Kết quả bầu cử Mỹ có thể quyết định tương lai viện trợ cho Ukraine

Cập nhật: 05/11/2024

VOV.VN - Không khí căng thẳng dường như đang gia tăng ở Ukraine khi nước Mỹ đã chính thức bước vào Ngày bầu cử. Giới chuyên gia đánh giá, cuộc bầu cử này có thể là yếu tố quyết định liệu Mỹ có tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine hay không.

Viện trợ cho Ukraine phụ thuộc vào kết quả bầu cử Mỹ

Trong bối cảnh cuộc đua giữa ứng viên đảng Cộng hòa – cựu Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ - Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris chưa ngã ngũ, vấn đề lớn nhất đối với Ukraine hiện tại là nước này sẽ tiếp tục nhận được bao nhiêu sự ủng hộ và hỗ trợ tài chính từ Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở.

Sau gần 3 năm xung đột Nga – Ukraine bùng phát, một số quốc gia đã “thấm mệt” trong việc viện trợ tài chính cho Ukraine, đặc biệt là Mỹ - nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev, dù Washington và NATO vẫn liên tục thể thiện sự ủng hộ công khai đối với Ukraine.

Các nhà quan sát cho rằng, nếu cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, ông sẽ có quan điểm cứng rắn hơn trong việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, ngay cả khi bà Kamala Harris – người đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, chính quyền mới của Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhà lập pháp cung cấp hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho Ukraine.

Giới chức Ukraine cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử Mỹ, trong bối cảnh lo ngại rằng viện trợ trong tương lai có thể bị cắt giảm.

"Chúng tôi hiểu rằng đây là một trong những kịch bản có thể xảy ra và sẽ gây bất lợi cho Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ làm mọi cách để thuyết phục các đối tác tại Mỹ duy trì hỗ trợ ở mức tương tự, vì một giải pháp thay thế sẽ không tốt cho tất cả các bên liên quan, trong đó có cả Mỹ", Yuriy Sak, một quan chức cấp cao của Ukraine nói với CNBC.

Theo ông Yuriy Sak, Ukraine có quan điểm riêng về các ứng cử viên, nhưng "chúng tôi hy vọng và tin rằng dù ai trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ, Washington vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev cho đến khi chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc xung đột và đạt được hòa bình công bằng".

Các chuyên gia chỉ ra rằng, Ukraine đang dựa vào các đối tác quốc tế về quân sự, nhân đạo và tài chính cần thiết để duy trì hoạt động kinh tế của đất nước và duy trì khả năng quân sự nhằm chống lại lực lượng Nga ở khu vực miền Nam và miền Đông Ukraine.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel tính toán rằng Mỹ đã chi gần 108 tỷ USD cho viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, trong khi các quốc gia thành viên EU và các tổ chức như Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ủy ban châu Âu chi tổng cộng 175,47 tỷ USD cho các khoản viện trợ cho Kiev.

Đầu tháng 11, Mỹ thông báo sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD cho Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gói viện trợ này sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí bổ sung để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của Kiev, bao gồm các hệ thống phòng không, đạn rocket, đạn pháo, xe bọc thép và các vũ khí chống tăng.

Khả năng Mỹ dừng viện trợ cho Ukraine

Sự “hào phóng” của Mỹ khi viện trợ cho Ukraine trong thời gian đã trở thành vấn đề ngày càng khó khăn đối với các nhà lập pháp Mỹ.

Một yếu tố quan trọng đối với Ukraine là liệu đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử. Điều này sẽ quyết định người đứng đầu Nhà Trắng trong tương lai sẽ nắm giữ quyền lực ra sao và tổng thống có thể hỗ trợ tài chính cho Ukraine ở mức độ nào.

Cựu Tổng thống Trump đã ám chỉ ông sẽ cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, sau khi tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử, song không tiết lộ chi tiết về cách sẽ thực hiện. Các nhà phân tích cho biết có khả năng ông Trump coi việc chặn tài trợ cho Ukraine là một cách để buộc phải chấm dứt xung đột.

Ứng viên Phó tổng thống Mỹ của ông Trump - J.D. Vance phản đối việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nói rằng Mỹ nên khuyến khích Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga và nên chuẩn bị nhượng lãnh thổ cho Moscow.

Theo các nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg, ông Trump ngay lập tức cắt nguồn tài trợ cho Ukraine nếu tái đắc cử sẽ là một kịch bản tiêu cực, nhưng lại là một khả năng có thể xảy ra đối với một chính trị gia nổi tiếng là khó đoán.

“Mặc dù châu Âu là nhà tài trợ hàng đầu cho Ukraine, nhưng viện trợ quân sự của Washington rất quan trọng đối với Kiev”, Ngân hàng Berenberg cho biết.

Bà Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ là kịch bản nhẹ nhàng hơn đối với Ukraine vì bà đã cam kết rằng chính quyền của bà sẽ hỗ trợ cho Ukraine “cho đến khi nào cần thiết”. Tuy nhiên, cả bà Kamala Harris nói riêng và chính quyền Mỹ nói chung đều chưa bao giờ nói rõ về giới hạn đối với viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine.

Tuần trước, giới chức phương Tây nói rằng nếu bà Harris đắc cử Tổng thống Mỹ 2024, chính quyền của bà có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy viện trợ đáng kể cho Ukraine thông qua Quốc hội.

Từ khóa: bầu cử Mỹ, bầu cử Mỹ,viện trợ cho Ukraine,xung đột nga - ukraine,nga,ukraine,donald trump,kamala harris,bầu cử mỹ,kết quả bầu cử mỹ,quốc hội mỹ,bầu cử,cựu tổng thống trump,đảng dân chủ,đảng cộng hòa

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: mai trang/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập