Iran ưu tiên mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam

Cập nhật: 05/08/2023

VOV.VN - Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN, Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari khẳng định, Việt Nam nằm trong danh sách các nước Iran muốn mở rộng quan hệ hợp tác ở châu Á bởi tình hữu nghị tốt đẹp, bề dày quan hệ hợp tác và không có bất kỳ bất đồng nào dù là nhỏ nhất.

 

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV.VN với Đại sứ Iran Ali Akbar Nazari tại trường quay VOV.VN nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Iran (4/8/1973 – 4/8/2023).

PV: Được biết Iran là một quốc gia có tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới, nhưng chắc hẳn có nhiều người Việt Nam chưa được biết đến đất nước của ngài. Xin Đại sứ vui lòng giới thiệu ngắn gọn về đất nước Iran được không?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Iran là một quốc gia lớn nằm ở Tây Á, có đường biên giới với 15 quốc gia ở châu Á, bao gồm bảy nước có biên giới đất liền và tám nước có đường biên giới trên biển. Diện tích của Iran vào khoảng 1,648,195 kilômét vuông, gấp khoảng 5 lần diện tích của Việt Nam. Nhiều người châu Á biết tới vị trí chiến lược của Iran do nằm ở vùng Vịnh Péc-xích, Eo biển Hormuz – một tuyến đường vận chuyển dầu thô cực kỳ quan trọng của thế giới.

Iran là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, với khoảng 11% diện tích lãnh thổ có thể canh tác và có nhiều trữ lượng dầu thô, khí thiên nhiên, nhôm, đồng, sắt, nam châm kẽm, lưu huỳnh và nhiều nguồn chất khoáng khác. Về trữ lượng thì Iran là nước có trữ lượng dầu thô và khí lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

Cũng có nhiều sản phẩm khác mà Iran cũng nổi tiếng hàng đầu thế giới như trứng cá muối, đồng, nhụy hoa nghệ tây. Iran có dân số vào khoảng 95 triệu dân, ít hơn Việt Nam. Ngôn ngữ chính thức là ngôn ngữ vùng vịnh Péc-xích, bên cạnh đó cũng có một số ngôn ngữ khác như Thổ Nhĩ Kỳ, ngôn ngữ người Cuốc và Ả rập, và một số thổ ngữ khác, nhưng không được công nhận.

PV: Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian đã tuyên bố Iran sẽ theo đuổi một 'chính sách đối ngoại cân bằng', đó là phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và các nước châu Á. Và chính sách đối ngoại của chính phủ Tổng thống Raisi là 'lấy châu Á làm trung tâm'. Vậy vì lý do gì mà Châu Á lại được đặt ở vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính phủ hiện nay? Liệu Việt Nam có nằm trong số các quốc gia châu Á mà Iran mong muốn tăng cường hợp tác không, thưa Đại sứ?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Một câu hỏi khá thú vị. Chính phủ hiện nay của Tổng thống Raisi theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng và năng động. Như bạn đã đề cập, Chính phủ Tổng thống Raisi cũng đặt trọng tâm tới khu vực châu Á, nói cách khác ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và châu Á. Tất nhiên Iran cũng hoàn toàn rộng mở với cả thế giới. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi chỉ theo đuổi chính sách đối ngoại ưu tiên của mình mà bỏ qua phần còn lại của thế giới. Nếu bạn theo dõi tin tức có thể biết được gần đây có nhiều chuyến thăm của lãnh đạo Iran tới Châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Chúng tôi cũng duy trì quan hệ truyền thống với các nước châu Âu.

Trên thực tế, khá dễ dàng để tiếp cận với các nước láng giềng, và vận chuyển hàng hóa đi lại cũng ít tốn kém hơn, bên cạnh nhiều lợi thế khác. Đây cũng là cách tiếp cận chung của Việt Nam, Iran hay bất kỳ nước nào khác trên thế giới.

