Học phí đại học tăng đồng loạt, cơ sở đào tạo vẫn than phải bù lỗ

Cập nhật: 21/08/2024

VOV.VN - Theo đại diện các cơ sở giáo dục đại học, khung và mức thu học phí hiện nay còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo hay nâng cao thu nhập cho đội ngũ.

Năm học 2024-2025, mức học phí cho khóa tuyển sinh mới của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh dao động từ 46 đến 84,7 triệu đồng/năm. So với mức học phí được áp dụng cho năm học 2023-2024 thì mức học phí này tăng 10%.

Trong đó, Răng hàm mặt là ngành có mức học phí cao nhất với 84,7 triệu đồng/năm học, kế đến là Y khoa 82,2 triệu đồng.

Riêng đối với đào tạo sau Đại học, học phí dao động từ 42,35 đến 72,6 triệu đồng/năm học.

Nói về mức học phí của trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường nói, nếu so sánh học phí trường Y công lập với với các trường ngoài công lập thì học phí trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh không hề cao mà đang còn phải bao cấp.

"Thực chất chính giảng viên của chúng tôi đang phải bao cấp việc đó mà lẽ ra cái phần thiếu này chúng ta phải có chính sách", ông Trần Diệp Tuấn cho biết.

Trong lộ trình điều chỉnh học phí, GSTS. Trần Diệp Tuấn chia sẻ, trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh có dành một khoản để cấp học bổng cho sinh viên để đảm bảo những sinh viên nào có năng lực nhưng thiếu điều kiện kinh tế vẫn có thể theo học ngành Y.

Trong khi đó, mức học phí Trường Đại học Ngoại thương, chương trình tiêu chuẩn năm học 2024 - 2025, dự kiến từ 22 đến 25 triệu đồng/năm. Đối với chương trình chất lượng cao, mức thu học phí dự kiến từ 45 đến 48 triệu đồng/năm. Còn chương trình tiên tiến, học phí dự kiến từ 68 đến 70 triệu đồng/năm.

Bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết, lộ trình điều chỉnh học phí của trường sẽ tăng từ 5-10%/năm, mức tăng này để phù hợp tình hình phát triển kinh tế, trượt giá cũng như những giá trị tăng thêm của các chương trình đào tạo…

"Lộ trình điều chỉnh học phí được Trường ĐH ngoại thương thông báo công khai, minh bạch tới người học ngay từ khâu xét tuyển. Việc điều chỉnh học phí để phù hợp với các giá trị tăng thêm chương trình đào tạo. Đối với các chương trình đào tạo không có sự điều chỉnh các giá trị tăng thêm thì việc điều chỉnh học phí chỉ dựa trên các chỉ số về kinh tế-xã hội, mức trượt giá...", bà Phạm Thu Hương chia sẻ thông tin.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, hiện nay, kinh phí hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam chủ yếu đến từ nguồn ngân sách nhà nước và học phí từ sinh viên. Các nguồn thu khác đều rất thấp. Trong khi đối với các trường đại học trên thế giới, "nguồn thu khác" chiếm đến 60%.

"Hiện nay các nguồn thu từ học phí của sinh viên không đảm bảo để chi trả các hoạt động tự chủ của các nhà trường do vậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là các trường miền núi, vùng cao", ông Hùng nói.

Mức thu học phí chưa đủ bù chi phí đào tạo

Theo Bộ GD-ĐT, học phí bậc Đại học hiện nay đang được áp dụng theo Nghị định số 97/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021). Nghị định này quy định cụ thể mức trần học phí (mức cao nhất) năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027.

Theo đó, mức trần học phí năm học 2023-2024 một số khối ngành ở cơ sở đào tạo chưa đảm bảo chi thường xuyên như sau: khối ngành nhân văn, khoa học xã hội, du lịch khách sạn là 12 triệu đồng/năm; khối ngành công nghệ thông tin, kiến trúc, xây dựng là 14,5 triệu đồng/năm; khối ngành sức khỏe là 18,5 triệu đồng/năm...

Học phí các năm tiếp theo tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo.

Đối với trường tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí được áp dụng nhân hệ số 2 hoặc 2,5 lần mức trên. Ngoài ra, đối với chương trình đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, cơ sở đào tạo ĐH được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Đối với trường dân lập, tư thục, các cơ sở đào tạo được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí do mình quyết định theo quy định tại Luật Giáo dục.

Đánh giá lộ trình học phí đại học so với chi phí đào tạo, Bộ GD-ĐT cho rằng mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19 thì đến năm 2021 phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, GD-ĐT, giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết 19 vì khung và mức thu học phí đại học còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo. Chưa kể, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, học phí đại học không tăng suốt 3 năm học vừa qua (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023) để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 vừa qua làm cho quỹ tiền lương của các đơn vị hằng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, ngân sách chi thường xuyên của nhà nước cho giáo dục Đại học tiếp tục cắt giảm, hàng năm giảm theo lộ trình 2,5-5% chi thường xuyên gây khó khăn cho các đơn vị trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị,... để tiến tới mục tiêu đạt kiểm định trong nước và quốc tế của các trường.

Các khoản thu hoạt động dịch vụ GD-ĐT chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch nhiều để bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy,...

Mặt khác, đối với các trường chưa tự chủ chi thường xuyên thì mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh và do tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên phần lớn các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị.

Tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, muốn tăng chất lượng đào tạo thì phải tăng tổng chi kinh phí cho giáo dục đại học bởi mức chi hiện nay còn quá thấp so với yêu cầu.

Cụ thể, theo ông Sơn phải tăng chi phí đầu tư giáo dục đại học cần tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... "Hiện nay chi phí chi trả lương, phụ cấp cho đội ngũ giảng viên chiếm khoảng 50% tổng chi đào tạo. Nếu mức thu nhập của giảng viên không có sức cạnh tranh so với khu vực doanh nghiệp, với các nước trên thế giới thì khó có thể giữ chân được giảng viên giỏi".

Vấn đề đặt ra theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tăng chi phí đầu tư cho giáo dục đại học thì phải lấy từ đâu? Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, mức chi của Doanh nghiệp cho các hoạt động hợp tác với trường đại học chỉ ở mức độ vừa phải, trong khi đầu tư của nhà nước giảm thì chỉ có thể tăng đầu tư giáo dục từ người học, đây cũng là lý do buộc các trường đại học phải tăng học phí.

"Trong thời gian qua, mức tăng học phí đại học chỉ ở mức vừa phải. Trước đó, 3 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, học phí không tăng thì hiện nay mức tăng học phí như vậy vẫn chưa phải là đáp ứng được yêu cầu tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nói.

Từ khóa: học phí, học phí đại học, học phí, tăng học phí

Thể loại: Xã hội

Tác giả: bá duy/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập