Khánh Hòa tái cơ cấu kinh tế, duy trì tăng trưởng GRDP trên 10%
Cập nhật: 2 ngày trước
Xây dựng cầu Ba Đình kết nối tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang
Đà Nẵng điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách năm 2025 hơn 30.000 tỷ đồng
VOV.VN - Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Khánh Hòa tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư các dự án lớn chuyển đổi tình thế, duy trì đà tăng trưởng GRDP trên 10%. Qua đó, góp phần cùng với cả nước thực hiện Nghị quyết số 25/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Dự án cụm công nghiệp Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa do Công ty Cổ phần đầu tư VCN làm chủ đầu tư. Dự án này nằm tại xã Diên Thọ, phía Tây tỉnh Khánh Hòa nhưng nay, giao thông rất thuận lợi vì nằm ở vị trí kết nối các tuyến cao tốc Bắc- Nam, Quốc lộ 27C, cao tốc Nha Trang- Đà Lạt.
Đến nay, tính Khánh Hòa đã giao đất được gần 20 hecta của giai đoạn 1, riêng giai đoạn 2, đã bồi thường giải phóng mặt bằng được hơn 31 héc ta, chiếm 97% diện tích toàn dự án. Đây là dự án hạ tầng công nghiệp có phần lớn diện tích là đất lúa. Cuối tháng 10/2024, HĐND tỉnh Khánh Hòa áp dụng Nghị quyết 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để chuyển đổi đất lúa sang đất công nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VCN cho biết, các cơ chế chính sách đặc thù thí điểm tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án công nghiệp: "Dự án cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Diên Thọ được phân cấp, phân quyền chuyển đổi đất lúa thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh. Chúng tôi vừa cùng với địa phương thu hồi xong đất, phối hợp chặt chẽ với địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh các thủ tục, trình HĐND thông qua việc thu hồi đất lúa. Từ đó, đủ cơ sở xin giao đất, cho thuê đất, đầu tư xây dựng đúng tiến độ đã được chấp thuận”.
Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 9 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 360 hecta, tỷ lệ lấp đầy đạt 78%; 80 cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động. Toàn tỉnh có 4 Khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.100 hecta. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng của tỉnh Khánh Hòa phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin; thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.
Khu vực Nam Vân Phong được quy hoạch nhiều khu công nghiệp để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, đóng tàu… gắn với trung tâm logistics phục vụ cả khu vực Tây Nguyên. Ông Huỳnh Vĩnh Phước, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, cảng có nhiều cơ hội phát triển khi các dự án cao tốc Bắc- Nam, Khánh Hòa- Buôn Mê Thuột hoàn thành và các dự án khu công nghiệp trong khu vực được đầu tư.
"Cảng Nam Vân Phong gần như phục vụ cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại Khu Công nghiệp Ninh Thủy. Sắp tới đây, tỉnh Khánh Hòa phát triển nhiều khu công nghiệp liền kề Ninh Thủy, xa hơn là Khu công nghiệp Ninh Xuân hoặc Dốc Đá Trắng, hạ tầng cơ sở phát triển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào đầu tư. Từ đó, tăng thêm lượng hàng, đặc biệt là container qua cảng", ông Huỳnh Vĩnh Phước nói.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch phân khu của Khu Kinh tế Vân Phong. Trong năm 2025, dự kiến khởi công nhiều dự án khu công nghiệp, đô thị, nghỉ dưỡng tại khu vực này. Cụ thể, trong tháng 3, khởi công Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm. Dự án Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng sẽ khởi công vào đầu tháng 4. Dự án Khu đô thị cao cấp Cổ Mã dự kiến khởi công vào cuối tháng 7.
Ông Lê Hồng Phương, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, đây là những dự án lớn có quy mô đầu tư từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng, có tính chất động lực cho khu kinh tế. Cơ chế đặc thù cho phép tách dự án bồi thường, tái định cư thành dự án thành phần do UBND cấp huyện đảm nhận, tạo điều kiện đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.
“Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng được định hướng là cơ khí chế tạo, không định hướng chế biến thủy sản. Cơ chế cho tách các dự án thành phần, tạo thuận lợi mỗi địa phương chủ động, phương án bồi thường sẽ do địa phương triển khai độc lập, sẽ rất nhanh. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng thuận lợi vì có mặt bằng sạch, triển khai đẩy nhanh tiến độ đầu tư”, ông Lê Hồng Phương thông tin thêm.
Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển. Năm 2025, Khánh Hòa phấn đấu xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2024, vào nhóm 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất nước. Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, các địa phương sẽ triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm dần khai thác.
“Xuất khẩu thủy sản đang có mục tiêu tăng trưởng lớn lên đến 1 tỷ USD, đối với ngành nông nghiệp khai thác phải định hướng cho ngư dân, có cơ chế hỗ trợ vươn bám biển, khai thác đúng quy định IUU, thực hiện đúng các chủng loại đảm bảo xuất khẩu. Đồng thời, tập trung tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản để sản phẩm xuất khẩu nhiều hơn nữa”, ông Nguyễn Duy Quang thông tin.
Tỉnh Khánh Hòa xác định năm 2025 là năm tăng tốc, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó, tăng trưởng GRDP từ 10-10,5%, Nghị quyết 25/2025 của Chính phủ giao Khánh Hòa là 10%. Qua đó, tạo tiền đề đưa địa phương tiến vào thập niên nâng tầm phát triển, phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm 15 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, tăng trưởng liên tục 2 con số về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người.
Khánh Hòa đặt mục tiêu giữ vững tăng trưởng kinh tế trên cơ sở cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Khánh Hòa cũng sẽ trình Chính phủ xem xét, bổ sung diện tích quy hoạch khu công nghiệp từ 1.100 hecta lên 4.400 hecta.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, về công nghiệp, địa phương đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, gia tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. “Chúng tôi làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh thu hút đầu tư, gia tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư khu công nghiệp mới. Cần làm nhanh việc này. Có 3 tiêu chí: doanh nghiệp thân thiện môi trường, sử dụng lao động địa phương, nộp ngân sách lớn được ưu tiên. Thiếu 1 trong 3 tiêu chí thì không phải là đối tượng ưu tiên lựa chọn”, ông Thành nói.
Từ khóa: Khánh Hòa, tăng trưởng,GRDP,Diên Khánh,tái cơ cấu kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thái bình/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN