Hệ lụy toàn cầu việc Hiệp ước START bị khai tử
Cập nhật: 04/09/2020
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - Việc ngừng hoặc hoãn START-3 kéo theo nhiều hệ lụy toàn cầu và đối với chính nước Mỹ.
Theo trang moderndiplomacy.eu, hiện tại, Nga và Mỹ có ba lựa chọn đối với vũ khí hạt nhân chiến lược: kéo dài Hiệp ước START-3, thảo ra một thỏa thuận mới, hoặc tạm dừng bất kỳ cuộc đàm phán nào về hạn chế vũ khí chiến lược trong một thời gian. Cả hai bên đều hiểu rằng quan hệ song phương hiện tại không có nhiều hy vọng đi đến thống nhất trong một thời gian ngắn và không có sự chuẩn bị; việc kéo dài START-3 5 năm sẽ mang lại cho Moscow và Washington thêm thời gian - một kiểu "tạm lắng chiến lược".
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nga Igor Ivanov nhận định, sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ “cảm thấy mình là người chiến thắng và công khai tuyên bố rút khỏi các thỏa thuận quốc tế mà theo ý kiến của một số chính quyền Mỹ, có thể trói tay Mỹ, cản đường những nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập vị thế độc tôn của mình trên toàn thế giới”. Trong lĩnh vực ổn định chiến lược, Mỹ hủy Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ngăn các thành viên NATO phê chuẩn phiên bản sửa đổi của Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, né tránh một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các lĩnh vực kiểm soát vũ khí khác.
START-3 trở thành “ngoại lệ” khi chính quyền Mỹ khẳng định các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân nhất thiết phải có sự tham gia của Trung Quốc. Do đó, trong khi Moscow quan tâm đến việc kéo dài START-3 mà “không có các điều kiện sơ bộ”, Mỹ đang cố gắng đưa ra các điều kiện của riêng mình: thỏa thuận hạt nhân ba bên giữa Moscow, Washington và Bắc Kinh, hoặc bác bỏ hoàn toàn bất kỳ cam kết nào trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump đã theo đuổi một chính sách nhằm “rút” nước Mỹ khỏi những cam kết “không mong muốn”. Tuy nhiên, trong trường hợp START-3, động cơ thực sự của chính quyền Trump gây ra tranh cãi giữa các nhà quan sát và nhiều giới. Hiệp ước nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng chuyên gia Mỹ, ý định của Nhà Trắng về việc nhất thiết phải có sự tham gia của Trung Quốc bị nhiều nhà phân tích Mỹ coi là “phi thực tế”.
Tổng thống Nga và Mỹ ký Hiệp ước START-3 tại Praha; Nguồn: kremlin.ru |
Theo các nhà quan sát, để làm hài lòng cử tri khi nhiều người chia sẻ quan điểm của Trump rằng Mỹ “đã thực hiện quá nhiều cam kết” trong những thập kỷ qua. Và sau đó, trong trường hợp Trump tái đắc cử, động thái tiếp theo sau chiến thuật đó sẽ là đạt được "thỏa thuận tốt nhất có thể". Một số người lạc quan coi việc chính quyền đương nhiệm từ chối ký các hiệp ước kiểm soát vũ khí và cắt giảm vũ khí chiến lược, trước hết là INF và Hiệp ước về Bầu trời Mở, chỉ là thu “những quân bài tốt nhất” “để mặc cả” về các thỏa thuận mới.
Có vẻ như, chính quyền Trump dự kiến sẽ nhận được lợi ích địa chính trị bất kể các cuộc đàm phán về vũ khí tấn công chiến lược sẽ diễn ra theo kịch bản nào. Có thể thấy rõ những nỗ lực của Washington nhằm kích động Moscow thực hiện các bước đáp trả triệt để, mà sau đó Nga có thể sử dụng như một cách biện minh mới về sự “đồng nhất” đối với NATO và phương Tây nói chung.
Cũng có thể thấy rõ lý do kinh tế đằng sau các biện pháp phá hủy sự ổn định chiến lược - các bước trả đũa không thể tránh khỏi của Nga sẽ được mô tả là "kế hoạch gây hấn" và phản ứng đối với các kế hoạch này sẽ liên quan đến việc gia tăng chi tiêu quân sự của một số đồng minh của Washington. Trước hết, kinh phí sẽ đổ vào việc mua các hệ thống vũ khí tốn kém do Mỹ sản xuất được thiết kế để đối phó “mối đe dọa” không tồn tại từ Moscow.
Rõ ràng, Washington có kế hoạch hưởng lợi từ tình hình hiện nay cả khi châu Âu từ chối phụ thuộc vào các lợi ích của Mỹ và chọn đi theo hướng kiên quyết và độc lập hơn liên quan đến việc xây dựng tiềm lực quân sự riêng. Nếu đúng như vậy, Mỹ có thể cố gắng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ của EU bằng cách khiến các nước sẵn sàng tham gia cuộc chạy đua vũ trang chiến lược của Washington trở nên thù địch với những nước hiểu rõ sự nguy hiểm và vô ích của chính sách đó trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Các lý do để Washington yêu cầu "Bắc Kinh tham gia các thỏa thuận giữa Washington và Moscow về kiểm soát vũ khí" rất đáng nghi ngờ. Một mặt, về sức mạnh quân sự, Mỹ bày tỏ quan ngại về tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc. Phát biểu tại Viện Hudson tháng 5 năm ngoái, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Robert Ashley chỉ ra rằng, trong năm 2018, Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo hơn so với phần còn lại của thế giới. Theo Ashley, Trung Quốc có khả năng tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm tới. Nhưng điều này chỉ là “có khả năng cao”.
Hiệp ước START-3 đang có nguy cơ không được gia hạn; Nguồn: sputniknews.com |
Mặt khác, mọi người đều biết “ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump trong chính sách đối ngoại là kiềm chế Trung Quốc, với tư cách là một siêu cường kinh tế và quân sự”. Có cơ sở để tin rằng, khi có những nghi ngờ hợp lý về khả năng khuất phục Trung Quốc trong cạnh tranh toàn cầu, Trump đã chọn kéo Trung Quốc vào cuộc chạy đua tên lửa hạt nhân tốn kém.
Đặc biệt là trong điều kiện của cuộc khủng hoảng coronavirus toàn cầu, các công cụ kinh tế gây sức ép mà Mỹ sử dụng đang nhanh chóng mất đi sức mạnh của chúng. Ưu tiên hàng đầu là áp đặt buộc Bắc Kinh phải lựa chọn giữa logic phát triển kinh tế và “logic đối đầu địa-chính trị”, giữa cải cách và “an ninh và kiểm soát ưu tiên”. Washington kỳ vọng sẽ đặt Trung Quốc vào một vị trí mà họ sẽ phải phản ứng với tốc độ và phạm vi của một cuộc chạy đua vũ trang do một đối thủ giàu có áp đặt.
Ý định phá hủy khuôn khổ ổn định chiến lược toàn cầu mang những kỳ vọng hoài nghi gieo mầm cho sự ngờ vực giữa Bắc Kinh và Moscow. Giới chính trị và chuyên gia Mỹ tin rằng, Moscow cũng như Washington, lo ngại về thực tế là Trung Quốc không ký bất kỳ hiệp định nào hiện có về cắt giảm vũ khí, đang xây dựng kho vũ khí tên lửa của mình mà không có bất kỳ hạn chế nào. Do đó, bằng cách kích động Trung Quốc tăng cường kho vũ khí tên lửa của mình, có thể "đẩy" cho Moscow mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu trên cơ sở giả định rằng, không một trong ba cường quốc hạt nhân nào có thể duy trì được tiềm lực tổng hợp của hai cường quốc còn lại.
Nhưng Bắc Kinh đã cho thấy, họ hoàn toàn nhận thức được ý định của Washington. Vào đầu tháng 7, Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “Trung Quốc sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên với Mỹ và Nga nếu Mỹ đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình ngang với Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thúc giục Mỹ đưa ra câu trả lời tích cực cho đề xuất của Nga về việc kéo dài START-3. Điều này sẽ tạo ra “điều kiện cho sự tham gia của các quốc gia hạt nhân khác vào các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân”.
Việc START-3 không được gia hạn kéo theo nhiều hệ lụy toàn cầu và cho chính nước Mỹ; Nguồn: foxnews.com |
Ngoài ra, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tính toán một cách “hợp lý” các bố cục giả định và cơ cấu lực lượng mới giữa các cường quốc hạt nhân đều trở nên vô ích vì không thể lường trước được phạm vi gây mất ổn định của sự sụp đổ START-3 đối với an ninh quốc tế nói chung. Theo Alexey Arbatov từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, việc loại bỏ START-3 sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống các hiệp ước quốc tế về vũ khí hạt nhân, bao gồm Hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ở châu Á, trong trường hợp Trung Quốc tham gia cuộc chạy đua vũ trang chiến lược với Mỹ, các cường quốc khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có thể chọn đưa ra quyết định độc lập trong lĩnh vực an ninh chiến lược. Việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ song phương mới xấu đi, nhất định sẽ kích động hành động đáp trả từ Ấn Độ - điều sẽ dẫn đến sự thay đổi chính sách hạt nhân của Pakistan. Kịch bản kịch tính nhất trong trường hợp này sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Do đó, những gợi ý nhân rộng của Mỹ với mong muốn rút khỏi START-3 báo hiệu rằng Washington sẵn sàng từ bỏ một cách trắng trợn một cuộc đối thoại hạt nhân như vậy. Mối đe dọa tiềm tàng về việc không kéo dài START-3 tạo điều kiện phá hủy sự ổn định chiến lược toàn cầu đã được thiết lập. Xét về thực trạng hiện tại quan hệ Trung-Mỹ, trong trường hợp xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, lần này giữa Mỹ và Trung Quốc, triển vọng hai nước bước vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa trong lĩnh vực quân sự và chiến lược có vẻ xa vời.
Cuối cùng, việc ngừng hoặc hoãn START-3 có nghĩa là một cơ chế ràng buộc pháp lý duy nhất kiểm soát lẫn nhau sẽ biến mất. Nếu không có một cơ chế như vậy, cuộc đối thoại về giải trừ hạt nhân sẽ gặp phải một bước thụt lùi đáng kể. Điều này có nghĩa là không chỉ Nga và Mỹ, mà bất kỳ quốc gia nào khác sẵn sàng đàm phán về việc hạn chế hoặc cắt giảm vũ khí hạt nhân sẽ phải bắt đầu toàn bộ quá trình từ đầu./.
Từ khóa: Hệ lụy toàn cầu việc Hiệp ước START bị khai tử, START-3, vũ khí hạt nhân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN