Khai thác khoáng sản: “Vừa xin được cấp phép lại chuẩn bị xin cấp phép gia hạn”
Cập nhật: 05/11/2024
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Nhiều dự án khai thác than có tuổi đời hơn 40 năm, trong khi quy định thời gian xin cấp phép lại khai thác khoáng sản là 2-3 năm, như vậy vừa xin được cấp phép, doanh nghiệp lại bắt đầu phải làm thủ tục để xin cấp phép tiếp.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản chiều nay (5/11), đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho biết, dự thảo luật quy định thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần.
Theo đại biểu đoàn Quảng Ninh, quy định về thời hạn khai thác và thời gian gia hạn khai thác khoáng sản là chưa phù hợp với với chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.
Luật Đầu tư quy định là các dự án trong khu vực công nghiệp khai thác không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm. Tuy nhiên, xây dựng cơ bản của dự án cũng đã mất từ 8-10 năm. Trên thực tế thì nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện, thời gian trên cả đời của dự án vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43-45 năm, bao gồm cả thời gian để cấp phép và thời gian gia hạn.
“Mỗi lần gia hạn chỉ được 2-3 năm. Như vậy lại vừa làm, vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn. Đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập”, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến.
Đại biểu đoàn Quảng Ninh kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác, khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, điều kiện địa chất của khoáng sản, dự án và điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM cho rằng, khoáng sản là một thành phần quan trọng, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của quốc gia.
Theo dự thảo luật, nhóm 1 gồm kim loại và năng lượng, tuy nhiên chưa phân chia rõ ràng. Trong số đó có những kim loại và năng lượng cực kỳ quan trọng, đóng vai trò thiết yếu khi tiến vào kỷ nguyên số với bán dẫn, xe điện, phòng không và quân sự…
“Vonfram Việt Nam chiếm 1/3 trữ lượng của thế giới. Titan trữ lượng của chúng ta cũng đứng thứ 2, thứ 3 thế giới. Uranium chất cốt lõi trong công nghiệp hạt nhân. Băng cháy trên thềm lục địa trị giá hàng trăm tỷ USD chúng ta cũng có quyền khai thác…”, đại biểu TP.HCM dẫn chứng.
Theo đại biểu, không thể đánh đồng tất cả các tài nguyên trong nhóm 1 bởi một số trong đó mang tính chất tài nguyên chiến lược quan trọng. Phải có quy định rõ cho những tài nguyên này.
Với quy định hiện nay có thể chuyển nhượng các dự án thăm dò và khai thác khoáng sản. Điều này dẫn tới rất khó để nắm được ai là người có quyền quản lý và khai thác trữ lượng này, ảnh hưởng đến độc lập, tự chủ quốc gia.
Nhiều quốc gia có quy định rõ ràng chính phủ có thể can thiệp không cho chuyển nhượng dự án nếu liên quan đến khoáng sản chiến lược trong khi dự luật hiện nay mới quy định quản lý chủ yếu do Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh.
“Tôi đề nghị cần có danh mục những khoáng sản chiến lược quan trọng, đặc biệt quan trọng, tất cả quyết định thăm dò, khai thác, thu hồi… Thủ tướng Chính phủ quyết định, bởi trong một số trường hợp nó đụng đến phát triển lâu dài, chủ quyền dân tộc và an ninh quốc gia”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 12 chương, 116 điều.
Hiện vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau cần tập trung thảo luận trong đó có nội dung về quản lý đối với khoáng sản nhóm IV (gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ).
Trong đó có ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, tránh tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến vi phạm, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản.
Cũng có ý kiến đề nghị cần xem xét cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm IV thay vì thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo “đối với khoáng sản nhóm IV, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể liên quan đến công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác không để trục lợi chính sách”.
“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất theo hướng vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khoáng sản nhóm IV nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Quang Huy nói.
Từ khóa: khoáng sản, khoáng sản, khai thác khoáng sản, cấp phép, đại biểu quốc hội, luật địa chất và khoáng sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: vân anh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN