Hội nghị thượng đỉnh hành động AI: Làm thế nào để AI trở nên an toàn?

Cập nhật: 12 giờ trước

VOV.VN - “Địa chính trị” của Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm tâm điểm Hội nghị thượng đỉnh hành động AI khai mạc hôm nay tại thủ đô Paris, Pháp.

Các nhà lãnh đạo, giám đốc điều hành và giới chuyên gia sẽ cùng nhau tìm giảm pháp nhằm định hướng phát triển công nghệ đang tiến triển nhanh chóng này để AI trở nên bền vững hơn vì tiến bộ và lợi ích chung của nhân loại.

Hội nghị thượng đỉnh hành động AI diễn ra trong 2 ngày (10-11/2) dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là cuộc đối thoại mới nhất trong một loạt các cuộc đối thoại toàn cầu về quản trị AI, nhưng lại chứng kiến bước ngoặt mới khi chatbot Deepseek “giá rẻ” của Trung Quốc đang làm rung chuyển giới công nghệ.

Trong số các đại biểu tham dự Hội nghị có Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ca-na-đa Justin Trudeau, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Khánh cùng những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ như Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Chủ tịch Microsoft Brad Smith và Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai. Ông chủ Tesla Elon Musk và Nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong đã được mời, nhưng chưa xác nhận tham dự.

Hơn hai năm sau khi ChatGPT ra mắt, AI tạo sinh tiếp tục có những bước tiến đáng kinh ngạc với tốc độ chóng mặt. Công nghệ hỗ trợ các chatbot đa năng đang biến đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống với khả năng đưa ra văn bản, hình ảnh hoặc video chất lượng cao hoặc thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.

Cũng giống như 2 lần tổ chức trước đó tại Anh và Hàn Quốc lần lượt vào các năm 2023 và 2024, vấn đề an toàn AI tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự tại Paris, nhưng các cuộc thảo luận sẽ mở rộng sang nhiều quốc gia hơn và nhiều chủ đề liên quan đến AI hơn.

Đánh giá về triển vọng Hội nghị lần này, Chuyên gia Demis Hassabis- một nhà tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cho biết: "Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải quản lý AI, nhưng một điều quan trọng không kém nữa là phải có các quy định đúng đắn. Điều này là rất khó khi mà bản thân công nghệ này chưa được hiểu đầy đủ, trong khi lại phát triển quá nhanh. Và các quay định cũng cần phải mang tính quốc tế vì AI sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, toàn thế giới và vì thế phải sự hợp tác quốc tế xung quanh vấn đề này. Đó là lý do tại sao những hội nghị thượng đỉnh như thế này đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp ngành công nghiệp, các xã hội và chính phủ lại với nhau".

Việc phát hành DeepSeek vào tháng trước đã làm cả thế giới sửng sốt vì khả năng cạnh tranh với các đối thủ phương Tây như ChatGPT. Nó cũng làm leo thang cuộc đối đầu địa chính trị rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền tối cao công nghệ. Tuy nhiên, DeepSeek mang tới cho các doanh nghiệp công nghệ châu Âu cơ hội bắt kịp cuộc đua AI toàn cầu như Mistral của Pháp hay Aleph Alpha của Đức. Ngay trước thềm Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ USD vào lĩnh vực AI:

"Châu Âu sẽ đi nhanh hơn. Pháp sẽ đi nhanh hơn. Đối với chúng tôi, tại Pháp, chúng tôi sẽ công bố tại Hội nghị thượng đỉnh hành động AI khoản đầu tư 109 tỷ euro (112 tỷ USD) vào Trí tuệ nhân tạo trong vài năm tới. Đối với Pháp, con số này tương đương với những gì Mỹ đã công bố".

Các nhà tổ chức đang nỗ lực để các quốc gia ký một tuyên bố chính trị chung tập hợp các cam kết về AI đạo đức, dân chủ và bền vững hơn với môi trường. Nhưng không rõ liệu Mỹ có đồng ý với biện pháp như vậy hay không. Nước chủ nhà Pháp cũng cho biết, một quan hệ đối tác vì lợi ích chung có tên “Current AI” sẽ được khởi động với khoản đầu tư ban đầu là 400 triệu USD nhằm mở ra quyền truy cập vào dữ liệu có thể giúp AI giải quyết các vấn đề như ung thư hoặc Covid-19 kéo dài.

Từ khóa: AI, AI, trí tuệ nhân tạo, Hội nghị thượng đỉnh hành động AI

Thể loại: Thế giới

Tác giả: thu hoài/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập