Huyện có đông đồng bào Chăm đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật: 29/10/2020
Người dân Đà Nẵng dọn dẹp nhà cửa sau mưa lớn
Thời tiết ngày 6/11: Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to, lượng mưa trên 300mm
VOV.VN - Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian qua, các địa phương của huyện Ninh Phước đã khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành quả đáng kể.
Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian qua, các địa phương của huyện Ninh Phước đã khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành quả đáng kể. Ninh Phước trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Năm 2019, huyện Ninh Phước đạt 9/9 tiêu chí và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2011, khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ninh Phước có xuất phát điểm thấp, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng gần 52%, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt ở mức 8,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo gần 11%.
Đến nay, sau gần 10 năm, huyện Ninh Phước đã huy động và lồng ghép các nguồn lực, tổng cộng được hơn 2.330 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm, thủy sản của huyện đạt trên 2.541 tỷ đồng, gấp hơn 4,13 lần so với năm 2011. Đáng kể là đời sống người dân trong huyện, nhất là vùng đồng bào dân tộc được nâng lên. Vào trong các làng, xã, đường sá đi lại dễ dàng, người dân ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng và vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Bá Bình Lợi, người dân tộc Chăm ở thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước so sánh trong 10 năm qua điều kiện của ông và bà con ở đây thay đổi hoàn toàn: "Khi chưa xây dựng nông thôn mới thì đường sá đi lại khó khăn lắm. Đường ra đồng cũng không thuận lợi cho bà con đi làm. Hệ thống thủy lợi cũng chưa thông thoáng. Trường lớp cho các cháu đi học cũng chưa đầy đủ. Hôm nay, đạt được huyện nông thôn mới. Trước tiên là nhờ Đảng, Nhà nước giúp đỡ, sau đó, bà con nỗ lực cùng nhau đóng góp làm đường".
Thời gian qua, huyện Ninh Phước rất chú trọng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết có hiệu quả, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường như: nho, táo, măng tây xanh... Đến nay, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế của huyện nhưng thu nhập bình quân đầu người của Ninh Phước đã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng 4 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 3,69%, giảm ba lần so với năm 2011.
Ông Trượng Văn Tin, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước cho biết, xã và huyện rất quan tâm đến hỗ trợ nông dân chuyển đổi cách thức sản xuất gắn với đầu ra cho nông sản, dành nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, giữ vững tiêu chí về giảm nghèo đa chiều.
"Tôi rất kỳ vọng và mong rằng Đảng, Nhà nước có sự quan tâm, làm sao đưa đời sống, nhất là các xã nông thôn mới phát triển hơn nữa theo tiêu chí giảm nghèo bền vững theo đa chiều", ông Tin chia sẻ.
Mục tiêu phấn đấu của huyện Ninh Phước đến cuối năm 2025 có 8/8 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 đến 2 xã kiểu mẫu và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 79 triệu đồng/năm. Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thì những kết quả đáng mừng đó của huyện Ninh Phước có phần đóng góp lớn của chính người dân trong huyện, cùng góp công góp của xây dựng nông thôn. Thời gian tới, Ninh Phước cần tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới hơn nữa để phát triển ổn định. Và cùng với sự đầu tư của Nhà nước, cần nhiều hơn nữa sự chung tay góp sức từ phía các doanh nghiệp, các hộ gia đình.
"Người chủ chốt tham gia trước và người dân tham gia theo. Các khoản đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp và các chương trình của Nhà nước như thế nào đều được công khai rộng rãi. Làm sao người dân thấy mô hình đó hiệu quả thì người ta làm theo rất nhanh", ông Hậu cho hay.
Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, các cấp chính quyền và nhân dân huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Ninh Phước phấn đấu trở thành nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới./.
Từ khóa: Đồng bào Chăm của tỉnh Ninh Thuận, xây dựng nông thôn mới, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN