Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Hợp tác công tư
Cập nhật: 25/09/2019
“Cơn sốt” Bitcoin chưa dừng lại, các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của FED
Meey Map Ver 3.0: Thêm nhiều tính năng mới cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt
VOV.VN -Hiện nay, dự thảo Luật đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để trình xem xét tại kỳ họp Quốc hội tháng 10.
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta trong thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Do đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần quyết tâm và quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu, tạo đột phá mạnh về cải cách cơ chế, khơi thông nguồn lực quốc gia.
Liên quan đến nội dung này, một vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân rất quan tâm, đó là sớm ban hành khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho mô hình hợp tác công tư, gọi tắt là PPP. Hiện nay, dự thảo Luật đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để trình xem xét tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây. Vậy những kỳ vọng nào đang đặt ra đối với hình thức hợp tác công tư?
Để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội, cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư mạnh mẽ hơn nữa. |
Đã đến lúc, thay vì nói về vai trò tách bạch hay cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước một cách cực đoan, chúng ta cần nói nhiều hơn đến quan hệ “đối tác công - tư” hiệu quả và bền vững. Đây là cơ chế mới để cộng sinh hài hoà giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, để tư nhân chung tay với nhà nước trong việc phát triển các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, cũng như tăng cường sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực như cung ứng dịch vụ công.
Đặc biệt, việc thiếu khuôn khổ pháp lý và tư duy quản lý đang khiến tư nhân rất khó tham gia vào lĩnh vực dịch vụ công.
Ông Trần Tiến Quân, Tổng thư ký Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam nhìn nhận: "Y tế tư nhân chúng tôi rất khao khát phát triển và nếu có điều kiện phát triển chúng tôi còn đầu tư nhiều hơn nữa. Mở thêm nhiều phòng khám, vừa rồi chúng tôi phân hạng bệnh viện tư nhân cũng vất vả vô cùng, cũng là bệnh viện hạng 2 tuyến tỉnh như chúng tôi phải ra bộ thẩm định nhưng bệnh viện công chỉ cần sở y tế thẩm định thôi. Chúng tôi cứ rồng rắn kéo nhau ra Bộ y tế để thẩm định rất vất vả, nhưng tất cả cơ sở y tế tư nhân cả nước phải ra thẩm định rất bất cập".
Nhu cầu hợp tác công tư ở nước ta đang ngày càng lớn. Trong những năm tới, chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm. Trong điều kiện mà nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, vốn hỗ trợ chính thức ODA sắp hết, thì đối tác công tư và việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nền tảng phát triển của kinh tế, xã hội.
Để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dự thảo Luật đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng để trình xem xét tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây. Dự luật có 11 chương và 102 điều quy định tương đối chi tiết việc thực hiện hợp tác đầu tư theo phương thức này, đảm bảo giảm thiểu nhất văn bản hướng dẫn dưới luật.
Bà Vũ Quỳnh Lê, phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết: "Đầu tiên là đảm bảo đồng bộ thống nhất hệ thống pháp luật hiện có của Việt Nam. Hai là nội dung cần sửa đổi để chạy suôn sẻ như lựa chọn nhà đầu tư tại Luật đấu thầu thì được đưa hết vào luật này, hay bảo vệ môi trường, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, dài hơi, bền vững".
Rõ ràng, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội, cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư không chỉ là sự chung tay giữa nhà nước và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng mà còn cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò dẫn dắt và bảo đảm yêu cầu tự chủ của nền kinh tế.
Mô hình kinh tế chia sẻ cũng cần được nghiên cứu áp dụng trong quan hệ nhà nước với tư nhân.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp: "Chúng tôi đề nghị bổ sung chủ trương thúc đẩy sở hữu công cộng và quan hệ đối tác công – tư trong Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật PPP để thúc đẩy xu hướng hợp tác đầu tư này, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét lựa chọn một số ngành công nghiệp quan trọng có liên quan đến công nghệ trọng điểm ảnh hưởng đến năng lực công nghệ và tự chủ kinh tế quốc tế để làm ngành nhà nước và tư nhân bắt tay nhau cùng hợp tác thực hiện.
Một mình tư nhân hay nhà nước thì khó nên nhà nước và tư nhân phải hợp tác xây dựng một số ngành có tính chất dẫn dắt và đảm bảo tự chủ của đất nước".
Theo ông Vũ Tiến Lộc, để tăng hiệu quả hợp tác công tư, cơ quan Nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế, tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường hợp tác công tư PPP, thành lập quỹ phát triển PPP quốc gia…
Đó là những việc cần làm và phải được triển khai sớm. Như vậy, bên cạnh những bài học chưa thành công về PPP, chúng ta cũng có những thực tiễn tốt về PPP trong cả nước, như các mô hình “sở hữu công - quản trị tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”, dịch vụ thuê ngoài ở một số địa phương và bộ ngành. Đó là những mô hình cần được tổng kết và lan toả.
Đó cũng là phương pháp thiết thực để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hướng tới yêu cầu phát triển tự chủ và bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập mới./.
Điều chuyển hoặc thu hồi số vốn đầu tư công chậm giải ngân
Từ khóa: khuôn khổ pháp lý cho Hợp tác công tư, Hợp tác công tư, PPP, đầu tư công
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN