Hưởng BHXH một lần - thiệt đơn thiệt kép

Cập nhật: 22/04/2021

[VOV2] - Chỉ trong 3 tháng qua đã có tới 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 12 năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Trước đây, anh Trần Khánh Toàn 48 tuổi ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định làm tại một công ty xây dựng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty ít hợp đồng, người lao động giảm thu nhập, anh Toàn đã xin nghỉ việc, bảo lưu sổ BHXH. Cầm sổ được 1 năm, anh suy nghĩ, nếu hưởng lương hưu phải chờ một thời gian dài nữa, trong khi trước mắt gia đình lại đang cần tiền nên tháng trước, anh Toàn quyết định xin hưởng chế độ BHXH một lần. Nhận gần 100 triệu từ quỹ BHXH được anh quyết định vay mượn thêm bạn bè để sửa sang lại căn nhà đang ở.

Chị Lê Thị Hương 35 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc đã có gần 7 năm tham gia đóng BHXH ở ngành du lịch. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, tháng 4 năm ngoái công ty của chị tạm dừng hoạt động, chị Ánh đã nghỉ việc và chốt sổ BHXH. Dù chạy đôn chạy đáo đi một số doanh nghiệp để xin vào làm việc nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, chị quyết định ở nhà mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Thiếu vốn, chị quyết định rút BHXH một lần. Cuối tháng này chị sẽ nhận được hơn 26 triệu đồng từ quỹ BHXH và dự định sẽ mở rộng quy mô cửa hàng.
Chỉ trong 3 tháng qua đã có tới  226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.  Nhìn vào con số này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết: Việc nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho NLĐ lợi ích trước mắt nhưng NLĐ đã không lường hết được những nguy cơ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân. Thứ nhất, theo quy định của Luật BHXH, nếu hưởng BHXH một lần, mỗi năm đóng BHXH, người lao động chỉ được nhận 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Thứ hai, khi nhận BHXH một lần NLĐ sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già. Và dẫn đến các hệ lụy thiệt thòi khác như: Không được hưởng chế độ BHYT khi về già, thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất.

Nhiều người cho rằng, thà rút tiền mang tiền đi gửi tiết kiệm còn hơn đóng BHXH, thế nhưng một số chuyên gia phân tích: Rút BHXH một lần là sai lầm của người lao động. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành quý giá của chính bản thân NLĐ, nó không mất đi mà ngược lại, được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó: Mọi người tham gia BHXH tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%-25%-30% theo mức đóng, tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Am ở Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội có thời gian đóng BHXH 14 năm ở Công ty môi trường đô thị, do công ty ít việc, ông xin về nghỉ việc hưởng chế độ 1 lần, khi đó được 30.000 đồng.  Cách đây 15 năm, ông xin vào làm việc tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Tháng trước ông hết tuổi lao động nên phải nghỉ việc, thế nhưng do không có đủ thời gian tham gia BHXH nên ông không được hưởng hưu trí. Muốn hưởng lương hưu, ông Am phải đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu. Nghĩ lại quãng thời gian trước, ông tiếc rẻ: Nếu như nghĩ thấu đáo hơn, giờ mình đã không vất vả như thế này, khi bỏ cả trăm triệu ra đóng 1 lần mới được hưởng lương hưu.

"Giá như" là câu được rất cả những người rơi vào hoàn cảnh như ông Am nhắc tới, vì nếu NLĐ đã nhận BHXH một lần thì sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH sau này dẫn đến khi hết tuổi lao động sẽ không đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu hoặc đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu nhưng mức lương hưu sẽ không cao - Đây là điều mà nhiều người lao động tiếc nuối khi lỡ nhận BHXH một lần./.

Từ khóa: BHXH một lần, người lao động, ảnh hưởng, Covid-19, thu nhập

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập