Hiệp định Geneve - Thắng lợi to lớn nhất của một nền ngoại giao non trẻ
Cập nhật: 21/07/2024
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam
Thủ tướng tiếp Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar
VOV.VN - Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Cách đây 70 năm (21/7/1954), Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Với thắng lợi này, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước, các bên tham dự hội nghị thừa nhận và tôn trọng. Đây là lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam bước lên vũ đài đàm phán đa phương để bàn về hoà bình và quyền tự quyết cho dân tộc.
Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Theo Tiến sĩ Phạm Minh Thế, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả của hội nghị là ta đã giành được độc lập, hòa bình trên một nửa đất nước là một thắng lợi to lớn của đấu tranh ngoại giao và là thắng lợi to lớn nhất của một nền ngoại giao còn quá non trẻ.
Thắng lợi to lớn của đấu tranh ngoại giao
PV: Vì sao Hội nghị Geneve kéo dài tới 75 ngày, qua hơn 30 phiên họp mới đi đến thoả thuận ký kết? Sự ngoan cố của người Pháp có phải là nguyên nhân dẫn đến Hội nghị kéo dài như vậy, thưa ông?
TS Phạm Minh Thế: Tôi cho rằng, nhận định như vậy là hoàn toàn đúng. Chúng ta thấy rất rõ, Chính phủ do Lanien và về sau là Chính phủ Mendès France đều muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Đông Dương. Tuy nhiên, họ vẫn không muốn rời bỏ Đông Dương trong thế thua mà họ vẫn muốn áp đặt cho chúng ta những điều bất lợi. Cho nên, dù đã thua ở Điện Biên Phủ nhưng lập trường của Chính phủ Lanien vẫn hết sức ngoan cố, không chấp nhận sự tham dự của đại diện lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Issarak.
Sau này, dù Thủ tướng Chính phủ Pháp Mendès khi mới lên nhậm chức ngày 20/6/1954 đã tuyên bố, hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp rằng: “Trong vòng một tháng sẽ lập lại hòa bình ở Đông Dương” thì chúng ta vẫn thấy được thái độ ngoan cố của họ khi không chấp nhận các điều kiện, yêu cầu mang tính thiện chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đó là lý do trong giai đoạn đầu, kéo dài hơn 1 tháng, hội nghị tuy đạt được một số thỏa thuận về nguyên tắc chung nhưng đã lâm vào bế tắc do thái độ ngoan cố, không chịu xuống thang của Chính phủ Pháp về việc giải quyết vấn đề chính trị và tuyển cử sớm. Và kết quả là Hội nghị này đã kéo dài tới 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn.
PV: Geneve là hội nghị quốc tế đầu tiên bàn về chấm dứt chiến tranh, đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chúng ta có “đơn thương độc mã” khi đến hội nghị không?
TS Phạm Minh Thế: Đây là một hội nghị quốc tế, nhưng thực tế là hội nghị của các nước lớn. Dù có 9 đoàn đại biểu tham dự nhưng chỉ có đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - 1 trong 3 lực lượng kháng chiến ở Đông Dương được chính thức tham dự. Trong 4 đoàn đại biểu nước lớn: Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc thì Anh và Mỹ hoàn toàn ngả về phía Pháp.
Trung Quốc và Liên Xô trên danh nghĩa là ủng hộ chúng ta nhưng thực tế sự ủng hộ đó cũng chưa thực sự được đầy đủ. Họ cũng có những toan tính để bảo đảm lợi ích của họ trên bàn đàm phán. Do vậy, gần như chúng ta đơn thương độc mã khi đến với hội nghị.
PV: Trong một bối cảnh rất phức tạp như vậy, các nước lớn đã phải công nhận nền hoà bình, độc lập của dân tộc Việt Nam, dù mới chỉ là hoà bình trên một nửa đất nước thì đó cũng là một thắng lợi hết sức to lớn?
TS Phạm Minh Thế: Cuộc tranh đấu trên bàn đàm phán ở Hội nghị Geneve giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các thế lực đối lập là vô cùng gay gắt, nó cũng cam go, khốc liệt không kém so với cuộc so găng quân sự trên chiến trường. Đã có lúc, hội nghị tưởng như có thể tan vỡ bởi thái độ ngoan cố của các nước Pháp, Anh, Mỹ.
Nhưng cuối cùng, chỉ trong vòng 10 ngày, khi những cuộc gặp tay đôi, tay ba, nhất là cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn của Pháp thì các bên đã hiểu được lập trường của nhau. Các hiệp định đình chỉ chiến sự và thiết lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã được ký kết.
Vì thế, kết quả của hội nghị là ta đã giành được độc lập, hòa bình trên một nửa đất nước là một thắng lợi to lớn của đấu tranh ngoại giao và là thắng lợi to lớn nhất của một nền ngoại giao còn quá non trẻ.
Kết luận của Thường vụ Quân uỷ Trung ương năm 1998 đã đưa ra nhận định đúng đắn rằng: Ký Hiệp định Geneve là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó.
Thiếu tướng Đặng Quang Minh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng: Tại Hội nghị Geneve, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự một hội nghị quốc tế, một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn; đất nước lại đang diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt với thực dân Pháp.
Trước bối cảnh lịch sử đó, việc ký Hiệp định Geneve có những điều chưa đạt được như mong muốn của chúng ta, nhưng Hiệp định đã góp phần quan trọng chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Thành quả quan trọng nhất của Hội nghị Geneve chính là giá trị pháp lý quốc tế, là tiền đề để chúng ta đi đến thực hiện trọn vẹn mục tiêu cao cả thiêng liêng của dân tộc ta là thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
PV: Theo ông, việc xác định giới tuyến quân sự tạm thời có phải là vấn đề mấu chốt của Hội nghị Geneve không và vì sao vấn đề này lại căng thẳng kéo dài như vậy?
TS Phạm Minh Thế: Phía Pháp đưa ra quan điểm lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới phân chia địa bàn tạm thời để tập kết lực lượng. Còn quan điểm của ta là lấy vĩ tuyến 13 hoặc chí ít thì cũng phải là vĩ tuyến 16.
Thế nhưng, ta gặp phải nhiều rào cản. Thứ nhất, đó là sự ngoan cố của Pháp. Họ không chấp nhận yêu cầu của ta. Thứ hai là Mỹ đã can thiệp quá sâu vào vấn đề Đông Dương. Mỹ đã yêu cầu Pháp không được nhân nhượng với ta, đồng thời gây sức ép với Anh. Như vậy, rõ ràng là Mỹ đã chi phối, gây sức ép nhằm phá vỡ Hội nghị Geneve để thực hiện mưu đồ hất cẳng Pháp và tiếp tục cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Nhất là trong 10 ngày cuối cùng, khi Ủy ban quốc tế giám sát các bên thực thi Hiệp định được thiết lập gồm Ấn Độ, Canada và Ba Lan, thì Chính phủ Ấn Độ cũng đã khuyên ta nên tiếp nhận vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Đó là những lý do, nguyên nhân căn bản mà vĩ tuyến 17 được các bên lựa chọn. Sau này, dân tộc ta đã phải đi chặng đường 21 năm mới có thể xoá được ranh giới vĩ tuyến này.
PV: Với những gì mà Hội nghị Geneve ký kết, trong đó có việc xác định giới tuyến quân sự tạm thời thì Chiến thắng Điện Biên Phủ có được coi là sức nặng mang tính quyết định?
TS Phạm Minh Thế: Tôi nghĩ, nhận định này là đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Điện Biên Phủ đã giáng một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Bởi đây là nỗ lực cuối cùng của họ bằng quân sự, họ muốn dựa vào cái mà chính họ gọi là: Pháo đài bất khả xâm phạm này để có thể giành được lợi thế trên bàn đám phán Genève.
Thế nhưng, kết quả lại không như họ mong muốn. Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này đã bị quân và dân ta đập tan. Và cũng do đó, ý chí chiến đấu, ý chí duy trì cuộc chiến tranh xâm lược này của người Pháp cũng đã bị đập tan, trôi theo thất bại của họ ở Điện Biên Phủ.
Đó là một nguyên nhân quan trọng buộc họ phải ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Như vậy, có thể thấy rõ ràng là không có chiến thắng Điện Biên Phủ thì sẽ khó mà có việc ký kết Hiệp định Geneve bởi lập trường của Pháp rất ngoan cố, cứng đầu.
PV: Nhưng có lẽ Chiến thắng Điện Biên Phủ là chưa đủ nặng để chúng ta có quyền làm chủ đưa ra những yêu cầu buộc các bên phải chấp nhận trên bàn đám phán, trong thời điểm lúc bấy giờ, thưa ông?
TS Phạm Minh Thế: Do ta chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ tình hình thế giới, nhất là việc phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, đúng đắn thái độ, sự toan tính của mỗi bên khi tham gia Hội nghị Geneve. Ta chịu nhiều sức ép từ các nước đồng minh của đối phương và chịu cả sức ép từ chính đồng minh của mình nữa. Do đó mà thắng lợi chưa trọn vẹn.
Điều này đã được Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị nêu rõ rằng: Chưa thấu hiểu hết ý định chiến lược của bạn đồng minh trong bước cuối của cuộc hòa đàm nên có phần chưa phát huy được đầy đủ độc lập, tự chủ khi ký kết Hiệp định Geneve. Nhưng nói như thế, không có nghĩa là ta phủ nhận sạch trơn ý nghĩa to lớn của việc ký kết Hiệp định này. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh cũng đã nêu rõ rằng: Giải pháp Geneve ta phải chấp nhận vì không thể một mình kiên trì chiến tranh, nhất là phải trực tiếp đương đầu với Mỹ.
Tôi nghĩ, chúng ta cần đánh giá một cách thật khách quan giá trị, ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Geneve để không phủ nhận những thắng lợi chúng ta đã đạt được. Thật sự, nhìn Hội nghị Geneve ở tại thời điểm lúc bấy giờ, tức là cách đây 70 năm, trong bối cảnh như thế mới thấy hết được là chúng ta bị sức ép lớn như thế nào. Hội nghị do các nước lớn triệu tập, ta chỉ là một thành phần được mời, được triệu tập. Cho nên việc ký Hiệp định tuy rằng có những điều khoản chưa được như mong muốn nhưng rõ ràng nó có ý nghĩa rất quan trọng và to lớn.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đối ngoại, đàm phán đa phương hay song phương thì đâu là nguyên tắc tối thượng để chúng ta không bị cuốn theo những toan tính của các nước lớn?
TS Phạm Minh Thế: Từ thực tiễn của Hội nghị Geneve có thể thấy, nguyên tắc tối thượng của đối ngoại đó chính là đứng trên lập trường “biết địch, biết ta” và giữ thế chủ động trong việc tiếp cận đàm phán với đối tượng chính. Chúng ta cần phải hiểu rõ, thực lực của ta ra sao để đưa ra những yêu cầu, điều kiện đàm phán cho phù hợp, tránh làm phức tạp thêm vấn đề.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Điều này cho thấy rất rõ một nguyên tắc là cần phải hiểu rõ thực lực của mình trong so sánh tương quan thế và lực của ta với địch.
Ở Hội nghị Geneve, ta chưa nghiên cứu kỹ tình hình thế giới, chưa hiểu hết ý đồ và sự toan tính của các nước, các lực lượng tham gia hội nghị, nhất là các nước lớn bao gồm những nước đồng minh với ta. Do đó, ta chưa phát huy được cao nhất tinh thần chủ động tiếp cận các đối tác để sớm tìm ra giải pháp giải quyết những bất đồng, sớm kết thúc hội nghị và quan trọng hơn là đạt được mục tiêu thương lượng hòa bình, nhanh chóng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thừa nhận: Hạn chế lớn nhất của hội nghị này là phái đoàn đại biểu của ta và Pháp đã gặp nhau muộn quá, dẫn đến việc hai bên không hiểu ý đồ của nhau và không đàm phán được. Đây là một bài học, một kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công tác đối ngoại hiện nay.
Nhân nhượng nhưng không nhượng bộ quá đà
PV: Tại Hội nghị Geneve ta đã nhân nhượng hết mức có thể để đổi lấy hoà bình, thậm chí chúng ta đã chấp nhận việc ghi lùi ngày ký Hiệp định Geneve từ ngày 21/7 sang ngày 20/7 để bảo đảm cho Thủ tướng Pháp là Mendès France không bị mất chức như ông ta từng tuyên bố, để giữ lấy hòa khí, tạo tiền đề cho mối quan hệ hữu hảo về sau. Theo ông, sự nhân nhượng có nguyên tắc trong Hiệp định Geneve gợi mở điều gì trong việc triển khai đường lối đối ngoại hiện nay?
TS Phạm Minh Thế: Tôi cho rằng, việc ta thể hiện thiện chí hòa bình nên ta đã nhún nhường, nhân nhượng ở Hội nghị Geneve là đúng đắn. Nhưng cũng không vì thế mà ta tỏ ra yếu hèn, mà ngược lại ta đã giữ vững được lập trường, nguyên tắc, luôn luôn tranh đấu để giành lấy và củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước. Điều này cho thấy, ta chỉ nhân nhượng ở một mức độ nhất định, trong giới hạn nhất định, trong một biên độ nhất định có thể chấp nhận được. Đó chính là giá trị của tư tưởng “Hòa để tiến” mà ta đã áp dụng ngay từ đầu cuộc kháng chiến thần thánh này.
Có nghĩa là nhân nhượng, nhưng không nhượng bộ quá đà làm ảnh hưởng đến thắng lợi, thành quả của cách mạng, đến giá trị của sự hy sinh xương máu của đồng bào và chiến sĩ. Ta có thể chấp nhận việc ghi lùi ngày ký Hiệp định Geneve từ ngày 21 sang 24h ngày 20/7 để bảo đảm cho Thủ tướng Pháp Mendès France không bị mất chức như ông ta từng tuyên bố, để giữ lấy hòa khí, tạo tiền đề cho mối quan hệ hữu hảo về sau. Đó là tính nhân văn và sự thiện chí của ta.
Nhưng ta cũng không chấp nhận việc bị áp đặt, ép buộc, nhất là đi ngược lại với những gì chúng ta đã chiến thắng, đã giành được trên chiến trường. Không thể để sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào trở thành vô nghĩa.
PV: Chúng ta thiết tha yêu chuộng hoà bình nên chúng ta đã nhân nhượng. Chúng ta biết cách để trả giá để đổi lấy hoà bình nhưng không phải là trả bằng mọi giá?
TS Phạm Minh Thế: Đúng thế, hơn ai hết, chúng ta hiểu cái giá phải trả cho chiến tranh là quá lớn, nên chúng ta có thể nhân nhượng để đổi lấy hòa bình, dù là hòa bình một nửa, để cho đồng bào và chiến sĩ được nghỉ ngơi, dưỡng sức, chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến mới với một kẻ địch mạnh hơn nhiều lần.
Đây là một bài học quý giá đối với chúng ta ngày hôm nay khi triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng hơn.
Trong quan hệ quốc tế của thời kỳ toàn cầu hóa cao này, chúng ta càng cần phải nêu cao tình thần thiện chí, nhân văn, sẵn sàng nhân nhượng, thương lượng trong hòa bình, không làm phức tạp thêm các vấn đề tranh chấp, để giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cùng có lợi giữa các bên.
Song sự nhân nhượng đó phải có chừng mực, điều kiện rõ ràng, không thể đánh đổi bằng mọi giá, nhất là đánh đổi bằng xương máu của đồng bào, chiến sĩ, bằng chủ quyền của quốc gia dân tộc và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. Đây phải là nguyên tắc bất di, bất dịch trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam hôm nay và mai sau.
PV: Xin cảm ơn ông.
Tháng 1/1954, Ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp họp tại Berlin, quyết định sẽ triệu tập hội nghị quốc tế ở Geneve, Thuỵ Sỹ để giải quyết hai vấn đề: chiến tranh ở Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 26/4/1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc tấn công đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Biên Phủ, Hội nghị Geneve bắt đầu khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của 9 bên: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Ban đầu, Hội nghị chỉ bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên.
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta toàn thắng. Từ Việt Nam, tin tức nhanh chóng đến được hội nghị. Ngay hôm sau, vấn đề Đông Dương đã được đưa lên bàn nghị sự.
Phái đoàn Việt Nam lúc đó do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đến dự hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của Lào, Campuchia.
Hiệp định Geneve được ký kết sau 75 ngày đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có 8 phiên họp toàn thể, 21 phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương.
Theo Hiệp định đã ký kết, Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17. Nhưng sự chia cắt đó chỉ là tạm thời, hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử.
Cũng theo bản Hiệp định, quân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày. Người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam. Hiệp định cũng nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm: Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.
Từ khóa: Geneve , Hiệp định Geneve, chiến sự, quân sự
Thể loại: Nội chính
Tác giả: trường giang/vov
Nguồn tin: VOVVN