Thế còn tại sao lại là các nước châu Á? Có nhiều lý do để giải thích quan điểm này của Iran. Trước hết là các nước ở châu Á có mối quan hệ hữu nghị mà không có căng thẳng hay chính sách thiên vị. Bản thân Iran là một quốc gia châu Á, thấy rằng những điểm chung có được giữa các dân tộc dễ dàng đưa các nước xích lại gần nhau hơn.

Một nhân tố không kém phần quan trọng là sự phát triển và vị trí của châu Á trong bối cảnh mới của thế giới mà nhiều học giả đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng trung tâm của châu Á trong các phân tích của mình. Với vị trí và bối cảnh đó thì Iran ưu tiên phát triển quan hệ với các nước châu Á.

Thêm một lý do khác nữa là các nền kinh tế đang phát triển hay mới nổi ở châu Á đều đạt được tăng trưởng cao, mà sự tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc tăng nhu cầu về năng lượng vốn là thế mạnh của Iran với tư cách là một trong quốc gia cung cấp và xuất khẩu dầu thô lớn trên thế giới. Đó chính các lý do tại sao Iran dành ưu tiên phát triển quan hệ với các nước châu Á.

Với Việt Nam, tôi có thể nói rằng Việt Nam nằm trong danh sách các nước mà Iran ưu tiên phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác. Vậy đâu là lý do? Trước hết phải kể tới mối quan hệ anh em, hữu nghị có bề dày 50 năm và năm nay hai nước kỷ niệm nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao song phương. Tiếp đó, như tôi đã trình bày, sự tăng trưởng của Việt Nam đòi hỏi cần phải có năng lượng, trong khi Iran là nhà cũng cấp năng lượng lớn thế giới. Đây là lĩnh vực đáp ứng lợi ích của cả hai nước.

Nhưng lý do quan trọng hơn cả chính là ý chí chính trị cấp cao của cả hai nước. Hai nước luôn là bạn tốt của nhau, không hề có một sự bất đồng nào cho dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó chính sách, văn hóa, hay quan điểm của hai nước về chủ nghĩa đa phương cũng có nhiều đặc điểm chung. Và đây là những lý do mà Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Iran muốn phát triển quan hệ hợp tác. Vì vậy ngay sau khi dịch COVID được kiểm soát, hai nước đã kích hoạt cơ chế trao đổi nhân sự cấp cao.

PV: Như Đại sứ đã biết, Việt Nam và Iran năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao và cả hai nước đã đạt được nhiều thành tựu trong quan hệ hợp tác song phương. Vậy đâu là những điểm nổi bật trong quan hệ hai nước? Điều gì khiến Đại sứ ấn tượng nhất?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Đúng như bạn đã đề cập, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao 50 năm – một giai đoạn khá dài, không chỉ là vài ngày, vài tháng hay vài năm, mà là nửa thế kỷ. Và có thể đoán rằng mối quan hệ này trong nửa thế kỷ tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, tươi sáng hơn.

Như tôi đã trình bày, có lẽ vì lý do COVID bùng phát khiến cả thế giới tập trung để kiểm soát mà tôi có lời khen, ngưỡng mộ, với cách Chính phủ Việt Nam đối phó với đại dịch này. Có thể nói là một trong những mô hình thành công nhất trên thế giới. Tôi đã có mặt tại Việt Nam đúng thời diểm đỉnh của dịch. Trong khi cả thế giới gồng mình để vượt qua khó khăn và thách thức, thì ở Việt Nam các con tôi vẫn đi học, chúng tôi vẫn đi siêu thị hay tới sứ quán làm việc bình thường. Đó chính là nhờ cách xử lý dập dịch tuyệt vời của Chính phủ Việt Nam.

Ngay sau khi dịch COVID được kiểm soát, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc tái khởi động các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, trong đó có chuyến thăm Iran của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm tháng 5/2023. Tôi cũng xin bật mí là chúng tôi đang sắp xếp một chuyến thăm tới Iran rất gần của một lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam.

PV: Hai nền kinh tế được cho là có tính bổ sung cao thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Xin Đại sứ có thể vui lòng nói rõ thêm về nhận định này?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Như tôi đã trình bày, Iran là nhà cung cấp năng lượng của thế giới, trong khi Việt Nam là nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7%/năm trong một thập kỷ qua. Rõ ràng đây là mối quan hệ tương hỗ. Nói cách khác Việt Nam cần năng lượng để phục vụ nền kinh tế tăng trưởng và Iran là nhà cung cấp năng lượng. Đây rõ ràng là biểu hiện của bổ trợ cho nhau chứ không phải là cạnh tranh nhau.

Khi nói tới các sản phẩm nông nghiệp, chúng tôi có nhu cầu nhập khẩu gạo từ nhiều năm nay, và Việt Nam từng là nhà cung cấp gạo cho Iran. Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần việc tái nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ được thực hiện.

Ngoài việc nhập khẩu gạo, cà phê hay chè của Việt Nam, Iran cũng có sản phẩm và muốn chia sẻ cùng người dân Việt Nam vì lợi ích của hai nước. Ví dụ Iran có những sản phẩm nổi tiếng trên thế giới như kiwi, táo, cherry, lựu, nho, nhụy hoa nghệ tây và nhiều sản phẩm khác. Iran có thể xuất khẩu những sản phẩm này và nhập sản phẩm khác từ Việt Nam. Và như thế bạn thấy đấy, hoàn toàn không có cạnh tranh mà là bổ sung cho nhau trong hợp tác thương mại.

Iran rộng lớn và có bờ biển dài từ Nam tới Bắc. Việt nam rất dễ dàng có thể có được lợi ích từ việc khai thác thế mạnh này để xuất khẩu các mặt hàng của mình vào Trung Á, một thị trường rộng lớn gồm hơn 500 triệu dân.  

PV: Mặc dù Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, nhưng hợp tác kinh tế song phương chỉ thực sự bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, và phát triển mạnh mẽ trong hơn hai thập kỷ gần đây. Thống kê cho thấy thương mại hai chiều chỉ đạt 6,5 triệu USD năm 2001 nhưng đã tăng lên hơn 100 triệu USD vào năm 2018 và 124,5 triệu USD vào năm 2021. Xin Đại sứ chia sẻ nguyên nhân nào đã thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian gần đây?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Tôi chắc chắn một điều là tổng kim ngạch thương mại hai chiều trên thực tế lớn hơn con số bạn trình bày. Có thể hàng hóa được xuất sang các nước trung gian trước khi tới Iran, và ngược lại, hàng từ Iran xuất sang nước thứ ba trước khi vào thị trường Việt Nam. Tôi tin là con số có thể lên tới khoảng 400-500 triệu USD, đặc biệt là giai đoạn trước khi dịch COVID bùng phát.

Dựa trên những gì tôi chia sẻ, đó là 50 năm quan hệ anh em, hữu nghị giữa hai nước, là ý chí chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước mà không có bất kỳ một sự khác biệt cho dù nhỏ nhất trong quan hệ hợp tác ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đây chính là lý do thúc đẩy tăng trưởng trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua.

Dù vậy tôi cũng tin rằng trao đổi thương mại giữa hai nước hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và năng lực của cả hai. Chúng ta đã nói tới tiềm năng của hợp tác năng lượng, sản phẩm nông nghiệp, và tất nhiên là cả các sản phẩm công nghiệp mà hai nước có thể trao đổi lẫn nhau.

Iran đã nhập hàng hóa Việt Nam, song với lượng còn nhỏ chưa tương xứng với năng lực của cả hai. Đây là trách nhiệm của cả hai bên nhằm hiện thực hóa tiềm năng đó càng nhiều càng tốt có thể. 

PV: Như Đại sứ đã đề cập, hợp tác thương mại là điểm sáng lớn trong hợp tác song phương. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Iran chiếm chưa đầy 1% tổng giá trị nhập khẩu của Iran. Điều này có nghĩa là mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng thương mại song phương vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của hai bên. Tại sao lại như vậy? Đâu là những trở ngại đối với trao đổi thương mại giữa hai nước và cách giải quyết như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Đúng là có một số nguyên nhân đã được các chuyên gia phân tích. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ vài yếu tố mà chúng ta đang gặp phải và đang đề cập trong thời gian gần đây. Trước hết là do thiếu thông tin và chưa đủ hiểu nhau giữa doanh nghiệp hai bên. Mặt khác, vị trí địa lý cũng là một cản trở lớn, bởi nó làm tăng chi phí vận chuyển. Một nguyên nhân khác là sự xuất hiện của virus corona đã cản trở sự phát triển không chỉ của Iran mà toàn thế giới.  

Nhưng tôi phải khẳng định rằng không có bất kỳ sự cản trở nào kể cả trên lý thuyết và thực tiễn làm cho giao dịch thương mại hai nước giảm đi trong thời gian qua, kể cả xuất khẩu của Việt Nam vào Iran. Ngược lại, Iran hoàn toàn mở cửa với các sản phẩm của Việt Nam, kể cả sản phẩm được xuất khẩu với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Chúng tôi luôn mong đợi vào sự tăng trưởng thương mại hai nước, và như tôi đã nói đó là trách nhiệm của hai nước chúng ta cùng chung tay để nâng tầm hợp tác thương mại ở mức nhiều nhất có thể. 

Hai nước có nhiều tiềm năng, và trong điều kiện bình thường thương mại hai nước có thể thậm chí vượt mốc 2 tỉ USD/năm. Tôi tin vào tiềm năng và năng lực của hai nước. Điều đáng mừng là Việt Nam có nhiều sản phẩm được xuất đi toàn thế giới, từ sản phẩm công nghiệp tới sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Iran chào đón tất cả các sản phẩm của Việt Nam, và hy vọng các sản phẩm chủ yếu của Iran như dầu thô, khí, hóa dầu, nhựa đường và nhiều sản phẩm khác trong xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam

PV: Việt Nam và Iran đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tế là các thỏa thuận này đã được ký kết từ nhiều năm trước và có thể không theo kịp xu thế phát triển hiện tại và tương lai. Đại sứ có cho rằng hai nước nên gia hạn hoặc ký kết các văn kiện mới? Và nếu vậy những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên, thưa Đại sứ?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Trước hết chúng tôi nghĩ tới việc thực thi có hiệu quả các hiệp định hiện nay. Tôi tán đồng quan điểm cần phải làm mới một số hiệp định và phải cố gắng hết sức để thực hiện chúng. Hai nước đã có những hiệp định hợp tác cơ bản tuyệt vời, đặt nền móng cho việc mở rộng hợp tác giữa hai bên rất nhiều. Từ những hiệp định cơ bản này, chúng ta cũng có thể bổ sung thêm các Biên bản ghi nhớ hợp tác hai nước.

Một tin vui là hiện nay chúng tôi đang hoàn tất một số văn bản hợp tác giữa hai nước. Trong chuyến thăm Iran gần nhất của Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, hai bên đã ký ba văn bản quan trọng liên quan tới việc chuyển giao và dẫn độ người kết án tù, và hợp tác chống tội phạm có tổ chức. Trong chuyến thăm cấp cao sắp tới mà tôi đã hé lộ, chúng tôi cũng có một số văn bản đã hoàn tất chuẩn bị ký.

Như thế cùng với những văn bản được ký 3 tháng trước đây, và những hiệp định cơ bản quan trọng đã có, tôi chắc rằng không còn thiếu một lĩnh vực nào mà hai nước chưa ký kết văn bản hợp tác. Và giờ đây nhiệm vụ của chúng ta là tập trung thực hiện có hiệu quả các văn bản hay hiệp định này. 

PV: Đến nay, Việt Nam và Iran đã tổ chức 9 kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Chính phủ về hợp tác kinh tế và 7 phiên tham vấn chính trị cấp thứ trưởng Ngoại giao. Vậy, thưa Đại sứ có thể chia sẻ kết quả cụ thể của các cơ chế này là gì và chúng có đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên không?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Như các bạn biết Ủy ban hỗn hợp Chính phủ là một trong những nền tảng quan trọng nhất tập hợp nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nhân của hai nước để chia sẻ ý tưởng, quan điểm và tìm kiếm cách thức để thúc đẩy, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế hai nước.

Như tôi trình bày trước đó, mục tiêu ưu tiên là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỉ USD / năm. Mục tiêu này có đạt được hay không là nhờ cơ chế hợp tác Ủy ban hỗn hợp này. Thông qua việc chia sẻ hiểu biết, quan điểm và ý tưởng, hai bên xác định năng lực và khả năng của nhau. Có thể giai đoạn thực hiện cần phải cân nhắc lại, tức là cần phải thêm nỗ lực mới vào giai đoạn này để thực hiện. Hy vọng khi chúng ta tổ chức họp Ủy ban hỗn hơp lần tới, chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề này. Và tất nhiên dựa vào những diễn biến đang diễn ra trên thế giới và ở cả hai nước, chúng ta sẽ có phiên họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp hợp tác hai nước tại Hà Nội thành công.

Đối với cơ chế tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao, tôi tin rằng đây là cơ chế tuyệt vời để trao đổi quan điểm và những vấn đề khác nhau đang diễn ra trên thế giới. Cả hai nước đều chia sẻ chung quan điểm, chung nguyên tắc dựa trên những chuẩn mực và giá trị chung về các vấn đề như chủ nghĩa đa phương đối với chủ nghĩa đơn phương, quyền con người, biến đổi khí hậu ……Vì thế chúng tôi rất quan tâm tới cơ chế này và tích cực chuẩn bị cho cuộc tham vấn tiếp theo mà tôi tin sẽ có thêm kết quả tích cực ở cả bình diện song phương, khu vực và đa phương.

PV: Việt Nam và Iran kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay. Vậy các hoạt động chính mà Iran dự định thực hiện trong dịp này là gì? Đại sứ kỳ vọng gì vào quan hệ Việt Nam – Iran trong những năm tới?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Rất vui khi chúng tôi đã bàn và đạt được thỏa thuận với các đồng nghiệp ở Bộ ngoại giao Việt Nam liên quan tới các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm tại Iran, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm trong chuyến thăm của ông tới Tehran. Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm tiếp theo tại Hà Nội vào ngày 4/8.

Chúng tôi đã lên một danh sách các sự kiện sẽ được tổ chức và hy vọng có kết quả thực tiễn. Trước hết chúng tôi tập trung vào việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước; trao đổi điện mừng giữa tổng thống Iran và Chủ tịch nước Việt Nam, và giữa hai Bộ trưởng ngoại giao. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để tổ chức Tuần lễ văn hóa, Tuần lễ phim và một trận bóng đá giao hữu giữa hai nước. Đây là những sự kiện mà hai bên đã thống nhất, và hy vọng hai bên sẽ phối hợp thật tốt để tổ chức từ nay tới cuối năm.

Tôi kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ này. Tất nhiên giao thương thương mại rất quan trọng và đang cho thấy tín hiệu tốt.

Tôi hy vọng sẽ có nhiều các chuyến trao đổi đoàn cấp cao, giao lưu nhân dân giữa hai nước, có thêm nhiều du khách Iran tới Việt Nam và ngược lại. Có thể nói mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới và sẽ hiện thực hóa là mở đường bay thẳng giữa hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước. 

PV: Xin cảm ơn Đại sứ.

Từ khóa: Iran, Việt Nam, mở rộng, quan hệ, hợp tác,

Thể loại: Nội chính

Tác giả: văn bình/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập