Hội thảo Khoa học Tố Hữu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế
Cập nhật: 02/10/2020
VOV.VN - Đồng chí Tố Hữu trên phương diện là một nhà thơ cách mạng, “một viên ngọc quý” của nền văn hóa Việt Nam.
Chiều nay (2/10), tại thành phố Huế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.
Tham dự Hội thảo, có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đại diện gia đình đồng chí Tố Hữu.
Ban tổ chức đã nhận được 40 tham luận với nhiều thông tin tư liệu sống động về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Tố Hữu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đồng chí Tố Hữu từ rất sớm đã bộc lộ tinh thần yêu nước, chí hướng cách mạng, sẵn sàng dấn thân và cống hiến.
Năm 1935, đồng chí tham gia hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế đến năm 1937 trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 18 tuổi, đồng chí được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách tuyên truyền. Bị địch bắt và bị giam cầm, tra tấn, đày ải trong lao tù đế quốc, đồng chí Tố Hữu với tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Sau khi mưu trí vượt ngục trở về với cách mạng năm 1942, đồng chí bí mật về Thanh Hóa hoạt động, trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa năm 1944. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí góp phần củng cố Ban lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ, tổ chức Uỷ ban Khởi nghĩa ở các tỉnh Trung Kỳ, là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân giành chính quyền thắng lợi trong tổng khởi nghĩa ở Huế.
Trong thời kỳ mới của cách mạng, đồng chí Tố Hữu được Đảng và Nhà nước trao nhiều trọng trách. Kể từ sau Đại hội VI của Đảng, đồng chí tiếp tục dồn tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, tham gia nghiên cứu tổng kết những vấn đề thực tiễn và lý luận, nhất là về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, khoa giáo.
Các tham luận tại hội thảo cũng đã đi sâu phân tích, đánh giá đồng chí Tố Hữu trên phương diện là một nhà thơ cách mạng, “một viên ngọc quý” của nền văn hóa Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông đã để lại cho đời những tập thơ nổi tiếng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Trải qua nhiều cương vị, lĩnh vực công tác, đồng chí Tố Hữu đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng. Đồng chí Tố Hữu cũng là “con chim đầu đàn” của nền thi ca cách mạng Việt Nam”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết: “Đồng chí Tố Hữu người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, không gian văn hóa giàu bản sắc và truyền thống yêu nước của xứ Huế góp phần hết sức quan trọng nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn, lý tưởng cách mạng, mạch nguồn thi ca của đồng chí Tố Hữu. Huế cũng là nơi ghi dấu những bước đi đầu tiên của đồng chí đến với lý tưởng cách mạng và được trui rèn trưởng thành trong phong trào thanh niên trong chốn lao tù đế quốc.
Những năm tháng hoạt động ở Trung ương đồng chí luôn dành tình cảm sâu nặng, nghĩa tình với Thừa Thiên Huế và đặc biệt quan tâm theo dõi sâu sát những bước phát triển phong trào cách mạng của quê hương”./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN