Kẻ phản bội tệ hại nhất trong lịch sử tình báo Liên Xô
Cập nhật: 18/03/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Không chỉ gây tổn thất khổng lồ về người và của cho Liên Xô, viên tướng-điệp viên hai mang này hiện còn chiếm giữ nhiều kỷ lục trong thế giới tình báo
Cú sốc lớn
Tướng Dmitry Fedorovich Polyakov - kẻ phản bội tệ hại nhất trong lịch sử tình báo Liên Xô - có một khởi đầu sự nghiệp khá thành công - sau khi được đào tạo tại trường Pháo binh, đã chiến đấu từ những ngày đầu tiên chiến tranh chống phát xít Đức xâm lược, được thưởng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc và Huân chương Sao Đỏ; năm 1942, gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô và sau tốt nghiệp Học viện Frunze, được điều về Tổng cục Tình báo Bộ Tổng Tham mưu (GRU) Quân đội Liên Xô.
Trước những năm 1960, Polyakov là Trung tá GRU hoạt động tại Mỹ trong Phái bộ của Liên Xô tại Ủy ban Quân sự Liên Hợp Quốc. Một lần, con trai ba tháng tuổi của Polyakov ốm, bị biến chứng, cần được phẫu thuật khẩn cấp, với chi phí 400 USD. Không có đủ tiền, Polyakov hỏi I. A. Sklyarov - Thiếu tướng, chỉ huy Phân cục GRU tại đây - để vay tiền quỹ của GRU. Sau khi xin ý kiến Trung tâm, viên tướng đã từ chối, kết quả là đứa bé chết - một cú sốc lớn đối với Polyakov. Có ý kiến cho rằng, động cơ chính đẩy Polyakov vào vòng tay các nhà tuyển dụng Mỹ là trả thù cho đứa con trai xấu số.
Polyakov là một kẻ phản bội Tổ Quốc có ý thức; Nguồn: ecommerceacademy.io |
Các sử gia tình báo tin rằng, Polyakov từ lâu đã bất mãn chế độ Khrushchev đang chống lại ảnh hưởng “người Cha Dân tộc” Stalin, và cái chết của đứa con trai chỉ là chất xúc tác cho hành động phản bội. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến khác, Polyakov không làm việc cho người Mỹ như là nạn nhân của tống tiền hay sự hèn nhát..., y là một kẻ phản bội cố ý. Không chấp nhận các đường hướng chính trị của chính quyền Xô viết thời kỳ Khrushchev, Polyakov tin rằng giới lãnh đạo Liên Xô đã chà đạp và lãng quên các lý tưởng của Stalin, mà vì chúng ông đã chiến đấu trên các mặt trận của chiến tranh Vệ quốc.
Nhúng chàm
Polyakov có hành động phản bội đầu tiên vào tháng 11/1961 khi tiếp xúc với các quan chức Sở Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ đề nghị hợp tác. Với FBI, viên sĩ quan GRU này hoạt động dưới mật danh "Tophat". Lần tiếp xúc thứ hai diễn ra hai tuần sau lần đầu tiên, Polyakov đã chuyển cho FBI danh sách gần 50 đồng nghiệp của mình và đặc vụ KGB đang hoạt động tại Mỹ vào thời điểm đó. Kẻ nhúng chàm này còn "rò rỉ" thông tin cho mật vụ Mỹ về các điệp viên bất hợp pháp của tình báo Liên Xô, và tư vấn ai trong số họ người Mỹ có thể tuyển dụng được. Polyakov đã chuyển giao các tài liệu mật "Giới thiệu về tổ chức và thực hiện các hoạt động bí mật", sau đó được sử dụng làm giáo trình hỗ trợ đào tạo tại FBI.
Chưa đầy một năm sau khi bắt tay với FBI, Polyakov kết nối với Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ. John A. McCone - khi đó là Giám đốc CIA - được sự đồng ý của Tổng thống John F. Kennedy, ngay lập tức gọi điện cho lãnh đạo FBI đề nghị chuyển Polyakov cho mình. Polyakov được CIA đặt mật danh "Bourbon", và gần ngay lập tức được xếp vào nhóm các đặc tình có giá trị cao. Lúc đó, đương sự đang làm Phó chỉ huy Phân cục GRU ở Mỹ. Đầu tiên, Polyakov đã chuyển giao cho tình báo Hoa Kỳ một số nhân viên mật mã làm việc bí mật tại các phái bộ của Liên Xô ở Mỹ.
Điệp viên hai mang
Với mật danh "Bourbon", Polyakov làm việc cho CIA từ tháng 6/1962. Trong khi đó, sự nghiệp của Polyakov tại GRU cũng thăng tiến nhanh chóng. Y giám sát các cơ quan tình báo ở New York và Washington. Khi ở Moscow, Polyakov đã chuyển cho CIA các tài liệu bí mật và thông tin có giá trị, trong đó có cơ cấu tổ chức của Bộ Tổng tham mưu, GRU và các cơ quan khác của các Lực lượng Vũ trang Liên Xô, danh bạ điện thoại của Bộ Tổng tham mưu Quân đội và của chính cơ quan y, các giáo trình “Tình báo chiến lược”, “Tình báo chiến thuật” (phân loại tuyệt tuyệt mật) …, thông qua các hòm thư bí mật.
Mong muốn giúp đỡ Bourbon, quan thầy của Polyakov đã cho đăng một bài trên các tờ báo của Mỹ về việc bắt đầu phiên tòa xét xử vợ chồng Yegorov, trong đó tên của Polyakov cũng được đề cập - nói rằng, y đã bị một kẻ phản bội tiết lộ. Sau bài báo đó, tất cả các sĩ quan GRU bị bài báo nhắc đến không được phép đến Mỹ. Polyakov được chuyển sang bộ phận do thám các quốc gia châu Á, châu Phi và Trung Đông. Không muốn gây ra những nghi ngờ lớn hơn, y tuyên bố với những người phụ trách CIA sẽ chuyển sang chế độ “ngủ”.
Polyakov đã phải trải qua tất cả các cuộc kiểm tra và rồi được thăng tiến - được phái đến Đại sứ quán Liên Xô tại Miến Điện với tư cách là chỉ huy các nhân viên GRU. 4 năm sau, y được điều sang Phòng tình báo bất hợp pháp ở Trung Quốc. Trong suốt thời gian này, y chỉ một lần vi phạm chế độ "ngủ" khi trao cho CIA một bản báo cáo về các mâu thuẫn trong quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc, ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Bắc Kinh - vốn được coi là một thành công lớn về ngoại giao của người Mỹ và là bước ngoặt của Chiến tranh Lạnh.
Polyakov - điệp viên nhị trùng chiếm giữ nhiều kỷ lục trong thế giới tình báo; Nguồn: espionagehistoryarchive.com |
Năm 1973, Polyakov được cử phụ trách GRU ở Ấn Độ và năm 1974, được phong hàm Thiếu tướng. Sau sự kiện đó, thái độ của CIA đối với Bourbon đã thay đổi - từ nguồn cung cấp thông tin mật, Polyakov biến thành một nhân vật có ảnh hưởng và một đặc tình đặc biệt có giá. Người Mỹ bắt đầu giúp y. Năm 1976, y trở về Moscow và được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa ba của Học viện Ngoại giao Quân sự, trong khi vẫn phụ trách các đặc tình GRU. Tháng 12/1979, y đến Ấn Độ trong vai trò Tùy viên Quân sự tại Đại sứ quán Liên Xô (chỉ huy hoạt động cấp cao của bộ máy tình báo GRU ở Bombay và Delhi, chịu trách nhiệm về tình báo quân sự chiến lược ở khu vực Đông Nam).
Lộ diện
Sau khi nghỉ hưu vào năm 1980, Polyakov tiếp tục làm việc trong bộ phận nhân sự GRU với tư cách là một người được thuê tự do và trong 6 năm nữa đã không ngừng cung cấp cho CIA thông tin bí mật mà y có được. CIA coi Polyakov là một trong những đặc tình có hiệu quả cao nhất. Trong các văn phòng phân tích, người ta đã thành lập một bộ phận đặc biệt để xử lý các tài liệu nhận được từ Polyakov. Polyakov đã giúp lực lượng phản gián Mỹ phát giác một số nhân viên tình báo bất hợp pháp của Liên Xô đã được cài cắm sang Mỹ định cư dưới vỏ bọc người nhập cư, đã tìm cách nhập tịch và chui sâu leo cao trong các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ.
Polyakov chuyển cho người Mỹ hơn 100 bản tạp chí chuyên đề mật “Tư tưởng quân sự”, dành cho lãnh đạo Liên Xô về tình trạng, chiến lược, chiến thuật và kế hoạch của Bộ Tư lệnh Tối cao Liên Xô. Y đã đánh cắp và cung cấp cho quan thầy Mỹ hàng ngàn trang tài liệu về tính năng kỹ thuật các vũ khí bí mật nhất của Liên Xô. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Polyakov đã cung cấp cho CIA thông tin chiến lược về quân số, cơ cấu và khả năng chiến đấu của quân đội Bắc Việt Nam. Đầu những năm 1970, y đã chuyển cho CIA thông tin Trung Quốc đang sắp chấm dứt hợp tác kinh tế quân sự với Liên Xô - điều đã giúp Mỹ "khoét cửa" chui vào Trung Quốc.
Người ta ước tính, hơn một phần tư thế kỷ phản bội, Polyakov đã trao cho tình báo phương Tây tổng cộng hơn 20 hộp tài liệu mật và bán rẻ hơn 1.500 sĩ quan tình báo, 19 điệp viên bất hợp pháp của Liên Xô hoạt động ở các nước phương Tây, và khoảng 200 đặc tình Liên Xô người nước ngoài (bao gồm cả Dieter Gerhardt), ước tính gây thiệt hại cho Liên Xô hàng chục triệu USD. Trong các đặc tình được Liên Xô tuyển dụng bị y tiết lộ, có 6 sĩ quan cao cấp Mỹ và 1 của Anh. Cho đến nay, người Mỹ vẫn tự hào về cái gọi là "vụ người Anh", mặc dù đã kết thúc vào cuối những năm 1960. Polyakov đã trao cho CIA bản sao các bức ảnh được chụp bởi điệp viên hai mang người Anh của Liên Xô Frank Bossart làm việc tại Phòng Tên lửa có lái dẫn (Không quân Hoàng gia Anh) - người bị bắt và bị kết án 21 năm tù.
Kể từ năm 1980, Tophat cư ngụ tại Moscow, người Mỹ chỉ sử dụng các phương pháp không tiếp xúc - hòm thư mật và thiết bị vô tuyến - để duy trì liên lạc với y. Đặc tình này được trang bị một thiết bị có kích thước bằng bao thuốc lá "Belomor", để truyền tin kéo dài không quá 3-4 giây khi đi ngang qua tòa nhà của cơ quan ngoại giao Mỹ. Theo tính toán của người Mỹ, trong 25 năm làm việc cho mật vụ và tình báo Mỹ, Polyakov chỉ nhận được 94 nghìn USD ngoài những món quà và đồ lưu niệm đắt tiền. Đáng nói, người Mỹ hiếm khi trả thù lao cho Polyakov (theo yêu cầu của y) bằng ngoại tệ hoặc đồng rúp, y chỉ nhận tổng cộng khoảng 90 nghìn rúp tiền mặt. Phần thưởng, theo nguyên tắc, ở dạng trang sức kim cương, đồ gỗ độc đáo và phụ kiện câu cá...
Mặt nạ của Polyakov bị lột với sự giúp đỡ của một trong những điệp viên hai mang từ CIA, được tình báo Liên Xô tuyển dụng, cùng nhiều chứng cớ khác. Tháng 7/1986, một ngày sau khi kỷ niệm ngày sinh lần thứ 65, Polyakov bị bắt một cách không ồn ào, đến nổi người Mỹ trong vài năm không biết chuyện gì đã xảy ra với y. Tháng 11/1987, điệp viên nhị trùng Polyakov bị xét xử bởi Tòa án Quân sự Tối cao Liên Xô và nhận án tử hình; 15/3/1988 - bị xử bắn. Tháng 5/1988, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Gorbachev, đã đề nghị phía Liên Xô ân xá Polyakov, hoặc trao đổi với bất kỳ sĩ quan tình báo Liên Xô nào bị bắt ở Mỹ, nhưng đã quá muộn…
Bài học xương máu đối với tình báo Xô viết
Trường hợp của Tướng Polyakov không có tiền lệ trong lịch sử tình báo Xô viết về mọi phương diện. Y không chỉ thiết lập kỷ lục về thời gian làm việc cho cả FBI và CIA và khối lượng thông tin bí mật mang bản chất chính trị và tình báo được cung cấp bởi y. Kỷ lục còn ở khía cạnh khác - tất cả thời gian này, gã điệp viên hai mang đã qua mặt mà không bị lực lượng phản gián Liên Xô nghi ngờ, phát hiện. Polyakov trong nhiều năm là một sĩ quan nhân sự của GRU, do đó nhận thức và nắm chắc các phương pháp và kỹ thuật được KGB sử dụng để xác định các đặc tình của kẻ thù. Hơn nữa, y không phải là một sĩ quan thường, mà là một sĩ quan cao cấp, và sau đó, đeo quân hàm tướng. Vì vậy, Tophat liên tục được cập nhật, giúp không phạm sai lầm, và khi cần thiết thì nằm im.
Polyakov bị bắt và bị tử hình - kết cục tất yếu dành cho kẻ phản quốc; Nguồn: sensum-club.pro |
Người Mỹ cũng bảo vệ đặc tình được định giá cao của họ theo những cách tinh vi nhất, bắt đầu từ các biện pháp thông tin giả được thiết kế để tránh mọi nghi ngờ cho Tophat và kết thúc bằng việc sử dụng các thiết bị điện tử tiên tiến nhất. Giám đốc CIA James Woolsey gọi Polyakov là "viên ngọc quý trên vương miện" và là điệp viên hữu ích nhất trong tất cả những người được tuyển dụng trong Chiến tranh Lạnh - người đã cung cấp cho Washington thông tin có giá trị về các kế hoạch chính trị, kinh tế và quân sự của Kremlin, và là kẻ mà chính người đứng đầu KGB Yuri Andropov đã từng bảo vệ khỏi các biện pháp phản gián. Polyakov rất tự tin vào sự an toàn của mình đến nỗi, khi máy ảnh Minox được gửi từ Mỹ đột nhiên bị hỏng, y lấy loại máy ảnh đó từ kho lưu trữ GRU và bình tĩnh chụp ảnh các tài liệu.
Một trong những kẻ bảo trợ Polyakov là người đứng đầu bộ phận nhân sự GRU - Trung tướng Izotov, người trước đó đã làm việc trong bộ máy của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô 15 năm. Trong vụ án Polyakov, đã xác định có những món quà đắt tiền Izotov được y tặng. CIA đã giúp kẻ phản bội hối lộ cho 12 nhân vật và quân hàm tướng tạo cho Polyakov quyền truy cập vào các tài liệu không liên quan đến nhiệm vụ chính thức trực tiếp của y, ví dụ, danh sách các công nghệ quân sự được tình báo Liên Xô mua hoặc khai thác của phương Tây. Rõ ràng, đây là sự chuyên nghiệp của các nhân viên tình báo Mỹ làm việc với y và sự kém hiệu quả của các cơ quan an ninh nhà nước Liên Xô.
Một điều khó hiểu là tại sao GRU lại dễ dàng dung hòa với việc mất các đặc tình có giá trị đặc biệt trong một thời gian cực kỳ ngắn như vậy - 5 đến 7 năm, mà không tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về lý do bại lộ của họ. Tại trụ sở Bộ Tham mưu GRU trên đường Khoroshevskoye, người ta không muốn tin rằng, một trong những tướng lĩnh tình báo quân sự từng trải nhất, một người tham gia chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại - đã chiến đấu từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, có thể là một kẻ phản bội. Khi Polyakov bị nghi ngờ, đã không có nỗ lực nào để điều tra xác minh, và KGB cũng không được thông báo. Điều này được tạo ra không phải bởi sự chi phối toàn diện của Polyakov, mà bởi sự xơ cứng của hệ thống quan liêu Xô viết./.
Từ khóa: Dmitry Fedorovich Polyakov, điệp viên nhị trùng, điệp viên hai mang, kẻ phản bội tệ hại nhất, tình báo Liên Xô
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN