Khánh Hòa cắt hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư công vì thu ngân sách sụt giảm

Cập nhật: 27/02/2021

VOV.VN - Năm 2021, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ cắt hơn 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, giảm 40% so với kế hoạch trước đó.

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thu ngân sách địa phương bị sụt giảm nên tổng vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa trong năm 2021 chỉ còn gần 3.800 tỷ đồng, giảm hơn 1.500 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Tỉnh phân bố đầu tư theo thứ tự ưu tiên, ngành, lĩnh vực được dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.

Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý sẽ chủ yếu bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 và các năm trước sang năm 2021 gần 1.100 tỷ đồng, đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hơn 250 tỷ đồng…

Để giải ngân vốn vốn đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, bảo đảm triển khai thi công đúng tiến độ dự án. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. UBND các huyện, thị xã, thành phố phải quyết liệt thực hiện công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa; xác minh nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, niêm yết công khai lấy ý kiến, hoàn chỉnh phương án trình Sở Tài nguyên và Môi trường phương án giá đất.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư công nhằm tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các ngành, lĩnh vực như: Giao thông, hồ chứa, đê kè ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục ô nhiễm môi trường, hạ tầng y tế, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Nguyễn Tấn Tuân cho biết: “Chúng tôi sử dụng rất nhiều biện pháp, từ Hội đồng thẩm định giá, các cơ quan chuyên môn như: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư là phải vào cuộc. Từ thẩm định các thiết kế xây dựng đến việc giám sát, áp giá đền bù, giải tỏa mặt bằng, tổ chức các khu tái định cư… thì lúc đó giải ngân đầu tư công mới đảm bảo được tiến độ./.”

Từ khóa: tài nguyên môi trường, tái định cư, tỉnh Khánh Hòa, ODA

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập