VOV.VN - Theo hãng thông tấn TASS, Nga đang tích cực phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu để có thể triển khai vào năm 2050.
Ông Evgeny Fedos, Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu hệ thống hàng không nhà nước (GosNIIAS) của Nga cho hay, việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đang tiến triển tích cực.
Dự án đầy tham vọng này liên quan đến việc tạo ra một nền tảng hàng không có khả năng đáp ứng những thách thức của mọi cuộc xung đột vũ trang trong tương lai, đồng thời duy trì mô hình có người lái, bổ sung khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông Fedosov, quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 bao gồm việc tham vấn và hợp tác sâu rộng với các chuyên gia quân sự để dự đoán nhu cầu của các cuộc xung đột vũ trang trong tương lai.
“Hiện tại, chúng tôi đang nghĩ đến khái niệm máy bay thế hệ thứ sáu, tiến hành nghiên cứu và trao đổi quan điểm với các chuyên gia quân sự”, ông Fedosov nói. Tuy nhiên, ông Fedosov nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc liên quan đến độ phức tạp trong thiết kế của máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Giám đốc GosNIIAS cũng cho biết thêm, nhóm hàng không chiến đấu thế hệ thứ sáu sẽ bao gồm cả máy bay có người lái và phương tiện không người lái.
“Có ý kiến cho rằng nhóm hàng không thế hệ thứ sáu này nên kết hợp cả máy bay không người lái và máy bay có người lái. Về nguyên tắc, sự kết hợp như vậy là hoàn toàn có thể”, ông Fedosov nhận định, đồng thời nói thêm rằng, kích thước và tốc độ của máy bay không người lái sẽ cho phép chúng hoạt động như những trợ thủ trong một nhóm.
Máy bay không người lái trong các nhóm này chiến đấu như vậy có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu gần. Con người vẫn sẽ đóng vai trò giám sát để hiểu được bối cảnh chiến thuật sau cuộc tấn công.
“Con người sẽ làm việc từ xa để tránh rủi ro đến tính mạng”, ông Fedosov nói.
Có người lái hay không người lái?
Khái niệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu bao hàm một kỷ nguyên mới của chiến tranh trên không, được đánh dấu bằng những khả năng và công nghệ tiên tiến.
Các máy bay thế hệ tiếp theo sẽ xác định lại ưu thế trên không với hiệu suất được nâng cao trong chiến đấu không đối không và khả năng xâm nhập các vùng trời khó tiếp cận.
Dựa trên thành công của máy bay thế hệ thứ năm, máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu sẽ được thiết kế để thích ứng với các xu hướng đang phát triển trong chiến tranh trên không, trong đó các kịch bản không chiến truyền thống đang nhường chỗ cho các cuộc giao chiến tầm xa sử dụng tên lửa không đối không tầm xa.
Trong những năm gần đây, nhiều nước tuyên bố ý định bắt tay vào phát triển các chương trình máy bay thế hệ thứ sáu.
Không quân Mỹ là nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực này, tích cực thúc đẩy nỗ lực phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo thông qua chương trình máy bay chiến đấu tàng hình Thế hệ tiếp theo (NGAD).
Các sáng kiến đa quốc gia cũng đã xuất hiện, phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm tận dụng các nguồn lực và kiến thức chuyên môn chung, đồng thời giảm chi phí phát triển.
Nhật Bản, Italy và Vương quốc Anh đã thành lập một liên doanh như vậy với nỗ lực phát triển máy bay thế hệ thứ sáu có tên Tempest. Pháp, Đức và Tây Ban Nha cũng có một chương trình đa quốc gia tương tự.
Trung Quốc cũng được cho là đang trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, sau khi chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20.
Trong khi đó, Nga gặp khó khăn trong việc triển khai số lượng lớn máy bay chiến đấu tàng hình Su-57, Hơn nữa, các cuộc thảo luận liên quan đến việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sau trước đây đã gặp phải nhiều trở ngại.
Theo EurAsian Times, những người lên kế hoạch cho dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu ở Nga có quan điểm khác nhau về việc liệu máy bay thế hệ tiếp theo nên có người lái hay không người lái.
Tuy nhiên, ông Evgeny Fedosov đã đưa ra quan điểm về vấn đề này. Ông nhấn mạnh, mặc dù máy bay chiến đấu thế hệ 6 có thể tích hợp các công nghệ tiên tiến, nhưng chúng sẽ không chuyển hoàn toàn sang các hoạt động không người lái.
Ông Fedosov nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của phi công: “Chúng tôi không tìm cách thay thế phi công bằng máy móc mà tạo ra mọi điều kiện để có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp. Tôi tin rằng không thể loại con người khỏi hoạt động chiến đấu”.
Trong khi thừa nhận khả năng xử lý ấn tượng của mạng thần kinh nhân tạo, ông Fedosov lưu ý những hạn chế của nó khi nói đến trực giác và ra quyết định trong những trường hợp kịch tính.
“Máy bay ngày càng trở nên thông minh hơn, nhưng đây là quá trình tự động hóa thông thường của quá trình điều khiển”, ông nói.
VOV.VN - Theo chuyên gia quân sự Dmitry Drozdenko, cho đến nay, chưa đối thủ nào có thể sánh kịp năng lực của Tu-160 M. Ngay cả Mỹ cũng đang cố bắt kịp loại máy bay chiến lược có khả năng răn đe hạt nhân của Nga.
Từ khóa: máy bay chiến đấu thế hệ 6, Nga, máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, máy bay Nga, vũ khí Nga, máy bay có người lái, máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, phi công, kịch bản không chiến truyền thống, không chiến tương lai