Iskander - “Sát thủ điểm huyệt” không ngừng được hoàn thiện
Cập nhật: 01/12/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - “Sát thủ điểm huyệt" Iskander - một trong những vũ khí đáng gờm nhất của Nga - đang được hiện đại hóa nhằm duy trì vị thế tiên phong trong thập kỷ tới.
“Sát thủ điểm huyệt” Iskander
9K720 Iskander là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn, do Văn phòng Thiết kế Chế tạo máy Nga phát triển, nhằm thay thế các hệ thống OTR-21 Tochka đang có trong trang bị các Lực lượng vũ trang Nga. Việc thiết kế Iskander được bắt đầu vào tháng 12/1988 và không bị ảnh hưởng đáng kể do Liên Xô tan rã vào năm 1991; lần phóng thành công đầu tiên diễn ra vào năm 1996. Năm 2006, Iskander được sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị cho Quân đội Nga.
Iskander là một dòng các tổ hợp tên lửa chiến thuật cơ động - nỗ lực thứ hai của Nga nhằm thay thế tên lửa Scud, sau nỗ lực đầu tiên - OTR-23 Oka, bị loại bỏ theo Hiệp ước INF. Iskander-M được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ, các cơ sở hạ tầng quan trọng, sở chỉ huy, khu vực tập kết quân và trung tâm thông tin liên lạc, vũ khí (hệ thống tên lửa, pháo tầm xa, vũ khí phòng không và chống tên lửa, máy bay và trực thăng trên các sân bay…) của đối phương.
Iskander có thời gian chuẩn bị phóng 4-16 phút, tên lửa một tầng dùng động cơ sử dụng nhiên liệu rắn gắn đầu đạn không thể tách rời có thời hạn sử dụng 10 năm (kể cả 3 năm trong điều kiện dã ngoại), đầu đạn thông thường nặng từ 480-700kg (tùy loại), hoạt động ở nhiệt độ từ -50 đến +500C; có khả năng mang đầu đạn hạt nhân công suất đến 50 kiloton. Hệ thống Iskander có thể được vận chuyển bằng bất kỳ phương tiện vận tải nào, kể cả máy bay vận tải; sau khi khai hỏa, có thể nhanh chóng di chuyển tránh đòn trả đũa của đối phương.
Tên lửa Iskander được thiết kế để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa - bay theo quỹ đạo có thể thay đổi với gia tốc nhanh, thực hiện các động tác né tránh trong giai đoạn cuối khi tiếp cận mục tiêu và thả mồi nhử để đánh lừa tên lửa đánh chặn và radar của đối phương. Theo một số nguồn tin, kỹ thuật tàng hình áp dụng cho Iskander là kỹ thuật plasma độc đáo của riêng người Nga - tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn, không phản xạ sóng radar của đối phương. Iskander-M mang theo một tổ hợp các thiết bị gây nhiễu điện tử, cả thụ động và chủ động để chế áp radar của đối phương.
Mục tiêu có thể được xác định không chỉ bằng vệ tinh và máy bay mà còn bởi trung tâm tình báo, trinh sát pháo binh hoặc từ các bức ảnh trên không được quét vào máy tính. Sử dụng hệ dẫn đường quán tính và hệ thống định vị GLONASS, máy tính tích hợp trên tên lửa nhận hình ảnh của mục tiêu, khóa mục tiêu và tấn công với tốc độ siêu thanh với sai số vòng tròn có thể (CEP) là 5-7m. Tên lửa có thể được chỉnh lại mục tiêu khi đang bay trong trường hợp có mục tiêu di động, để tấn công các mục tiêu di động (bao gồm cả tàu). Được trang bị đầu dò quang-điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS), tên lửa đánh trúng mục tiêu di động với sai số chỉ 2m.
Mỗi xe vận chuyển-phóng (TEL) có thể mang hai quả tên lửa với khả năng lựa chọn mục tiêu độc lập, tăng gấp đôi hỏa lực so với những tổ hợp cũ hơn như Tochka-U hay Oka. Độ chính xác, tầm bắn và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ cho phép nó hoạt động như một phương án thay thế ném bom chính xác khi các lực lượng không quân không thể thực hiện các nhiệm vụ ném bom hoặc bắn tên lửa hành trình do đối mặt với các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không vượt trội của đối phương. Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008, khi một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.
Không ngừng được hoàn thiện
Iskander có một số loại đầu đạn thông thường khác nhau, bao gồm đầu đạn chùm (phân tách khi va chạm với mặt đất thành 54 quả đạn con, tạo khu vực sát thương 15.000m2; đầu đạn phân mảnh tích lũy PTAB-2.5KO có khả năng xuyên thủng giáp nóc xe bọc thép dày tới 20mm), đầu đạn nhiên liệu-không khí (nhiệt áp), đầu đạn nổ phân mảnh cao, đầu đạn xuyên sâu để phá boongke, đầu đạn gắn thiết bị xung điện từ cho các nhiệm vụ chống radar, và cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đầu đạn chùm cho phép rải mìn từ xa (mìn áp lực PFM-1, mìn tự điều chỉnh POM-2 "Edek", mìn từ tính PTM-3) trên các con đường huyết mạch quốc gia ngăn chặn quân tiếp viện của đối đối phương.
Năm 2015, Tổng công trình sư của KBM tiết lộ, Iskander-M có thể được trang bị 5 loại tên lửa đạn đạo và một tên lửa hành trình; ngoài phần cứng, tổ hợp sẽ có một hệ thống điều khiển mới và phần mềm mới tương thích với tên lửa mới. Năm 2017, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch nâng cao độ chính xác và tính năng của Iskander-M bằng các loại tên lửa mới nhằm duy trì vị thế tiên phong của nó trong thập kỷ tới.
Hai loại tên lửa cải tiến dùng cho Iskander gồm tên lửa đạn đạo 9M723 và tên lửa hành trình 9M728, có khả năng chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương - có thể tiêu diệt một mục tiêu bằng cách tấn công đồng thời từ các hướng khác nhau. Hạn chế duy nhất là phạm vi của cuộc tấn công giới hạn trong 500km theo Hiệp ước INF (đã hết hiệu lực).
Tên lửa 9M728 là một loại tên lửa mạnh trang bị cho hệ thống Iskander-M, được phát triển bởi Cục Thiết kế Novator ở Yekaterinburg và phiên bản mới hơn, được gọi tên là 9M729 - mang đầu đạn có sức công phá lớn hơn và một hệ thống điều khiển giúp nó đạt độ chính xác cao hơn. Điểm khác biệt duy nhất giúp 9M729 khẳng định được uy lực so với phiên bản Kalibr-NK lắp đặt trên tàu chiến là tầm bắn. Nếu như Kalibr-NK có tầm bắn tối đa khoảng 2.500km thì 9M729 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến trên 5.400km.
Theo các nhà phân tích phương Tây, cùng với các hệ thống phòng không như S-400 và các tổ hợp chống hạm ven biển lớp Bastion, Iskander đóng một vai trò quan trọng trong “chống tiếp cận, chống thâm nhập” (Anti Access/Area Denial, A2/AD).
Còn National Interest coi Iskander là vũ khí nguy hiểm nhất của Nga, vì nó có rào cản rất bé đối với mục đích phi hạt nhân, tầm bắn xa và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của nó có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn trong trường hợp các sân bay, trung tâm hậu cần và các mục tiêu tương tự bị Iskander tấn công - quy mô thiệt hại việc sử dụng ồ ạt Iskander tương đương với hậu quả của cuộc ném bom trên không của NATO.
Iskander được coi là một trong những vũ khí phi hạt nhân đáng gờm nhất của Nga, là thứ vũ khí đa năng, hết sức linh hoạt, được quân đội Nga mệnh danh là "sát thủ điểm huyệt". Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.
Theo Tổng công trình sư KBM, có ít nhất 7 loại tên lửa (và "có thể nhiều hơn"), trong đó có một tên lửa hành trình đang được thiết kế cho Iskander. Và một số trong các tên lửa đó đã sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn thiết kế-thử nghiệm. Tất cả các tên lửa này có kích thước như nhau, nhưng chúng có “nhân” - động cơ, bộ phận chiến đấu, hệ thống điều khiển, hệ thống nhiên liệu - khác nhau, và có thể được trang bị tới mười loại đầu đạn. Theo Tư lệnh lực lượng Tên lửa và Pháo binh Nga, Iskander-M sẽ đáp ứng các yêu cầu hiện đại trong một thời gian dài và sẽ vẫn là lực lượng chủ lực trong Lực lượng Tên lửa và Pháo binh nước này cho đến ít nhất là năm 2030./.
Từ khóa: Iskander, tên lửa Nga, vũ khí Nga, Iskander-M, sát thủ điểm huyệt
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN