Hiệu quả từ nuôi cá điêu hồng ở hồ thủy lợi miền núi Bình Định
Cập nhật: 02/11/2024
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Thời gian qua, một số địa phương miền núi ở tỉnh Bình Định đã phát triển nuôi cá lồng bè trên hồ thủy lợi. Ngành Nông nghiệp và các dự án khuyến nông đã hỗ trợ người dân miền núi đầu tư và mở rộng các bè nuôi, mang lại thu nhập ổn định.
Đều đặn 6 giờ 30 phút mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Lê (58 tuổi), trú khu phố Đình An, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh dùng ghe máy ra khu vực lòng hồ Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh chăm sóc cá nuôi trong lồng bè. Khu bè của gia đình ông Nguyễn Văn Lê có 22 lồng nuôi, cá thả nuôi từ 3 tháng đến 5 tháng. Ông Nguyễn Văn Lê bắt đầu nuôi cá điêu hồng ở hồ Định Định được 2 năm, cá nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, trừ tất cả chi phí, việc nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở hồ Định Bình đã mang về cho ông Lê hơn 100 triệu đồng.
Tháng 5/2024, ông Nguyễn Văn Lê được Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ nuôi cá điêu hồng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia mô hình này, ông Lê được hỗ trợ 50% thức ăn, con giống, hướng dẫn kỹ thuật:
“Mô hình khuyến nông tạo điều kiện giúp thức ăn và con giống. Khi thấy được hỗ trợ mọi điều kiện mình cũng rán chăm để nuôi hiệu quả. Cá đầu ra bữa nay cũng cao 52 ngàn đồng/kg, nhiều người mua lắm, có cá thịt thì thương lái sẽ mua ngay. Trước đây, khi nuôi chưa có mô hình khuyến nông thì bà con vẫn nuôi bình thường, nhưng do tiền vốn đầu tư cao quá, Nhà nước hỗ trợ cho mình 50% thì phát triển thuận lợi. Tôi nuôi 2 năm chưa có trở ngại”.
Nuôi cá nước ngọt trong lồng bè ở hồ Định Bình được người dân miền núi huyện Vĩnh Thạnh thực hiện hơn 10 năm qua. Đến nay, đã có 32 hộ nuôi với 460 lồng nuôi các loại cá điêu hồng, thác lác cườm. Đây là vùng nước sạch, phù hợp với phát triển sản xuất nuôi thủy sản nên chính quyền địa phương khuyến khích sản xuất. Huyện Vĩnh Thạnh đã quy hoạch các vùng nuôi, đảm bảo điều điệu để người dân phát triển nuôi cá lồng bè. Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh tổ chức gặp gỡ và chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng bè cho người dân. Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cho biết, hiện nay, chất lượng cá nuôi cá trong lồng bè ở hồ Định Bình đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng, nguồn thu bình quân 100 triệu đồng mỗi hộ một năm.
“Cá điêu hồng này thì bà con cũng đã nuôi lâu rồi, tuy nhiên việc bà con nuôi tỷ lệ sống rất thấp, hao hụt. Qua mô hình nuôi cá thương phẩm cá điêu hồng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm thì chúng tôi theo dõi từ khi thả tới nay đã gần xuất bán rồi nhưng tỷ lệ sống cao (98%), phải giữ được tỷ lệ sống cao mới đạt được năng suất. Sang năm tiếp tục triển khai một mô hình cá điêu hồng này nữa. Đối với vùng xã khó khăn thì hỗ trợ 100% vừa giống, thức ăn, tập huấn chẳng hạn”.
Hồ Định Bình có dung tích chứa lớn nhất trong các hồ chứa ở tỉnh Bình Định với hơn 226 triệu m3, diện tích mặt nước hơn 1.200 héc ta. Hiện nay, người dân chỉ mới khai thác một phần diện tích nhỏ mặt hồ để nuôi cá nước ngọt. Sản lượng cá điêu hồng nuôi trong hồ Định Bình có thể cung ứng ra thị trường 500 tấn/năm. Đa số người nuôi cá bán qua thương lái và chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm để người dân sản mở rộng quy mô bè nuôi, nâng cao thu nhập.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cho biết, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhất là hồ Định Bình có thế mạnh để phát triển nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, phương thức nuôi truyền thống của người dân chưa đạt hiệu quả cao khi nuôi cá ở hồ thủy lợi. Theo ông Huỳnh Việt Hùng, mô hình nuôi cá thương phẩm điêu hồng và liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người dân tiếp cận với các kỹ thuật nuôi cá hiện đại, tăng được năng suất:
“Nuôi thương phẩm cá điêu hồng trên hồ Định Bình đang phát triển tốt và tỷ lệ sống tương đối cao. Năm nay mình làm tới 3 mô hình: Hồ Cát Sơn, Phù Cát; hồ Núi Một, thị xã An Nhơn; hồ Định Bình, Vĩnh Thạnh. Chúng tôi hướng dẫn về kỹ thuật, bám sát mô hình thường xuyên giúp cho người dân thay đổi theo hướng kỹ thuật chứ không phải theo kỹ thuật hồi xưa. Từ đó giúp bà con dần thay đổi làm theo quy trình, kỹ thuật”.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đang xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ cá điêu hồng lòng hồ thủy lợi Định Bình để chế biến sashimi, xuất khẩu sang Nhật Bản. Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định (đóng tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chuyên sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đông lạnh đã mua cá điêu hồng tại hồ Định Bình về chế biến thành món sashimi, đóng hộp gửi qua Nhật để các đối tác thử khẩu vị và sau đó đã nhận được phản hồi tích cực. Từ kết quả khả quan đó, Công ty này phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ cá điêu hồng trong hồ thủy lợi Định Bình. Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm việc trực tiếp với các hộ nuôi cá ở hồ Định Bình bán cá điêu hồng cho Nhà máy của Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định không qua trung gian.
Từ khóa: Bình Định, miền núi, hồ thủy lợi, cá điêu hồng, Vĩnh Thạnh, hồ Định Bình
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thanh thắng/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN