Hiến máu sau khi tiêm vaccine COVID-19 và những điều cần lưu ý

Cập nhật: 13/06/2021

VOV.VN - Nếu vừa tiêm vaccine ngừa COVID-19, bạn vẫn có thể hiến máu, tiểu cầu và huyết tương AB Elite.  Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp và cần thiết để giúp cứu sống và hỗ trợ nỗ lực của những người trên tuyến đầu chống dịch.

Càng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc hiến máu cứu người càng có ý nghĩa cấp thiết. Theo Hiệp hội Ngân hàng Máu Hoa Kỳ (AABB), Trung tâm Máu Hoa Kỳ và Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ mới đây ra tuyên bố chung nhấn mạnh, cũng giống như nhiều nơi khác trên thế giới, các trung tâm máu trên khắp nước Mỹ cho biết sự sụt giảm trong việc thu thập máu. Một số đã báo cáo tỷ lệ người hiến tặng thấp nhất trong hơn một năm. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại.

Dưới đây là những điều bạn cần biết trước khi đặt lịch hẹn hiến máu, bao gồm thông tin quan trọng mà bạn cần lưu ý nếu có kế hoạch hiến máu ngay sau khi tiêm.

Bạn có thể hiến máu sau khi chủng ngừa COVID-19 không?

Theo Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ, điều này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số điểm:

-Bạn sẽ cần cung cấp tên của nhà sản xuất vaccine mà bạn đã tiêm khi đến hiến tặng.

-Không có thời gian chờ đợi sau khi chủng ngừa COVID-19, miễn là bạn cảm thấy ổn.

Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ đặc biệt nhấn mạnh, bạn có thể hiến máu bất cứ khi nào bạn muốn sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Novavax hoặc Pfizer. Tổ chức này cũng cho biết thêm, những người hiến máu đủ điều kiện đã được tiêm vaccine COVID-19 sống giảm độc lực hoặc không biết loại vaccine COVID-19 mà mình được nhận là gì nên đợi 2 tuần trước khi hiến máu. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay không có vaccine COVID-19 nào là vaccine sống giảm độc lực (hay còn gọi là vaccine được làm từ một thể virus gây bệnh bị suy yếu).

Theo Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm William Schaffner và là giáo sư tại Trường Y Đại học Vanderbilt, những loại vaccine sống giảm độc lực được đề cập ở trên có thể là những vaccine được sử dụng để chống lại các bệnh như sốt vàng da, sởi và thủy đậu. Tuy nhiên số người trưởng thành tiêm những vaccine này hiện nay rất hiếm. Vì thế, bạn có thể hiến máu bất kể khi nào sẵn sàng miễn là bạn biết rõ loại vaccine mình vừa tiêm. Nếu không chắc chắn thì bạn có thể hai tuần trước khi hiến máu.

Bạn có thể hiến máu nếu đang gặp tác dụng phụ của vaccine  COVID-19 không?

Câu trả lời là “Không”. Bởi theo Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, bạn chỉ nên hiến máu nếu không gặp phải những tác dụng phụ của vaccine và cảm thấy thực sự khỏe mạnh vào thời điểm hiến máu.

 Nếu bạn đã lên lịch hẹn hiến máu từ trước khi tiêm vaccine, thì không phải là một ý tưởng tồi nếu bạn trì hoãn quyết định để phòng trường hợp gặp phải tác dụng phụ của vaccine. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja, học giả cấp cao tại Đại học Johns Hopkins, sự mệt mỏi mà bạn có thể gặp phải sau khi tiêm vaccine cộng phải việc phải truyền một lượng máu nhất định không phải là một ý tưởng hay. Hơn nữa, một số loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay có thể gây sưng, đau, mỏi cơ hay sốt sau khi tiêm.

Máu của người được tiêm chủng có tác dụng với người mắc COVID-19 hay có thể cung cấp cho người nhận kháng thể không?

Hiện tại vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng liệu bạn có thể truyền kháng thể cho người nhận máu của mình hay không. Tiến sĩ Schaffner  cho rằng, có khả năng là bạn sẽ đưa ra một số biện pháp bảo vệ thụ động. Nhưng bao nhiêu thì chưa thể xác định được. Và cũng nên nhớ rằng máu mà ai đó nhận được từ bạn sẽ bị loãng bởi lượng máu hiện tại của họ. Vì thế nó sẽ không thể cung cấp sự bảo vệ giống như khi họ tiêm vaccine.

Trong khi đó Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cho rằng, máu của bạn có thể giúp những người hiện đang chiến đấu với COVID-19. Nếu bạn có những kháng thể đó, huyết tương từ máu của bạn có thể được sử dụng làm huyết tương điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề là không chắc bạn sẽ có được những kháng thể đó ngay sau khi tiêm và có thể phải mất đến hai tuần sau lần tiêm thứ 2 để cơ thể phát triển kháng thể.

Mặc dù tới nay các chuyên gia đều cho rằng bạn hoàn toàn có thể hiến máu ngay sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 nếu đủ điều kiện, song trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với sự xuất hiện của ngày càng nhiều biến thể nguy hiểm, bạn vẫn cần cập nhật thường xuyên hướng dẫn và khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan y tế công cộng./.

Từ khóa: hiến máu sau khi tiêm vaccine được không, tiêm vaccine covid-19 có hiến máu được không, lợi ích của việc hiến máu

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập