Hướng tới Đại hội XIII: Tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững
Cập nhật: 23/01/2021
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
VOV.VN - Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình tại Đại hội 13 của Đảng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển.
Sau 35 năm đổi mới, thành phần kinh tế tư nhân đã phát triển rất mạnh mẽ, cần được định hướng, có môi trường kinh doanh minh bạch, công khai để trở thành động lực, giúp kinh tế nước nhà phát triển bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp tư nhân đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt, cơ cấu kinh tế của tỉnh Khánh Hòa. Toàn tỉnh có hơn 12 ngàn doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 300.000 lao động. Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã thành lập hơn 120 tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân với gần 3.000 đảng viên.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, sau nhiều năm sống và làm việc tại nước ngoài khi trở về nước, ông đã chọn Nha Trang để đầu tư, kinh doanh. Vừa qua, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa xác định tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Ông Hoàng Văn Vinh mong muốn tại Đại hội Đảng toàn quốc sắp đến tiếp tục định hướng đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Ông Hoàng Văn Vinh cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của kinh tế tư nhân là động lực của xã hội, động lực đó thì phải có định hướng. Đại hội Đảng lần này cởi mở, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Chúng tôi rất hy vọng Đại hội sắp tới có chính sách cho các nhà đầu tư, định hướng cho sự phát triển, đi trong guồng máy phát triển của nền kinh tế.”
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng, nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được nâng cao. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Theo ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan chức năng cần áp dụng đúng các quy định của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp với nhau.
Ông Phạm Văn Chi nhận định: “Đại hội này tôi tin rằng sẽ đánh giá đúng mức vai trò của doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chính các doanh nghiệp đã đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước. Vấn đề chỉ là quản lý cho đúng định hướng trong dự thảo đã nói là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Rất khó trong khâu quản lý, nếu không cụ thể, không chi tiết, cán bộ không thực sự vì dân thì không quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa được.”
Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng để thu hút đầu tư của xã hội cũng là 1 trong 4 giải pháp đột phá của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tổng vốn đầu tư xã hội của các doanh nghiệp lên đến 7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2019. Vấn đề đặt ra là cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương cần phải thay đổi tư duy trong điều hành, xử lý công việc, huy động trí tuệ, tâm huyết của doanh nghiệp tham vào quá trình phát triển của địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết: “Khánh Hòa không thể ngồi đợi doanh nghiệp đến được nữa, đã đến lúc lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở phải đi gặp các doanh nghiệp. Tư duy đổi mới, rất coi trọng các hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà doanh nghiệp cần gì ở chính quyền. Có những kiến nghị cụ thể về kế hoạch, chương trình hành động để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm.”
Đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển: “Vừa rồi, tập trung rà soát, những dự án đầu tư nào không triển khai hiệu quả hoặc triển khai chậm thì thực hiện thu hồi. Để dành diện tích, cơ hội cho những nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm. Và đặc biệt chúng tôi thực hiện rất công khai, minh bạch đấu thầu, đấu giá chọn chủ đầu tư. Bỏ kinh phí rất lớn ra để đấu thầu, đấu giá thì đương nhiên người ta sẽ phải đầu tư nhanh để thu hồi vốn./.”
Từ khóa: doanh nghiệp tư nhân, Khánh Hòa, Phú Yên, kinh tế vĩ mô, Đại hội Đảng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN