vị trí đất còn trống của sân golf hoặc các khu vực khác trên địa bàn tỉnh”. Tức là chủ đầu tư không được chặt phá rừng thông để khai thác gỗ với bất cứ mục đích nào.
Và cũng theo chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa đã được phê duyệt, các hạng mục chính của sân golf sẽ được xây dựng trên các diện tích có mật độ thông thưa và khu đất trống hiện trạng, nhằm bảo vệ cảnh quan tự nhiên một cách tối ưu. Đối với một số cây thông nằm trên đường golf, sẽ tiến hành di thực để trồng sang vị trí còn trống khác của dự án. Với công nghệ di thực hiện đại thì tỷ lệ cây sống gần như là tuyệt đối. Đặc biệt, trong quy hoạch, dự án giữ lại 8 ha đồi cỏ hồng nổi tiếng lâu nay.
Đồng thời, toàn bộ số tiền thu được khi đấu giá tài sản cây thông và số tiền trồng rừng thay thế mà nhà đầu tư nộp được tỉnh dùng để đầu tư trồng rừng. Do vậy, việc triển khai xây dựng sân golf không những không ảnh hưởng đến độ che phủ rừng chung của Gia Lai mà còn góp phần tăng thêm diện tích rừng cho địa phương, khi hầu như toàn bộ số cây thông hiện hữu trong khu vực dự án được bảo toàn.
Do đó, có thể khẳng định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng sân golf Đak Đoa hoàn toàn không phải “phá rừng làm sân golf” như một số quy chụp, mà chính là giữ gìn, phát triển đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế của diện tích rừng thông hiện hữu. Đây là sự kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Muốn thành công, dự án nghỉ dưỡng buộc phải giữ được rừng
Với các dự án du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, cảnh quan thiên nhiên chính là yếu tố tiên quyết để thu hút và giữ chân du khách.
Rừng thông và đồi cỏ hồng tại dự án sân golf Đak Đoa là tâm điểm thu hút du khách đến với dự án này, và cũng chính là một nguyên nhân quan trọng để Tập đoàn FLC lựa chọn khu vực đầu tư. Cho nên, để dự án sân golf Đak Đoa có thể vận hành thành công và mang đến hiệu quả kinh tế tích cực cho doanh nghiệp lẫn địa phương, không có giải pháp nào khác là phải bảo tồn, gìn giữ rừng thông và đồi cỏ hồng một cách tối ưu nhất. Đây không chỉ là mối quan tâm của chính quyền, mà trước hết còn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Do đó, tin đồn cho rằng doanh nghiệp “phá rừng làm sân golf” là hoàn toàn phi lý và sai sự thật.
Trên thực tế, nhiều dự án du lịch của FLC đã được triển khai trên những khu vực hoang hóa, hầu như không có giá trị để khai thác du lịch hay sản xuất, như vùng bán sa mạc (FLC Quy Nhơn), vùng đầm lầy (FLC Sầm Sơn) hay vùng khai thác than cũ (FLC Hạ Long). Để phủ xanh các địa điểm này, trở thành những quần thể nghỉ dưỡng được yêu thích như ngày nay, hàng triệu cây xanh và hoa đã được người FLC bền bỉ trồng mới và chăm sóc trong nhiều năm tại FLC Quy Nhơn, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình... Đến nay, ước tính số cây xanh và hoa trồng mới tại mỗi quần thể dao động từ 1,5-2 triệu cây (dừa, phi lao, giáng hương, xoài, lộc vừng và hoa cảnh, lá màu…), cùng hàng trăm ngàn m2 cỏ xanh được trồng bao phủ và xen kẽ giữa các tuyến đường nội khu.
Với dự án sân golf Đak Đoa, một trong những đơn vị thiết kế sân golf hàng đầu thế giới sẽ được mời tham gia tư vấn thiết kế. Đây là đơn vị đã tham gia xây dựng những kiệt tác sân golf trên địa hình phức tạp và đặc biệt có thế mạnh trong việc đảm bảo tối ưu về cảnh quan cũng như hệ sinh thái toàn khu, đặc biệt là thảm thực vật tự nhiên tại khu vực xây dựng.
Dự án mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội cho địa phương
Gia Lai là tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội có điểm xuất phát thấp. Do vậy, sân golf Đak Đoa là một trong những dự án phù hợp với xu hướng phát triển các khu du lịch, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi được xây dựng, dự án trên sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển, đáp ứng nhu cầu giải trí, phát triển thể lực cộng đồng.
Bên cạnh tiền nộp ngân sách, dự án bước đầu giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong vùng (từ lao động phổ thông cho đến nhân sự cấp cao trong quá trình thi công, xây dựng đến vận hành) và sẽ còn gia tăng theo sự phát triển của dự án.
Quan trọng hơn, dự án sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, phát triển cho nhân dân địa phương trong việc phục vụ du khách trong và ngoài nước, đồng thời là cú huých tăng thêm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư tại tỉnh Gia Lai. Đây là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn phát triển các dự án sân golf tại Gia Lai. Vì khi hình thành sân golf, tỉnh sẽ có điểm nhấn hấp dẫn phân khúc du khách cao cấp, giới doanh nhân, các nhà đầu tư… Từ đó, góp phần thu hút họ đến nghiên cứu, đầu tư các lĩnh vực khác trên địa bàn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tại một khu vực có nhiều tiềm năng như Gia Lai.
Điều này cũng tương tự với mô hình các quần thể du lịch nghỉ dưỡng sân golf đã được FLC vận hành thành công và góp phần thay đổi diện mạo du lịch, cách làm du lịch, cũng như thu hút đầu tư tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Định…
Trong điều kiện vùng hưởng lợi của dự án là khu vực đặc biệt khó khăn, việc đầu tư dự án để nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết và cấp bách, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và cả hệ thống chính trị của tỉnh./.
Thời gian qua, trên không gian mạng, một số đối tượng đã liên tiếp đăng tải các thông tin sai sự thật nghiêm trọng liên quan đến sân golf Đak Đoa, bất chấp thực tế dự án đã trải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng từ cơ quan quản lý, đồng thời đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Nhiều tài khoản mạng xã hội không chỉ công kích, bôi nhọ lãnh đạo FLC, lãnh đạo Gia Lai mà còn lợi dụng khoảng thời gian chuyển giao Chính phủ khóa mới để đưa ra hàng loạt thông tin thất thiệt, mạo danh phát ngôn của các lãnh đạo cấp cao của Chính Phủ và Nhà nước về dự án sân golf Đak Đoa.
Những thông tin này không những gây ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy lãnh đạo Chính phủ; mà còn gây hoang mang, bất ổn trong dư luận về công tác quản lý của Chính Phủ, Nhà nước và các Bộ, Ngành liên quan; đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, và là sự tấn công trực tiếp làm suy giảm quá trình thu hút đầu tư tại các vùng, miền còn nhiều khó khăn như Gia Lai, Đak Đoa.
Từ khóa: sân golf Đak Đoa, FLC, dự án sân golf Đak Đoa
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN