Hoa bưởi, hoa cau...đắt hàng dịp rằm tháng Giêng

Cập nhật: 25/02/2021

VOV.VN - Vào dịp Rằm tháng Giêng năm nay, người Hà Nội tấp nập mua các loài hoa dân dã như hoa bưởi, hoa cau, hoa huệ...về lễ Phật và cúng gia tiên.

Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu (đêm trăng tròn đầu tiên của một năm mới), hay Thượng nguyên (cầu thiên quan giáng phúc). Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ Sáu, ngày 26/02/2021 dương lịch. Người dân thường sắm sửa lễ vật, hương hoa (chủ yếu đồ chay) để dâng cúng Phật và gia tiên nhằm bày tỏ tấm lòng biết ơn thành kính, cầu mong một năm mới thật nhiều may mắn và thuận lợi.

Với quan niệm dân gian "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", nhu cầu mua sắm đồ lễ vào dịp này tăng đột biến, đặc biệt là các loại hoa tươi. Trên ban thờ ngày Rằm tháng Giêng không thể thiếu hoa tươi.

Chị Hoài Anh, một tiểu thương ở chợ Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu các loại hoa đều rất dồi dào, hoa đẹp mà rất rẻ. Thay vì các loại hoa “sang chảnh” như hoa lan, hoa ly, hoa hồng, hoa lay ơn.., nhiều khách hàng lựa chọn các loại “hoa quê” như hoa bưởi, hoa cau, hoa huệ về dâng lễ Phật và cúng gia tiên.

“Hoa bưởi năm nay được mùa nên giá rẻ, mỗi chùm hoa bưởi nhỏ có giá tầm khoảng 10 nghìn đồng. Hoa huệ thì khoảng 5 nghìn đồng/cành. Hoa cau giá khoảng 90 nghìn mỗi bẹ, nếu mua nhánh nhỏ thì giá chỉ tầm 10 nghìn đồng”, chị Hoài Anh cho hay.

Theo kinh nghiệm dân gian, hoa ly, hoa rơn, hoa loa kèn, hoa huệ là những loại hoa thường được nhiều người mua để lễ Rằm tháng Giêng. “Tùy theo điều kiện của từng vùng và kinh tế của từng hộ gia đình mà lựa chọn các loại hoa phù hợp, song cần lưu ý không nên kết hợp quá nhiều loại vì sẽ làm giảm ý nghĩa và mất sự thanh thoát khi đặt trên ban thờ”, bà Bích Thủy, một phật tử mua hoa tại chợ Mơ (Hà Nội) chia sẻ. Năm nay, hoa đồng tiền cũng được nhiều người mua.

Chị Thanh Hương, chủ một cửa hàng bán hoa tươi ở Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ: Đúng như tên gọi của nó, hoa đồng tiền có ý nghĩa mang lại tài lộc, thịnh vượng. Bên cạnh đó, nó còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sức khoẻ và tuổi thọ. Chính vì thế mà Rằm tháng Giêng năm nay nhiều gia đình chọn loại hoa này để cúng.

“Giá hoa đồng tiền tuy sát ngày Rằm nhưng giá lại rẻ hơn trước Tết rất nhiều. Khách mua sắm năm nay cũng không nhiều như các năm trước, lượng mua giảm nhiều mà hoa lại được mùa nên người tiêu dùng được lợi. Giá mỗi bó đồng tiền 10 bông cũng chỉ 30 – 40 nghìn đồng”, chị Thanh Hương thông tin.

Thông thường, vào dịp cao điểm mua sắm cúng Rằm tháng Giêng, doanh thu bán hàng tăng gấp mấy lần so với ngày bình thường do giá một số mặt hàng bị đẩy giá lên cao, sau Rằm tháng Giêng, giá cả mới ổn định trở lại. Thế nhưng năm nay giá cả khá ổn định, thậm chí còn rẻ hơn so với dịp gần Tết Nguyên đán.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN. tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Tân Mai, chợ Mơ, chợ Bưởi, thị trường đồ cúng cho ngày Rằm khá phong phú, giá cả các mặt hàng như thực phẩm, hoa quả tươi, vàng mã,… ít biến động.

Anh Tuấn, một tiểu thương ở chợ Tân Mai chia sẻ: “Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khách hàng thưa vắng, sức mua yếu. Song, do lường trước được lượng mua của khách nên cửa hàng của tôi không bị tồn đọng hàng, chủ yếu mua đến đâu bán đến đó, không găm hàng, tăng giá như các năm trước”.

Bà Bùi ở Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội cho biết, sáng nay bà đi mua gà, giò, xôi, trái cây, hoa tươi, rau về chuẩn bị cúng Rằm. Theo bà, giá cả các mặt hàng không tăng đột biến, chỉ hơi cao hơn một chút so với ngày thường. “Hy vọng các năm sau, vào các dịp Tết, lễ, giá các mặt hàng sẽ không tăng thêm nữa", bà Bùi nói./.

Từ khóa: Rằm tháng Giêng, lễ rằm tháng Giêng, cúng rằm tháng Giêng, hoa quê, hoa bưởi, hoa cau, hoa huệ, hoa đồng tiền, hoa ly, hoa lay ơn

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập