Học trực tuyến ở Yên Bái, thầy trò “lạc nhau” trên không gian mạng

Cập nhật: 09/04/2020

VOV.VN - Sau một thời gian ngắn triển khai học trực tuyến, đã xuất hiện những bất cập, chủ yếu là liên quan đến sự ổn định của hệ thống mạng học online.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như hàng triệu học sinh trên cả nước, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái phải nghỉ học dài ngày. Để bù đắp lượng kiến thức bị thiếu hụt trong năm học, ngành giáo dục Yên Bái đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có tổ chức học trực tuyến cho học sinh. Cách làm này được đông đảo phụ huynh, học sinh và giáo viên đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai học trực tuyến, đã xuất hiện những bất cập, chủ yếu là liên quan đến sự ổn định của hệ thống mạng học online.

hoc truc tuyen o yen bai thay tro "lac nhau" tren khong gian mang hinh 1
Khó đăng nhập vào phòng học là tình trạng chung của học online ở thành phố Yên Bái.

Đều đặn 19h20 các tối trong tuần, chị Nguyễn Thị Như Trang, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái lại cho con vào học trực tuyến trên máy tính qua phần mềm ứng dụng Zoom. Theo chị, để có được những buổi học như thế này là cả một sự cố gắng rất lớn của ngành Giáo dục Yên Bái nói chung và của trường Tiểu học Kim Đồng nói riêng.

Tuy nhiên, ngay trong buổi học đầu tiên đã xuất hiện những bất cập mà đến nay chưa thể khắc phục được như: Cả cô và trò hay bị đẩy ra khỏi phòng; có lúc cô bị đẩy ra mãi chẳng thấy đăng nhập lại được, lúc cô vào được trò lại bị đẩy ra, khiến cô trò lạc nhau trên không gian mạng.

“Tôi thấy việc đưa ra học trực tuyến cho các con như thế này là rất tốt rồi. Nhưng bên cạnh đó cũng có những cái bất cập như nhiều lúc lỗi kết nối mạng các con không thể vào được, hoặc nhiều lúc mật khẩu thay đổi phụ huynh cứ đi tìm cô, cô thì lại bị đẩy ra nên bị gián đoạn khi học”, chị Trang cho biết.

Cũng như chị Trang, chị Nguyễn Thị Phương Nhung, một phụ huynh khác ở thành phố Yên Bái cho biết: Thông qua ứng dụng Zoom, chị thấy giáo viên luôn cố gắng truyền đạt nội dung bài giảng đến các em một cách tốt nhất. Nhưng không biết do đâu mà con chị, cũng như nhiều bạn khác trong lớp thường xuyên thay nhau bị đẩy ra khỏi phòng học online, khiến cho việc tiếp nhận kiến thức của các con không được liên tục; chưa kể nhiều lúc sự trao đổi giữa giáo viên và học sinh nghe câu được, câu không.

Cộng thêm đó, lớp con chị học vào buổi tối, khi mà hầu hết các thành viên trong gia đình của các em có mặt ở nhà, ít nhiều ảnh hưởng đến việc học của các con, khiến chị lo lắng.

Chị Nguyễn Thi Phương Nhung cho biết: “Với thời kỳ như thế này học trực tuyến là rất tốt rồi. Tuy nhiên tôi mong muốn làm sao ổn định được số học sinh trong phòng, tránh tình trạng vào rồi lại bị đẩy ra ngoài, rất khó cho các cháu theo được chương trình cùng với cả lớp”.

Còn đối với các em học sinh, sau thời gian dài nghỉ học tránh dịch Covid-19, không được đến trường lớp, nay được gặp các bạn và thầy cô trên không gian mạng, ai nấy đều rất phấn khởi. Tuy nhiên, việc hay bị “đuổi ra khỏi lớp” không có lý do - cách mà các em thường nói với nhau mỗi khi bị đẩy ra, khiến các em cảm thấy không vui.

Em San Trịnh, học sinh lớp 3 của một trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái nói: “Học trực tuyến khó là mạng không ổn định, cứ chập chờn hay bị out ra ngoài. Lúc vào được thì các bạn đã qua bài rồi. Cuối cùng nếu học chưa được bài ấy thì phải ở lại học cuối giờ nên con không thích tí nào”.

Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái với hệ thống đường internet, sóng các nhà mạng phủ khắp, là nơi thuận lợi nhất để triển khai học trực tuyến trong thời điểm học sinh và giáo viên không đến lớp để phòng dịch bệnh Covid-19.Tuy nhiên, hàng chục nghìn phụ huynh, học sinh và giáo viên ở đây hiện nay rất mong muốn việc kết nối mạng được duy trì ổn định, để việc dạy và học không bị gián đoạn và chất lượng học tập được đảm bảo, tránh thầy trò "lạc nhau" trên không gian mạng như giai đoạn này./.

Từ khóa: Covid-19, Yên Bái, học trực tuyến, hệ thống mạng

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập