Khắc phục bệnh lười học chính trị, nghiên cứu nghị quyết

Cập nhật: 11/10/2023

VOV.VN - Nhiều ý kiến tập trung thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả học tập lý luận chính trị, khắc phục bệnh lười học, lười nghiên cứu lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Chiều nay (10/10), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Đoàn công tác kiểm tra, khảo sát kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 23 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” và Nghị quyết 37 năm 2014 của Bộ Chính trị về “Công tác nghiên cứu lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tập trung thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả học tập lý luận chính trị, khắc phục bệnh lười học, lười nghiên cứu lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch về“Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị; chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng giai đoạn 2021-2025”.

Sau 5 năm, việc thực hiện Chỉ thị số 23 đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu, đổi mới chất lượng, hiệu quả trong học tập và công tác giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động cụ thể hóa các Chỉ thị như Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; tham gia Cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; theo dõi, phát hiện, xử lý các trường hợp sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin xấu, độc, phức tạp về chính trị và sai sự thật; phối hợp xử lý các bài viết không đúng đăng tải trên trang cá nhân Facebook của nhiều đối tượng.

Nhiều ý kiến cho biết, đến nay các cơ sở giáo dục trong cả nước chưa có chương trình khung đào tạo sơ cấp lý luận chính trị thống nhất. Mỗi cơ sở tự xây dựng chương trình theo yêu cầu đào tạo. Vì vậy thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong nội dung, trình độ, dễ dẫn đến tình trạng cán bộ không chuẩn về trình độ chính trị. Sở Giáo dục và Đào tạo không nắm công tác Đảng trong trường học nên công tác giáo dục chính trị trong trường học do cấp ủy địa phương thực hiện.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Thành phố Đà Nẵng có 1,2 triệu dân nhưng có đến 2,4 triệu tài khoản mạng xã hội nên việc kiểm soát thông tin xấu độc trên mạng xã hội rất khó khăn. Việc đầu tư nguồn lực cho công tác học tập lý luận chính trị còn hạn chế; công tác học tập quán triệt nghị quyết, lý luận chính trị còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, đảng viên thiếu tập trung khi học tập nghị quyết trực tuyến. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu lý luận chính trị, chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu. Công tác giáo dục chính trị trong các trường Đại học còn nhiều bất cập.

Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều sáng tạo, kết quả khảo sát góp phần giúp Đoàn công tác tập hợp tham mưu Ban Bí thư làm tốt công tác tổng kết Chỉ thị 23 và Nghị quyết 37 về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Công tác nghiên cứu lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.

“Chúng ta đã nói chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ đảng viên phải hết sức thấu hiểu tất nhiên là ở các bậc khác nhau. Khi nhắc đến chuyện thành phố thông minh, thôn thông minh, đảng viên phải nên học nghị quyết trên internet thì chương trình thí điểm học lý luận trên internet đã đưa Đà Nẵng thí điểm. Không đâu phù hợp hơn Đà Nẵng vì rất sẵn nền tảng, hiện việc này rất là tốt” - ông Lê Hải Bình nói.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, qua phản ánh của thực tiễn, chúng ta đã thấy bất cập ở mọi khâu trong cung cấp nền tảng này cho cán bộ, đảng viên. Đó là, bất cập trong khâu giảng viên, giáo viên, cơ sở đào tạo, bất cập cả khâu giáo trình. Đây là những vấn đề sẽ được báo cáo trong quá trình tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về giáo dục lý luận chính trị./.

Từ khóa: khắc phục bệnh lười học chính trị, một bộ phận cán bộ đảng viên, lười suy nghĩ, bệnh hình thức trong học tập nghị quyết của Đảng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: thanh hà/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập