Hoài niệm tranh dân gian

Cập nhật: 08/07/2020

VOV.VN - Trước những biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, các dòng tranh dân gian ở nước ta đang dần bị lãng quên và đứng trước nguy cơ mai một.

Một thời cả làng làm tranh dân gian không còn và người tâm huyết giữ nghề và biết làm nghề chỉ là con số ít ỏi, nhiều dòng tranh dân gian chỉ còn trong ký ức.

Đó là thực trạng đáng buồn về tranh dân gian của nước ta. Điều này cũng đặt ra những thách thức cũng như yêu cầu cần hành động ngay để kịp thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian, một di sản văn hoá quý của dân tộc.

hoai niem tranh dan gian hinh 1
Ảnh minh họa

Nhà nước và các cấp quản lý văn hoá, các đơn vị, cá nhân cũng đã có những hành động, việc làm nhất định, tuy nhiên chúng ta mong chờ những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để tranh dân gian có thể sống được trong dòng chảy đương đại và ước vọng hồi sinh tranh dân gian không còn là điều xa vời.

Thế kỷ 18, 19 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của tranh dân gian Việt Nam cùng với sự phát triển của nghề in và khắc gỗ. Ở thời kỳ này, việc sản xuất tranh dân gian ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương, tập trung thành từng làng hoặc do từng hộ in riêng, đáp ứng nhu cầu của cư dân khắp mọi miền đất nước. Từ đó đã hình thành những trung tâm sản xuất tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng, được gọi theo địa danh hành chính, như: Đông Hồ (ở Bắc Ninh), Hàng Trống (ở Hà Nội), Kim Hoàng (ở Hoài Đức-Hà Nội), Nam Hoành (ở Nghệ An), làng Sình (ở Huế)... Với nội dung truyền tải ước mong về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tranh dân gian được sử dụng nhiều trong các dịp Tết hay cúng lễ, mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Tuy nhiên, trước sự biến đổi của lịch sử và đời sống kinh tế- xã hội, ngày nay, nhiều dòng tranh đã bị thất truyền như tranh Kim Hoàng, Nam Hoành. Những dòng tranh còn tồn tại như: tranh Đông Hồ, tranh thờ miền núi, tranh kính Nam bộ… cũng không còn hưng thịnh như trước. Với tranh dân gian Đông Hồ, một dòng tranh nổi tiếng vùng Kinh Bắc, trước năm 1945, cả làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhà nào cũng làm tranh nhưng bây giờ tranh không được ưa chuộng nên nhà nhà trong làng chuyển sang làm hàng mã để mưu sinh. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, một trong số ít nghệ nhân còn làm tranh dân gian Đông Hồ cho biết: “Nếu đánh giá tranh Đông Hồ với ngày xưa thì khác biệt rất nhiều. Nếu trước đây tranh Đông Hồ là sản phẩm chính giành cho người dân chơi vào dịp Tết thì hiện nay, ngoài tranh Đông Hồ, còn có nhiều sản phẩm khác như: tranh gỗ, tranh đồng, tranh sơn dầu, tranh lụa… Vì thế, sự lựa chọn của người dân nhiều hơn cùng với đó là sự thay đổi của xu hướng thẩm mỹ hiện đại, đã làm cho sức tiêu thụ của dòng tranh Đông Hồ giảm đi rất nhiều và số nghệ nhân sống bằng nghề tranh cũng ít dần. Vì lẽ đó mà tranh Đông Hồ cứ ngày bị mai một.

Tranh dân gian Hàng Trống - dòng tranh gắn với nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của vùng đất Hà Thành, với những tác phẩm độc đáo như “Cá chép trông trăng”, tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”… giờ cũng chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã vào tuổi xưa nay hiếm đang âm thầm giữ nghề. Mỗi lần nhắc đến quá khứ huy hoàng của dòng tranh là ông lại nuối tiếc và đau đáu trăn trở giữ nghề. Ông chia sẻ: “Tranh hàng Trống làm mất công hơn những thứ tranh khác là cứ phải sử dụng bút lông vẽ từng màu một, muốn nhanh, muốn công nghiệp hóa cũng không được.

hoai niem tranh dan gian hinh 2
Tranh tết Hàng Trống:" Bà Triệu"

Với kỹ thuật làm cầu kỳ nên đòi hỏi phải chịu khó, khéo tay, vì thế mà dòng tranh này cũng kén người. không phải ai cũng làm được. Bản thân ông còn giữ được nghề đến ngày hôm nay là do ông công tác trong nghề mỹ thuật, sẵn tay nghề và một tình yêu với văn hóa dân tộc. Bây giờ, người dân Việt yêu tranh dân gian rất ít, vì thế mà ông chủ yếu làm để bán cho khách nước ngoài. Hoặc ai thích đề tài nào đặt ông thì ông làm chứ không khí cả nhà tất bật làm hàng tập, hàng tập tranh như xưa giờ không còn”.

Cùng với các dòng tranh dân gian ngoài Bắc, các dòng tranh dân gian miền Nam như tranh gói vải, tranh vải hiện cũng chỉ còn một nghệ nhân làm hay như tranh dân gian làng Sình, ở Thừa Thiên- Huế có lịch sử hơn 400 năm cũng đang dần mai một và biến dạng. Nhiều tranh và bản khắc độc đáo tranh làng Sình đã không còn nguyên bản, bị thất tán trong dân gian.

Tranh dân gian làng Sình hiện nay chỉ còn 5 gia đình làm tranh nhưng 4 gia đình thì làm cầm chừng theo mùa vụ, chỉ có một gia đình làm thông suốt cả năm và tập trung tâm huyết vào phục hồi và phục dựng lại là gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

hoai niem tranh dan gian hinh 3
Bộ tranh Bát Âm được sáng tác dựa trên nét cổ xưa của Tranh làng Sình

Điều này cho thấy so với quy mô trước đây, sức tiêu thụ tranh làng Sình cũng bị giảm đi rất nhiều. Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế: Tranh làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế với chức năng duy nhất là phục vụ cúng lễ, cứ cúng xong là đốt. Vì vậy, đến nay chỉ những bản khắc gỗ là hiện vật quý còn được lưu giữ ở nhà ông Kỳ Hữu Phước- một nghệ nhân làm tranh lâu năm tại làng Sình. Ông là người cuối cùng của dòng tranh này biết chế tác và khắc nét tranh đúng với bản sắc tranh dân gian làng Sình cổ.

Với những người yêu giá trị văn hóa truyền thống và những người đã từng sống trong những năm tháng mà tranh dân gian là thứ không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà thì sự mai một và bị lãng quên của dòng tranh này là một sự nuối tiếc. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích, người nhiều năm nay giành thời gian và tâm huyết đi tìm hiểu và lưu giữ lại những hình ảnh của các dòng tranh dân gian đã phải thốt lên rằng: “Tranh Kim Hoàng bị thất truyền, tranh kính Chợ Lớn không còn vẽ nữa, tranh Đông Hồ, Hàng Trống và làng Sình còn duy trì cầm chừng. Đọng lại sau cùng vẫn là một nỗi buồn vì nó chưa phát triển xứng tầm với những gì vốn có. Bây giờ dòng tranh nào còn sót lại và tồn tại là vô cùng đáng quý và rất cần khôi phục và bảo tồn.”

hoai niem tranh dan gian hinh 4
Tranh Kim Hoàng được phục chế theo mẫu của Pháp.

Sự khắc nghiệt của thời kỳ chiến tranh loạn lạc đến sự thay đổi của đời sống kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập thế giới của nước ta đã làm cho tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây. Một thời cả làng nhộn nhịp sản xuất tranh không còn, nay một số làng tranh dân gian chỉ còn vài ba gia đình cố gắng bám trụ vì niềm say mê với nghề và vì nỗi trăn trở truyền giữ di sản của cha ông. Vì thế, tranh dân gian đang ngày một bị lãng quên, mai một là điều khó tránh khỏi, từ đó đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trong dòng chảy đương đại hiện nay. Đây cũng là nội dung chúng tôi đề cập trong kỳ 2 của loạt phóng sự, với nhan đề “Tranh dân gian: Gian nan bảo tồn”, mời quý vị và các bạn cùng đón đọc./.

Từ khóa: tranh dân gian, tranh làng sình, hồi sinh tranh dân gian

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập