Hành trình của sỹ quan công an làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ

Cập nhật: 23/08/2024

VOV.VN - Trung tá công an Bùi Phương Lân, thuộc tổ công tác số 2 đang làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan chia sẻ niềm xúc động khi nhận được tình cảm yêu mến, trân trọng của người dân địa phương dành cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.

Nhiệm vụ tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm hiện thực hóa các cam kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế; góp phần vào việc duy trì nền hòa bình, an ninh của thế giới và khu vực.

Tháng 10/2022, tổ công tác số 1 gồm 3 sĩ quan công an Việt Nam lần đầu sang làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Đến tháng 8/2023, tổ công tác số 2 gồm: Trung tá Bùi Phương Lân, Trung tá Nguyễn Thu Hà và Thiếu tá Đinh Mạnh Cường tiếp tục lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. Mới đây nhất, Bộ Công an đã triển khai tổ công tác số 3 sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan vào tháng 6/2024. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng triển khai tổ công tác tại phái bộ UNISFA, thuộc Khu vực Abyei. Đây được đánh giá đều là những khu vực có khí hậu khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều tranh chấp và rủi ro, điều kiện sống của người dân còn rất nhiều khó khăn…

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với Trung tá Bùi Phương Lân, thuộc tổ công tác số 2 đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, để hiểu hơn về hành trình của người chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

PV: Xin anh chia sẻ cảm nhận khi là một trong những chiến sĩ công an đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình?

Trung tá Bùi Phương Lân: Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về việc công an nhân dân tham gia vào lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, năm 2022 là một năm đặc biệt ghi dấu sự kiện Chủ tịch nước ký quyết định cử các sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Đây là một dấu mốc quan trọng, điểm sáng nổi bật về hội nhập quốc tế của lực lượng Công an nhân dân.

Đối với các sĩ quan công an nhân dân, trong đó có bản thân tôi luôn xác định khi tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một niềm vinh dự và tự hào. Đây là một cơ hội để thể hiện vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế. Với tinh thần đó, mỗi thành viên trong tổ công tác luôn luôn nỗ lực, quyết tâm và có trách nhiệm cao. Các sĩ quan công an nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện sinh hoạt, môi trường sống tại địa bàn Nam Sudan. Từ đó có những sáng kiến trong công tác, được lãnh đạo đánh giá cao.

PV: Tại Nam Sudan, anh cùng các đồng đội trong phái bộ đã gặp phải những khó khăn gì?

Trung tá Bùi Phương Lân: Nam Sudan là một quốc gia ở Đông Phi, nằm ở phía nam của Cộng hòa Sudan trước đây. Hiện quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về nhân đạo, bất bình đẳng gia tăng, xung đột dai dẳng…Ở các địa phương xa, đụng độ giữa các phe phái vẫn tiếp diễn. Kinh tế của Nam Sudan bị ảnh hưởng nặng nề, khan hiếm hàng hóa diễn ra ở nhiều nơi. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Nam Sudan.

Khi được cử sang tham gia nhiệm vụ tại Nam Sudan, tôi và các thành viên trong tổ công tác đều phải gặp những khó khăn chung. Trước hết là môi trường làm việc. Đây là môi trường làm việc hoàn toàn mới với sĩ quan công an nhân dân của chúng ta. Đây là một môi trường đòi hỏi sự làm việc có tính chuyên nghiệp rất cao. Kỹ năng và công tác đòi hỏi nghiêm ngặt trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Sĩ quan của chúng ta khi tham gia công việc cần có sự bắt nhịp rất nhanh. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Văn phòng thường trực, chúng tôi đã được tập huấn kỹ càng nên khi bắt nhịp với nhiệm vụ khá nhanh. Đến nay, tất cả các sĩ quan của Việt Nam công tác tại phái bộ cũng đã có những vị trí nhất định ở các địa bàn khác nhau.

Một khó khăn nữa là về khắc nghiệt do điều kiện thời tiết. Khi chúng tôi được triển khai sang công tác tại địa bàn Nam Sudan là vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Đây là một địa bàn rất hoang sơ, môi trường sống rất khó khăn, đặc biệt về bệnh sốt rét. Nếu chúng ta không có sự bảo hộ phù hợp thì tỉ lệ mắc sốt rét là cao. Tiếp đó là điều kiện về sinh hoạt, nước uống, rau xanh… Khi chúng tôi sang Nam Sudan thì hầu hết các sĩ quan đều được điều động đi công tác ở địa bàn, cách xa trung ương. Tại đây điều kiện canh tác, trồng rau xanh để cải thiện thực phẩm thì rất khó khăn, do thời tiết khô hạn.  

Tuy nhiên, trước những khó khăn như vậy, với tinh thần, ý chí đã được rèn luyện trong lực lượng công an nhân dân, với sự chuẩn bị tốt, mỗi sĩ quan luôn xác định: Đây là niềm vinh dự và tự hào. Chúng tôi luôn tìm mọi biện pháp để khắc phục, thích nghi nhanh với môi trường làm việc, đáp ứng mọi công tác mà phái bộ giao cho.

PV: Ngoài các nhiệm vụ chính, quan hệ của tổ công tác với người dân địa phương như thế nào, thưa anh?

Trung tá Bùi Phương Lân: Mỗi cán bộ chiến sĩ luôn luôn nắm vững và thực hiện tốt nhiệm vụ mà phái bộ giao cho, ở từng vị trí cụ thể. Về mối quan hệ với người dân địa phương, trước hết mỗi cán bộ chiến sĩ luôn xác định đây là một nhiệm vụ hết sức vinh dự và tự hào.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chúng tôi luôn luôn chú trọng và đề cao việc xây dựng hình ảnh đất nước. Đặc biệt là xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, giàu truyền thống văn hóa, sẵn sàng giúp đỡ và là đối tác tin cậy của các nước bạn. Chúng tôi luôn cố gắng truyền tải đến cho người dân địa phương giá trị của hòa bình và tinh thần yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam.

Chúng tôi có những kỷ niệm đẹp với những người dân địa phương. Khi có dịp tiếp xúc với người dân, chúng tôi nói mình là người Việt Nam, ở một đất nước rất xa đến đây với tinh thần yêu chuộng hòa bình, hỗ trợ các bạn. Khi người dân nghe hai từ “Việt Nam” thì thái độ và sắc mặt của họ thay đổi ngay. Người dân thể hiện rõ niềm vui, niềm hân hoan và thái độ tôn trọng. Người dân địa phương nói rằng: Ồ Việt Nam cơ à, Việt Nam đáng tự hào lắm, Việt Nam giỏi lắm…Khi nhắc đến hai từ “Việt Nam” thôi, người dân địa phương đã thể hiện một sự trân trọng và quý mến. Đây có thể nói là một niềm tự hào và động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, khi tương tác với người dân thì luôn trên tinh thần xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện và tốt đẹp nhất.

PV: Việc xây dựng mối quan hệ giữa chúng ta và lực lượng gìn giữ hòa bình của các nước khác đóng trên địa bàn như thế nào, thưa anh?

Trung tá Bùi Phương Lân: Trong quan hệ công tác, mỗi tổ công tác luôn đảm đương và thực hiện các trách nhiệm theo nhiệm vụ mà phái bộ phân công cho đầu mối của từng quốc gia. Với tinh thần luôn luôn xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, khi tương tác với các đầu mối quốc tế chúng tôi cũng luôn giữ được tinh thần này.

Cán bộ chiến sĩ luôn thể hiện người Việt Nam là thân thiện, yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác đáng tin cậy. Hình ảnh người sĩ quan công an nhân dân Việt Nam với truyền thống anh hùng vẻ vang, tích cực, mưu trí và linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong công việc.

Từ các thành tích hoạt động của các sĩ quan công an nhân dân Việt Nam tại các phái bộ đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và của lực lượng công an nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

PV:  Xin cảm ơn anh!

Từ khóa: Việt Nam, trung tá, công an, gìn giữ hòa bình, nam sudan, Việt Nam, người dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ

Thể loại: Nội chính

Tác giả: trọng phú/vov.vn (thực hiện)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập