Hưng Thịnh bắt tay Đèo Cả làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hơn 19.400 tỷ đồng

Cập nhật: 01/03/2021

VOV.VN - Sau khi tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km, vốn đầu tư 19.470 tỷ đồng, đi vào hoạt động sẽ giúp giảm tai nạn ở đèo Bảo Lộc và giảm tải QL20, rút ngắn thời gian đi Đà Lạt...

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sau khi Thường trực tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi làm việc để nghe liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam Miền Trung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tập đoàn Hưng Thịnh và Đèo Cả muốn đầu tư cao tốc Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km, vốn đầu tư 19.470 tỷ đồng.
Tập đoàn Hưng Thịnh và Đèo Cả muốn đầu tư cao tốc Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km, vốn đầu tư 19.470 tỷ đồng.

Động thái được đưa ra sau khi Chính phủ đồng ý giao Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hỗ trợ góp vốn của nhà nước.

Đơn vị đề xuất dự án này là liên danh nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 20, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 67km.

Trong giai đoạn 1, dự án có nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m với 4 làn xe ô tô. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22m.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án theo tính toán của UBND tỉnh Lâm Đồng là khoảng 19.470 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 9.151 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1.

UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ thu phí 2.000 đồng/km/phương tiện quy đổi. Lộ trình tăng giá vé 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15%, trong thời gian khoảng 27 năm (từ năm 2025 đến năm 2052).

Điểm đầu của dự án giao với Quốc lộ 20, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Điểm đầu của dự án giao với Quốc lộ 20, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km đã hoàn thành; các đoạn còn lại từ Dầu Giây - Liên Khương khoảng 199km có mục tiêu: giai đoạn từ 2020-2030 hoàn thành 123km và sau năm 2030 hoàn thành 66km.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã giao cơ quan thuộc bộ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo quy mô phân kỳ: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sau khi xem xét, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24/TB - VPCP ngày 21/1, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Theo kết luận, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng, là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bảo đảm phần vốn ngân sách địa phương, tham gia thực hiện dự án khi được giao là cơ quan có thẩm quyền.

Khi tuyến cao tốc Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộcgiúp giảm tai nạn ở đèo Bảo Lộc và giảm tải QL20, rút ngắn thời gian đi Đà Lạt...
Khi tuyến cao tốc Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộcgiúp giảm tai nạn ở đèo Bảo Lộc và giảm tải QL20, rút ngắn thời gian đi Đà Lạt...

Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tác động toàn diện của việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với các dự án BOT khác đã và đang được đầu tư, không để xảy ra xung đột, khiếu kiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án triển khai các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương bảo đảm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến cao tốc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho toàn tuyến. Có thể xem xét tiếp tục giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền nếu hợp lý và địa phương đề nghị.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT có ý kiến bằng văn bản về việc bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tham gia dự án theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng làm căn cứ xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Năng lực “khủng” của nhà đầu tư

Liên danh nhà đầu tư gồm Đèo Cả, Hưng Thịnh, Nam Miền Trung. Trong ba liên danh nói trên, ngoại trừ Nam Miền Trung được xem khá kín tiếng, còn lại Đèo Cả và Hưng Thịnh đều là những tập đoàn nổi tiếng với việc sở hữu và triển khai nhiều dự án có vốn đầu tư lớn.

Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, Đèo Cả được ví là "trùm" BOT khi sở hữu nhiều trạm BOT và các công trình hầm đường bộ BOT Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông. Mới đây, đơn vị này nằm trong liên danh trúng thầu cao tốc Câm Lâm - Vĩnh Hảo 8.900 tỷ đồng.

Hưng Thịnh được biết đến là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với quỹ đất hàng nghìn ha và nhiều dự án quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 12/2020, Hưng Thịnh và Đèo Cả đã ký kết hợp tác chiến lược phát triển trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng.

Cùng ngày, Đèo Cả và Hưng Thịnh Incons, đơn vị tổng thầu thi công và xây dựng của Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác mở rộng thị trường từ xây dựng dân dụng, công nghiệp sang hạ tầng, giao thông, vật liệu xây dựng cơ bản, công nghệ vật liệu mới.

Hai doanh nghiệp sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm về xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển công nghệ trong lĩnh vực thi công, xây lắp và hạ tầng.

Theo đó, hai bên sẽ liên danh, liên kết đấu thầu, đầu tư và thi công các dự án về hạ tầng và dự án xây dựng, đồng thời mở rộng nghiên cứu các dự án về vật liệu xây dựng nhân tạo trong tương lai.

Mới nhất, ngày 22/2, HĐQT Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh) đã thông qua nghị quyết bầu ông Hồ Minh Hoàng là thành viên độc lập HĐQT giữ chức danh phó chủ tịch HĐQT công ty.

HĐQT Hưng Thịnh Incons gồm 6 thành viên, ông Nguyễn Đình Trung đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT, ông Hồ Minh Hoàng và ông Trương Văn Việt đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch HĐQT. Như vậy ông Hồ Minh Hoàng là chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đồng thời đảm nhiệm thêm vị trí phó chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Incons./.

Từ khóa: TậpđoànĐèoCả,TậpđoànHưngThịnh,TậpđoànNamMiềnTrung,CôngtyCPHưngThịnhIncons,caotốcTânPhú-BảoLộc,caotốcliênkhương,PPP,BOT

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập