Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 bằng hình thức trực tuyến
Cập nhật: 26/06/2020
Hải quân Ấn Độ biên chế 3 tàu chiến hiện đại
Vũ khí giúp Ukraine hạ gục loạt xe bọc thép hạng nặng của Nga
VOV.VN - Tăng quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy hợp tác thanh niên là những nội dung mới cũng rất được quan tâm tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 hôm nay chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là hội nghị cấp cao chính thức đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Hội nghị lần này diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN tại các đầu cầu mỗi nước. Theo thông lệ, Hội nghị cấp cao lần đầu của ASEAN trong năm là hội nghị nội bộ của các nhà lãnh đạo ASEAN.
Thủ tướng đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN tại Trung tâm Hội nghị quốc tế chiều 25/6. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo chương trình dự kiến, sau lễ khai mạc sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, phiên họp đặc biệt của lãnh đạo ASEAN về nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số, cuộc gặp giữa các lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Liên nghị viện ASEAN; Đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN với thanh niên ASEAN, đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và họp báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Các nhà lãnh đạo vào dịp này sẽ rà soát, xem xét lại tất cả công việc của ASEAN từ Hội nghị cấp cao lần trước (Hội nghị cấp cao lần thứ 35 vào tháng 11/2019) đến nay, đưa ra chỉ đạo cho định hướng xây dựng cộng đồng thời gian tới, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cho ý kiến định hướng về quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài (quan hệ đối ngoại của ASEAN); trao đổi với nhau về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, chắc chắn một trọng tâm mà các nhà lãnh đạo không thể không tập trung là việc tiếp tục ứng phó với dịch COVID-19 và hướng phục hồi của ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và cùng Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.
Theo kế hoạch, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ tổ chức trong 1 ngày (ngày 26/6).
Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng cho phụ nữ
Lần đầu tiên trong lịch sử, các Nhà lãnh đạo ASEAN tổ chức Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/6.
Phụ nữ ASEAN đang ngày càng thể hiện được sự gắn kết và vai trò quan trọng đối với các vấn đề trong khu vực. Ảnh: ASEAN |
Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội trong ASEAN. Hoạt động này cũng nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ.
Có thể nói, việc tăng quyền năng cho phụ nữ đã được lãnh đạo các nước ASEAN và cả nước Chủ tịch Việt Nam đặc biệt quân tâm. Gần 2 năm trước, hồi tháng 10/2018, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) cũng được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không thể trở thành Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái”.
Trên thực tế, kể từ khi thành lập vào năm 1967, ASEAN đã rất nỗ lực trong việc tăng quyền năng cho phụ nữ. Điều này được thể hiện qua những con số hết sức tích cực: Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức trên 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, quyền năng của phụ nữ vẫn chưa được ghi nhận đúng mức, thậm chí phụ nữ còn phải chịu sự bất bình đẳng về thu nhập so với nam giới khi cùng làm một công việc, chênh lệch trung bình thậm chí lên tới 25% ở một số quốc gia.
Bản thân phụ nữ các nước ASEAN cũng đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc tự nâng cao vai trò, vị thế của mình.Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa bình (AWPR) được thành lập ngày 13/12/2018 tại Phillippines. Thành viên của Nhóm gồm đại diện nữ của các nước ASEAN, là các nhà ngoại giao, quan chức, cựu quan chức chính phủ, nhà đàm phán, chuyên gia nghiên cứu về hòa bình và hòa giải.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục các nỗ lực chung, đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực.
Thanh niên ASEAN cũng đang thể hiện rất tốt vai trò chủ động, tích cực trong việc gắn kết cộng đồng. Ảnh: ASEAN |
Hợp tác thanh niên – động lực gắn kết cộng đồng ASEAN
Là nguồn lực giữ vai trò quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của mỗi quốc gia và khu vực - lực lượng kết nối giữa hiện tại với tương lai, việc thúc đẩy vai trò của thanh niên trong khu vực ASEAN không chỉ góp phần tăng cường tính bền vững trong các chiến lược phát triển mà còn thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như: Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN (AMMY) được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các nước ASEAN; Hội nghị quan chức cấp vụ về thanh niên ASEAN (SOMY) được tổ chức hằng năm, thảo luận và thống nhất các sáng kiến và hoạt động hợp tác cụ thể trong ASEAN; Ngày Thanh niên ASEAN (ANDM) - hoạt động thường được lồng ghép vào các sự kiện lớn như Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN và được nước Chủ tịch Thanh niên ASEAN đương nhiệm chủ trì; được tổ chức nhằm tôn vinh các thanh niên hoặc tổ chức thanh niên có thành tích xuất sắc trong một số lĩnh vực; Lễ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN.
Năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, theo chương trình, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động hợp tác thanh niên ASEAN, ASEAN+ tại một số địa phương trên cả nước, như: Lễ tiếp kiến thanh niên ASEAN với Lãnh đạo cấp cao ASEAN (bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 36), Diễn đàn thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng và Giải thưởng thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng tại Quảng Bình, Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN tại Quảng Ninh.
Là thành viên tham gia đóng góp vào trụ cột Văn hóa - Xã hội của Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đóng góp tích cực vào các nội dung của trụ cột: tham gia Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, xây dựng Kế hoạch hành động của Trung ương Đoàn - Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam nhằm thực hiện Đề án; cử đại diện lãnh đạo tham gia Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, đóng góp vào sự chuẩn bị của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác trong khuôn khổ song phương với một số quốc gia thành viên ASEAN.
Những hoạt động trên cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các nước ASEAN và nước Chủ tịch Việt Nam đối với công tác thanh niên, đặc biệt là việc thúc đẩy hợp tác thanh niên trong ASEAN nhằm tạo cầu nối và động lực quan trọng gắn kết ASEAN trong tương lai. Chính vì thế, vấn đề trên cùng với việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ đã trở thành 2 trong nhiều chủ đề hết sức được quan tâm tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36./.
Từ khóa: Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Tăng quyền năng cho phụ nữ, hợp tác thanh niên, ASEAN
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN