Hiểu thế nào về câu “Phân gio chẳng bằng cấy mò tháng sáu”?

Cập nhật: 17/07/2022

[VOV2] - “Phân gio chẳng bằng cấy mò tháng sáu”, “Trai lành chửa vội, trai thối trời mưa”, “tháng 7 mưa gãy cành trám”! Những câu tục ngữ này có ý nghĩa là gì và được dân gian sử dụng như thế nào? Chuyên gia Ngôn ngữ PGS.TS Phạm Văn Tình sẽ giải thích.

Thính giả Nguyễn Thị Ngân ở Hà Nội thắc mắc về câu “Phân gio chẳng bằng cấy mò tháng sáu”. Chị không hiểu thế nào là cấy mò và vì sao việc cấy mò lại quan trọng hơn phân gio?

PGS Phạm Văn Tình phân tích: cấy mò, tức là hình thức cắm mạ vào mặt ruộng đầy nước phía trên đục không nhìn thấy chính xác mặt ruộng, người cấy phải tự mò mẫm phán đoán độ nông sâu để cắm cây mạ xuống một cách vừa tầm để cây lúa phát triển tốt nhất. “Cấy mò” là kinh nghiệm cấy lúa của ông cha ta. Bón phân gio cũng giúp cho sự phát triển của cây lúa, nhưng không hiệu quả bằng việc cắm cây mạ xuống vào lúc mặt ruộng đang còn ngập nước mưa tháng 6. Cấy mò với nước đủ mà lại là nước mưa tháng 6 rất có lợi giúp cây lúa bén rễ nhanh, phát triển tốt, và  đem lại một vụ mùa bội thu.

Về câu “trai lành chửa vội, trai thối trời mưa” PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích rằng đây là một câu tục ngữ được đúc kết từ kinh nghiệm về thời tiết của người xưa.

“Trai” là danh từ chỉ một động vật thân mềm có vỏ cứng, sống ở đáy nước, thường thè ra phần nhuyễn thể gọi là lưỡi trai. Dân gian đã sử dụng hình ảnh lưỡi  trai này để đưa vào câu tục ngữ “trai lành chửa vội, trai thối trời mưa”.

Vào mùa hè khi quan sát chân trời ở phía tây vào buổi chiều mà ta thấy một khối mây lớn ùn lên, hết lớp này đến Lớp khác như một trái núi và phía trên những trái núi đó nhô lên một cái viền mây khác màu có hình lưỡi trai, mà đường viền lưỡi trai này rõ ràng, sáng, sắc nét giống như lưỡi con trai còn đang khỏe, tức là trai lành thì thời tiết sẽ không có gì thay đổi, trời vẫn nẵng.

Nhưng nếu lưỡi con trai, tức là đám mây có đường viền tỏa ra xung quanh, mờ nhạt hơi tối và nhanh bị phân tán giống như lưỡi con trai bị ốm hay như con trai thối thì chỉ một lát, mà chậm thì có thể một buổi thôi, khi đám mây tan đi, sẽ xảy ra hiện tượng giông tố và mưa rào sẽ ào ào trút xuống.

Thính giả Nguyễn Quốc Minh ở Hà Nội muốn hỏi về ý nghĩa của câu “tháng 7 mưa gãy cành trám”, anh Minh cũng muốn tìm hiểu về việc sử dụng cành trám trong câu tục ngữ này. Phân tích về câu tục ngữ này PGS Phạm Văn Tình cho biết “Tháng 7 mưa gãy cành trám” là một câu tục ngữ nói về thời tiết và cây cối. Tháng 7 âm lịch là thời kỳ mưa nhiều. Cây trám là điển hình ra hoa và đậu quả vào tháng 7 và bản thân cành trám cũng rất giòn. Tháng 7 âm lịch mưa to thường kèm theo gió lốc nên nếu cành cây giòn sẽ rất dễ bị gãy. Trong câu tục ngữ này, mưa đến gãy cả cành trám thì có nghĩa là mưa rất to. Và vì vậy ta thấy ở đây chuyện mưa gãy cành trám là có căn cứ từ hiện thực cuộc sống.

Từ khóa: Phân gio chẳng bằng cấy mò tháng sáu, Trai lành chửa vội, trai thối trời mưa, tháng 7 mưa gãy cành trám. PGS.TS Phạm Văn Tình

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập