“Khơi nguồn Đạo học” kể chuyện khoa cử Việt Nam thời quân chủ
Cập nhật: 06/02/2024
VOV.VN - Câu chuyện về 5 danh nhân đã nỗ lực đưa giáo dục trở thành nền tảng cốt lõi của quốc gia Đại Việt: vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan đang được giới thiệu trong trưng bày “Khơi nguồn Đạo học” tại Hậu đường nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nội dung thiết kế trưng bày tập hợp tối đa các dữ liệu lịch sử và sắp xếp các không gian nhằm truyền tải các giá trị của tri thức và ký ức, hướng tới thể hiện các danh nhân không phải dưới góc độ là những vị quân vương mà là những tấm gương mẫu mực, đề cao sự học làm người.
Trưng bày “Khơi nguồn Đạo học” sử dụng hơn 300 tài liệu hiện vật, chia 4 phần nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh,.. Các thông tin, dữ liệu lịch sử, mốc thời gian mang tính khái quát, gợi mở, du khách tham quan có thể tìm hiểu sâu những câu chuyện thông qua việc quét mã QR, chẳng hạn như câu chuyện kể về khen thưởng Nho sinh của vua Lê Thánh Tông, lễ lạy tạ nhà vua, Tân Tiến sĩ về vinh quy bái tổ, lễ ban mũ áo, đai cho Tân Tiến sĩ diễn ra như thế nào…
Thông qua những thông tin trưng bày về “bậc danh sư muôn đời” Chu Văn An (1292-1370)- người đã đưa giáo dục vào vị trí trung tâm trong đời sống chính trị, nhằm hướng tới xã hội công bằng hơn, người xem được hiểu hơn về phương pháp dạy học của ông khi dựa trên tính thực tiễn của bài học, coi trọng sự suy ngẫm, ham muốn khám phá; những bài thơ ông làm lúc sinh thời trong tập “Tiều ẩn thi tập” hay các học trò nổi tiếng của ông như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Hoàng Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến Tông), Thái tử Trần Hạo (vua Trần Dụ Tông).
Trưng bày với nội dung chủ đạo là các tư liệu lịch sử, được sắp xếp, mô phỏng một cách khoa học. Bên cạnh đó là 5 bức chân dung của Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An qua nét vẽ của họa sĩ Thành Phong. Anh cũng là người gắn bó với trưng bày “Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên” trong vai trò vẽ minh họa. Họa sĩ Thành Phong cho biết: “Khi vẽ lại chân dung các danh nhân, đó chính là phiên bản mà tôi hình dung về họ, cộng với việc đọc và nghiên cứu sử liệu, để hiểu hơn tinh thần của họ. Bên cạnh đó, tôi cũng làm việc với cố vấn lịch sử để lựa chọn trang phục cho phù hợp, từ đó vẽ nên bức tranh Chu Văn An đang dạy học cho Thái tử và các học trò khác, phía sau là câu trích trong lễ kí “nhân bất học bất tri đạo”. Trong quá trình thực hiện 5 bức chân dung này, tôi được học lại lịch sử và tìm hiểu thêm cuộc sống thời quân chủ”.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cảm nhận: các thiết kế được bố trí khoa học, khiến cho người xem cảm nhận sự thiêng liêng của di tích. Bên cạnh đó, về nội dung, trưng bày “Khơi nguồn đạo học” đã mang đến một “hơi thở” mới, từ cách kể chuyện từng nhân vật, từng con người thông qua hệ thống thông tin. Trưng bày về Văn Miếu Quốc Tử Giám nhưng không cần quá nhiều hiện vật gốc, chỉ là những bản scan từ những cuốn sách lịch sử, kèm theo hệ thống thông tin và hình ảnh minh họa đã mang đến cảm xúc cho người xem. Những bức chân dung màu được vẽ rất hiện đại nhưng cũng rất thực tế, rất Việt Nam, thể hiện sự dung dị, đời thường, góp phần tạo nên thành công của trưng bày này. Nó cũng mở ra một cái nhìn mới không những cho các cuộc triển lãm thời phong kiến mà còn cho các hoạt động nghệ thuật, điện ảnh, trình diễn…
Thông qua việc dựng Văn Miếu vào năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông và lập trường Quốc Tử Giám vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông, các vị vua triều Lý đã thể hiện sự coi trọng hiền tài, bồi đắp nguyên khí để xây dựng quốc gia hùng mạnh. Trải qua thời Trần, dù đất nước còn muôn vàn khó khăn nhưng giáo dục vẫn được chú trọng và có bước tiến mới, với sự xuất hiện của nhiều thế hệ thầy giáo, môn sinh mà tiêu biểu là thầy giáo Chu Văn An cùng các học trò của ông. Sang thời Lê, đặc biệt dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, văn hoá giáo dục Đại Việt có sự phát triển rực rỡ, lần đầu tiên trong lịch sử, khoa cử được tổ chức quy củ chặt chẽ, người đỗ Tiến sĩ được khắc tên trên bia đá đặt tại Quốc Tử Giám.
Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Trưng bày “Khơi nguồn đạo học” kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân, để phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan tìm hiểu và có những cảm nhận sâu sắc về những đóng góp của họ - các bậc danh nhân khoa bảng đối với nền giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống xã hội hiện nay.
Từ khóa: khơi nguồn đạo học, đạo học, khoa cử việt nam, khoa cử, chu văn an, giáo dục, khơi nguồn đạo học
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: phương thúy/vov6
Nguồn tin: VOVVN