HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên – Kon Tum: Điểm tựa thoát nghèo của phụ nữ Xê Đăng
Cập nhật: 08/02/2021
VOV.VN - Huyện vùng cao Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum một thời nghèo đói, nay đang vươn lên giàu có. Các loại cây ngắn ngày cho thu nhập thấp dần được chuyển đổi sang trồng các loại cây dược liệu quý cho thu nhập cao.
Bên hàng sâm dây đang chuẩn bị thu cho hoạch, chị Y Pót hồ hởi khoe: gia đình tham gia hợp tác xã (HTX), trồng sâm dây được 4 năm nay. Từ tiền bán sâm, gia đình đã xây được nhà khang trang, mua xe máy, nuôi ba con ăn học. Năm nay, gia đình có 7 thêm sào sâm nữa được thu hoạch, ước tính thu thêm 1,5 tấn. Nếu bán hết với giá từ 100.000 – 160.000 đồng/kg, gia đình sẽ có hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, Y Pót sẽ chỉ bán một phần, còn lại dùng để nhân giống, mở rộng diện tích.
"Nhà mình vừa trồng vừa nhân giống mở rộng diện tích, đến nay được hơn 7 sào. Tiền thu lãi từ sâm dây mỗi tháng trên 10.000.000 đồng. UBND xã cũng hỗ trợ cả giống sâm Ngọc Linh, trồng cũng được 2 năm rồi. Nhờ trồng dược liệu mà đời sống ấm no. Tết này vui lắm vì tiền từ bán sâm mình mua thực phẩm, thịt, bánh kẹo về đón Tết....", chị Y Pót chia sẻ.
Cũng giống chị Y Pót, chị Y Tý – thành viên HTX cộng đồng Đăk Viên cũng được UBND xã hỗ trợ 50 cây sâm dây giống và phân bón về trồng, cử cán bộ xã xuống hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, gia đình đã có 5 sào sâm dây và 350 gốc sâm Ngọc Linh. Chị Y Tý chia sẻ, ngoài hỗ trợ về cây giống, phân bón, các thành viên HTX còn được dự các lớp tập huấn kỹ thuật nâng cao cây trồng, chăm sóc sâm dây, thu hoạch, bảo quản, nhân giống; và đặc biệt là hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nguồn thu từ sâm dây luôn đảm bảo, ổn định, đời sống của từng hội viên được nâng lên rõ rệt.
"Nhà nước hỗ trợ giống sâm dây cho gia đình trồng và phát triển được hơn 5 sào. Năm vừa rồi bán sâm dây cũng được mấy chục triệu gia đình lại mua bò và trồng thêm sâm Ngọc Linh. Đến nay cũng phải được trên 500 gốc Ngọc Linh. Gia đình cũng chuẩn bị bán thêm 150 kg củ sâm dây để lấy tiền ăn tết. Nhờ trồng sâm dây mới có đời sống khấm khá như ngày hôm nay”, chị Y Tý nói.
Tê Xăng là xã vùng cao nằm trên triền núi của dãy Ngọc Linh thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Toàn xã hiện có 450 hộ, với trên 1.500 nhân khẩu, 100% là người đồng bào dân tộc Xê Đăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương những năm trước luôn ở mức cao.
Theo ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, những năm trước, đời sống của nhân dân hầu như phụ thuộc vào việc phát nương làm rẫy; trồng và phát triển các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đưa bà con dần thoát nghèo, địa phương đã tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ ưu đãi của các cấp ngành và các tổ chức.
Trong đó có chương trình hỗ trợ "Phụ nữ biên cương" của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum và tổ chức quốc tế CARE tại Việt Nam. Nhờ nguồn đầu tư này, hiện cả 4 thôn trong xã đều trồng và phát triển cây dược liệu với diện tích khoảng 600 ha. Trong đó, gần 500 ha sâm dây chuyên canh; 75 ha sa nhân tím và đương quy; và khoảng 15 ha sâm Ngọc Linh trồng sen dưới tán rừng.
Ông A Đe cho biết, UBND xã đã thành lập Tổ HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, mục tiêu là hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ sâm dây. Đến nay, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX thu hút 30 hội viên tại thôn Đăk Viên tham gia với tổng vốn điều lệ 671 triệu đồng.
Thông qua mô hình phát triển cây dược liệu này, HTX tạo việc làm ổn định cho hội viên phụ nữ, tăng thu nhập và góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương. UBND xã cũng đang tiếp tục xây dựng thêm những tổ hợp tác xã khác hỗ trợ người dân.
"Thời tiết ở đây quanh năm ôn hòa phù hợp với trồng các loại cây dược liệu và cà phê chè (Arabica). Năm 2017, thực hiện chủ trương của tỉnh Kon Tum, UBND xã Tê Xăng đã hỗ trợ mỗi hộ 60 kg sâm dây giống, 100.000 tiền mặt, phân bón... để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2018, hỗ trợ tiếp giống sâm Ngọc Linh trồng sen dưới tán rừng. Từ đó, người dân có nguồn thu nhập ổn định từ cây dược liệu. Nhiều hộ trở nên khấm khá xây được nhà, mua xe máy. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn dưới 30%. Trong vài năm tới thì tỷ lệ này còn giảm xuống nữa”, ông A Đe cho biết thêm.
Những ngày này, sắc xuân đang tràn ngập trên khắp các nẻo đường hay vùng rừng núi của dãy Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. Những vườn sâm dây, vạt rừng trồng sen sâm Ngọc Linh, Sa Nhân Tím, Đương Quy.... ở huyện Tu Mơ Rông của bà con người đồng bào Xê Đăng đang phát triển xanh tốt. Những ngôi nhà xây mới thấp thoáng bên những triền đồi... Tất cả như đang báo hiệu một mùa xuân mới đã về với bao kỳ vọng của chính quyền và người dân đồng bào Xê Đăng về một năm mới Tân Sửu ấm no, hạnh phúc./.
Từ khóa: cây dược liệu, nông dân làm giàu, nông thôn mới, Phụ nữ biên cương, sâm ngọc linh
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN