Hiếu kỳ xem công an vây bắt tội phạm có thể bị xử phạt

Cập nhật: 18/02/2020

VOV.VN -Chuyên gia tội phạm học nhận định, việc người dân tập trung xem vây bắt tội phạm là rất nguy hiểm, có thể bị xử phạt.

Qua vụ vây bắt Tuấn “khỉ” và một số vụ việc mà cảnh sát vây bắt đối tượng có hung khí thời gian gần đây cho thấy, rất nhiều người Việt Nam hiếu kỳ, tò mò, không sợ chết, sẵn sàng lao vào gần những đối tượng này để “nhìn cho rõ”, chứng kiến “trực tiếp”... Đây là một hiện tượng rất đáng buồn, thể hiện tính hiếu kỳ rất cao, thậm chí còn thể hiện văn hóa lạc hậu. Nhiều người coi nhẹ mạng sống của mình và vô tình cản trở hoạt động truy bắt tội phạm của cơ quan chức năng. Không những thế, lợi dụng tình trạng này, các đối tượng xấu, các đồng phạm của đối tượng bị truy bắt có thể trà trộn để gây khó khăn, cản trở cho hoạt động bắt giữ tội phạm cũng như che giấu tội phạm.

hieu ky xem cong an vay bat toi pham co the bi xu phat hinh 1
Rất đông người dân hiếu kỳ đến theo dõi hiện trường Tuấn "khỉ" bị tiêu diệt. Để đảm bảo an toàn cho người dân và cán bộ chiến sĩ, lực lượng chức năng đã tiêu diệt Tuấn "khỉ" ở cự ly gần và sau đó phong tỏa hiện trường.

Xem vây bắt tội phạm là coi thường tính mạng bản thân

Quan sát vụ việc người dân Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh xem vây bắt Tuấn “khỉ” anh Nguyễn Ngọc Tân, một người dân ở tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, ở Việt Nam khi truy bắt hay săn lùng, đấu tranh với tội phạm thì không chỉ cơ quan chức năng mà cả người dân xen vào và hào hứng cổ vũ. Đây có lẽ là nét “riêng” của người Việt mình. Theo anh Tân, người dân nên biết quý trọng mạng sống của mình và tránh làm phiền cơ quan chức năng làm nhiệm vụ.

Quan sát qua báo chí, chị Phan Thị Tính, một người dân ở thành phố Hải Phòng cho rằng: “việc người dân tập trung đông người xem vây bắt tội phạm nguy hiểm, có vũ khí ở nước mình không phải là hiếm. Trên mạng người ta còn chế ảnh người nước ngoài thấy vây bắt tội phạm thì họ tìm cách thoát thân, còn người Việt Nam thì bu kín. Đặc biệt, ở vụ Tuấn “khỉ” nhiều gia đình còn trở vợ con đi gần 200 km đến xem lực lượng chức năng vây bắt”. Theo chị Tính, mọi người không nên tập trung chỗ đông người, ảnh hưởng đến việc bắt nghi can của công an và nhiều khi đe dọa đến tính mạng của bản thân.

Dưới góc độ tâm lý học tội phạm, chuyên gia Đào Trung Hiếu (trung tá, nguyên điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội) cho rằng: “Đối tượng Lê Quốc Tuấn đã giết nhiều người, biết rõ cái giá phải trả của hành động tội ác đó, nên đối tượng có tâm lý không suy nghĩ nhiều vì không còn gì để mất, có thể chống trả đến cùng”. Trạng thái này dẫn tới việc nghi can có những hành động phản kháng bản năng, sẵn sàng nổ súng chống trả. Hiểu rõ điều này nên lực lượng truy bắt đã khẩn trương nhưng thận trọng triển khai chiến thuật phù hợp.

Theo trung tá Hiếu, đầu tiên là việc phong tỏa địa điểm bắt, cách ly người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tiếp theo là sử dụng các trang thiết bị vũ khí, khí tài, hỏa lực tương thích với tình huống: “Chiến thuật vây ráp đang triển khai rất phù hợp với địa hình rộng và phức tạp. Có sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao. Cán bộ thực thi nhiệm vụ rất quyết tâm sớm bắt được đối tượng”.

Về việc người dân quanh hiện trường tụ tập, tò mò theo dõi công an vây bắt tội phạm, trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, đó là việc làm rất nguy hiểm. Nếu nghi can nổ súng chống trả có thể sẽ gây, thương vong không đáng có cho người dân. Và trong hoàn cảnh này, lực lượng bảo vệ vòng ngoài cần giải thích, cương quyết giải tán đám đông hiếu kỳ khỏi khu vực có thể xảy ra đấu súng.

Ngoài bị phạt hành chính, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Dưới góc độ pháp lý, một số luật sư cho rằng, bên cạnh việc gây khó khăn cho cơ quan chức năng, những hành vi như thế này còn cản trở hoạt động thi hành công vụ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể xem xét bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể.

hieu ky xem cong an vay bat toi pham co the bi xu phat hinh 2
Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp

Theo luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp, trong trường hợp, hành vi được xác định là lôi kéo, kích động người khác gây mất trật tự công cộng (tham gia theo dõi vụ việc nhưng hò hét, gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự...) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Với những người lao vào khu vực hiện trường vụ án, cản trở hoạt động thi hành công vụ mà đã được nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu tới 2 triệu đồng.

Trong trường hợp người dân chứng kiến vụ việc bắt giữ tội phạm mà không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của lực lượng chức năng mà có hành vi cản trở thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

“Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.”

Luật sư Cường chia sẻ thêm, mặc dù Tuấn “khỉ” đã bị tiêu diệt nhưng nơi Tuấn khỉ ẩn náu, nơi bị tiêu diệt là hiện trường của vụ án hình sự. Khi đã được xác định là hiện trường, được khoanh vùng bảo vệ để thực hiện các hoạt động tố tụng như tìm kiếm dấu vết, thu thập chứng cứ, xác định vai trò đồng phạm... và các yếu tố khác. Nếu người dân cố tình xâm phạm vào hiện trường vụ án hình sự, gây xáo trộn hiện trường, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra thì cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Và tùy vào hành vi và tính chất mức độ cụ thể của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh liên quan đến nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp hoặc tội che giấu tội phạm (nếu như xóa bỏ các dấu vết).../.

Từ khóa: vây bắt tội phạm, Tuấn "khỉ, vây bắt đối tượng có hung khí, côn an huyện Củ Chi

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập