Khoáng sản là “miếng mồi ngon” khiến nhiều người khai thác bất chấp hệ quả

Cập nhật: 04/11/2024

VOV.VN - Thực tiễn cho thấy, việc quản lý khoáng sản nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ.

Có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản

Sáng nay (4/11), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho biết, Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.

Đại biểu khẳng định, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước.

“Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.

Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện.

“Tình trạng này không những tài nguyên quốc gia bị thất thoát lãng phí hệ luỵ mà còn kéo thêm nhiều người tử nạn do khai thác thủ công lén lút ko an toàn”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế xin – cho, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước.

“Tại những địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng”, đại biểu đoàn Đồng Tháp lo ngại.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các sông làm vật liệu thông thường.

“Cát biển cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường; nghiên cứu xây dựng cầu cảng trên vùng đất yếu, vùng trũng, đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng thực hiện thí điểm”.

Tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra

Không chỉ dừng ở vấn nạn khai thác khoáng sản, tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum cho biết, những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 42%. Tuy nhiên, tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra và có nguy cơ gia tăng.

Số liệu cho thấy, từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng thiệt hại ước hơn 22.800 ha. Trong đó rừng bị cháy khoảng hơn 13.000 ha, còn lại là do chặt phá trái phép.

Đại biểu trăn trở, rừng thiệt hại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Mất đa dạng sinh học, giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của rừng, thay đổi khí hậu, xói mòn đất và là một trong những tác nhân của thời tiết cực đoan, bất thường.

“Nạn chặt phá rừng trái phép vẫn đang là vấn đề nóng cần giải quyết triệt để. Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý triệt để nạn chặt phá rừng trái phép”, đại biểu đoàn Kon Tum nêu ý kiến.

Từ những vấn đề trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, UBTVQH nên tiến hành giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế. Về phía Chính phủ, cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng đối với vấn đề đa dạng sinh học, môi trường rừng, tác động phòng chống biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở…. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dự án phát triển kinh tế, xã hội có chuyển đổi rừng; có kế hoạch trồng rừng hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định tranh luận về việc xanh hóa, phủ rừng ở nhiều địa phương rất thiếu bền vững.

"Đến địa phương nào cũng nhận thấy màu xanh của rừng không bền vững, chủ yếu là keo bạch đàn đều là những cây có khả năng giữ đất không cao, với chu kỳ khai thác ngắn. Do đó, chúng ta cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước để triển khai trồng rừng theo địa từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau", đại biểu đoàn Bình Định nêu ý kiến.

Theo đại biểu, nên tăng cường trồng cây bản địa, cây lâu năm; nếu vẫn cần khai thác kinh tế thì có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất ở phía dưới, còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, cây bản địa.

Về việc khai thác tài nguyên đặc biệt là những đại dự án ở vùng lõi, vùng dự trữ sinh quyển rất cần rà soát cẩn thận, đánh giá tác động môi trường khách quan, công tâm.

"Những nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo thì chúng ta phải phải thận trọng. Việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt; tuyên truyền để thay đổi sở thích sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc làm bằng gỗ nguyên khối tự nhiên của người Việt Nam; cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất, như trồng cây mà vẫn còn nguyên bọc hay cây còn có khả năng cứu lại chặt đi để xin ngân sách trồng mới", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị.

Từ khóa: khoáng sản, khoáng sản, bão yagi, khai thác khoáng sản, đại biểu quốc hội, kỳ họp thứ 8

Thể loại: Xã hội

Tác giả: vân anh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập