Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc
Cập nhật: 04/04/2020
Quan hệ sâu đậm giữa CIA và tình báo Ukraine trong xung đột với Nga
Nga tấn công dữ dội Ukraine trên thực địa, sẵn sàng cho mọi kịch bản
VOV.VN - Cách đây không lâu, ít ai ngờ được bệnh truyền nhiễm Covid-19 sẽ có tới 1 triệu người mắc chỉ trong thời gian ngắn, với hơn 53.000 ca tử vong.
Cho tới ngày 3/4/2020 thì virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (thủ phạm gây ra bệnh Covid-19) đã lây nhiễm cho hơn 1 triệu người trên thế giới – một mốc lớn mà dịch bệnh này đã đạt được một cách đáng sợ chỉ sau 4 tháng kể từ khi phát hiện ca đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Hơn 53.000 người đã tử vong do đại dịch này (tính đến ngày 3/4/2020).
Các nhân viên y tế làm việc bên trong một lều phân loại tại một bệnh viện ở Italy trong đợt dịch Covid-19, tháng 3/2020. Ảnh: Bloomberg. |
Khi virus gây bệnh Covid-19 lần đầu được phát hiện, các bác sĩ so sánh nó với Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (viết tắt bằng tiếng Anh là SARS) khiến 8.000 người bị mắc, chủ yếu là châu Á hồi năm 2003. Trong khi đó bệnh Covid-19 có tính lây rất cao và không bộc lộ triệu chứng ở một số ca bệnh, do đó nó nhanh chóng làm lu mờ nhiều đợt dịch bùng phát gần đây cả về quy mô và độ lớn. Chỉ còn chưa đến 20 quốc gia trên thế giới là chưa ghi nhận ca nhiễm nào.
Một số người cho rằng số ca nhiễm SARS-CoV-2 thực sự còn cao hơn nhiều nữa vì một số bệnh nhân không có triệu chứng và nhiều nước không có điều kiện thực hiện xét nghiệm diện rộng.
Mỹ hiện có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới (hơn 245.000 ca), theo con số của Đại học Johns Hopkins, tổ chức đã tổng hợp dữ liệu thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các chính phủ, Tổ chức Y tế Thế giới và truyền thông địa phương.
Italy đang là quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới (tính đến thời điểm hiện nay), với khoảng 14.000 trường hợp thiệt mạng do dịch bệnh này, theo sau là Tây Ban Nha.
Khi việc đi lại bị hạn chế trên quy mô toàn cầu và hàng triệu người phải cách ly, phong tỏa ở các mức độ khác nhau để ngăn dịch lây lan thì cuộc khủng hoảng y tế đã biến thành cả khủng hoảng kinh tế. Dự báo kinh tế thế giới sẽ sụt giảm 2% trong nửa đầu năm 2020. Hoạt động thương mại đã ngưng ở nhiều khu vực, và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được dự báo có thể lên tới 30% trong quý 2.
Đường phố New York (Mỹ) vắng vẻ vào ngày 1/4/2020 do đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg. |
Dưới đây, chúng ta cùng nhìn lại hành trình vừa qua của “quái vật” Covid-19:
Mầm bệnh trỗi dậy
Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu bộc lộ triệu chứng vào ngày 1/12/2019 ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, theo một nghiên cứu được đăng ngày 24/1/2020 trên tạp chí y khoa Lancet.
Ngày 16/12/2019, các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán gửi các mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân khác bị sốt kéo dài đi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân này có virus giống SARS.
Ngày 30/12/2019, Ai Fen – trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện này đăng tải lên mạng xã hội Trung Quốc bức ảnh về một báo cáo của bên xét nghiệm. Bức ảnh này được một số bác sĩ khác chia sẻ lại trên mạng. Cảnh sát địa phương đã quở trách các bác sĩ này về việc “tung tin đồn”.
Vào cuối tháng 12/2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu đưa tin ở mức độ nhẹ về virus SARS-CoV-2 và việc điều tra các trường hợp mắc bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán. Đây là lần đầu tiên nhiều người ở Trung Quốc đại lục và trên thế giới được biết về sự tồn tại của một loại virus như vậy.
Vào ngày 3/1/2020, Singapore, Hong Kong, và Đài Loan (Trung Quốc) đã thực hiện việc đo thân nhiệt tại các sân bay đối với các hành khách đến từ Vũ Hán – một trung tâm vận tải và sản xuất của miền trung Trung Quốc.
Virus mở rộng ra khỏi Vũ Hán
Vào ngày 11/1/2020 một nhóm các nhà khoa học ở Thượng Hải đã xác định được toàn bộ bộ gen của virus SARS-CoV-2 và xuất bản thông tin này trên trang virological.org, một diễn đàn trao đổi trực tuyến dành cho các nhà dịch tễ học. Điều này cung cấp cho các nhà nghiên cứu trên thế giới một cách thức nhận diện virus ở bệnh nhân và thế là các ca nhiễm đã nhanh chóng được phát hiện ở Vũ Hán.
Thái Lan xác nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 13/1/2020. Ba ngày sau, có ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Nhật Bản. Các ca nhiễm cũng được ghi nhận ở thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Quảng Đông (miền nam Trung Quốc) vào khoảng ngày 20/1/2020, cùng ngày đó chuyên gia Trung Quốc về bệnh truyền nhiễm là Chung Nam Sơn xác nhận trên truyền hình nhà nước Trung Quốc là virus này đang lây nhiễm từ người sang người.
Mọi thứ leo thang nhanh chóng từ thời điểm này. Từ đây chính quyền Trung Quốc bắt đầu các biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh. Vào ngày 23/1/2020, một ngày trước khi Tết Nguyên Đán của Trung Quốc, Vũ Hán được đặt trong tình trạng phong tỏa, giao thông ngừng lại và việc giới hạn đi lại được áp đặt với người vào và ra khỏi thành phố này. Việc cách ly được mở rộng tới các thành phố quanh Vũ Hán và cuối cùng là toàn tỉnh Hồ Bắc với dân số khoảng 60 triệu người.
Sai lầm và sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc trong chống dịch Covid-19
Tấn công châu Á
Tổ chức Y tế Thế giới công bố dịch Covid-19 là một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 30/1/2020, cho phép tổ chức này điều phối hoạt động phản ứng giữa các quốc gia và khuyến nghị các hành động về mặt chính sách, bao gồm việc hạn chế đi lại.
Philippines thông báo ca tử vong đầu tiên do Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục, là một nam giới 44 tuổi. Làn sóng lây nhiễm bắt đầu quét qua châu Á, và đặc khu hành chính Hong Kong bắt đầu đóng cửa trường học và công sở.
Tại Nhật Bản, hơn 3.600 hành khách trên du thuyền Diamond Princess đã được cách ly ngay trên tàu do lo ngại họ có thể làm lây nhiễm lên người dân ở trên bờ. Căn bệnh này sau đó lan truyền trên chính du thuyền này và cuối cùng khiến hơn 600 hành khách mắc bệnh. Ít nhất 6 người đã tử vong.
Hàn Quốc bùng nổ số ca nhiễm SARS-CoV-2 để trở thành tâm dịch lớn thứ 2 châu Á vào lúc đó sau khi một bệnh nhân đã làm lây lan bệnh này cực nhanh bên trong Tân Thiên Địa - một giáo phái hoạt động khá kín đáo ở quốc gia này. Tuy nhiên nỗ lực xét nghiệm diện rộng sau đó đã giúp Hàn Quốc khống chế được dịch bệnh trong các tuần sau đó mà không cần phải phong tỏa hay đóng cửa các doanh nghiệp.
Ở Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 bùng phát thành hàng chục ngàn ca. Riêng ngày 13/2/2020 nước này ghi nhận thêm tới gần 15.000 ca nhiễm mới, sau khi giới chức cho hay phương pháp xác định đã được thay đổi. Hệ thống y tế ở Hồ Bắc đã suy sụp do bị quá tải. Bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị y tế, nhiều nhân viên y tế cũng bị nhiễm bệnh – tình hình mà sau đó đã lặp lại ở Italy, Tây Ban Nha, và Mỹ. Bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng – một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus SARS-CoV-2, đã qua đời sau khi nhiễm chính virus này.
Tâm chấn chuyển sang châu Âu
Pháp chứng kiến ca tử vong đầu tiên do Covid-19 ở châu Âu, vào ngày 14/2/2020 – điềm báo về sự chuyển đổi tâm dịch. Châu Âu sau đó nhanh chóng ghi nhận các ca nhiễm mới mỗi ngày, ở mức độ vượt qua cả Trung Quốc lúc đỉnh dịch. Sự bùng nổ dịch Covid-19 ở Iran, nơi ca bệnh đầu tiên được xác nhận vào ngày 19/2, là lời cảnh báo về sự khó khăn mà các nước nghèo phải đối mặt khi khống chế virus này.
Italy trở thành tâm dịch ở châu Âu sau khi virus SARS-CoV-2 bám chắc ở khu vực giàu có phía bắc của đất nước vào giữa tháng 2/2020. Các thành phố Italy được phong tỏa từ ngày 22/2/2020 và lệnh phong tỏa này được mở rộng ra toàn quốc vào ngày 9/3/2020. Các ca tử vong do Covid-19 ở Trung Quốc nhanh chóng bị vượt qua bởi Italy – đất nước có dân số già nhất châu Âu. Ở nước Tây Ban Nha láng giềng, số người tử vong tăng lên mức cao thứ 2 trên thế giới. Tình trạng khẩn cấp được ban bố vào ngày 14/3/2020.
Cả Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thái tử Anh Charles đều nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Thủ tướng Đức Angela Merkel được cách ly vào ngày 22/3 sau khi bác sĩ của bà dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong lúc đó, một cựu Bộ trưởng Pháp đã tử vong do Covid-19. Cả Pháp và Đức đã bơm hàng tỷ euro vào ổn định nền kinh tế của mình.
Dịch bệnh Covid-19 có làm tan rã Liên minh châu Âu (EU)?
Nước Mỹ thức giấc
Mỹ thông báo ca tử vong đầu tiên của mình do Covid-19 vào này 29/2/2020 nhưng các ca nhiễm mới được phát hiện vẫn còn thấp trong một thời gian do mức độ xét nghiệm thấp.
Đến ngày 11/3, WHO tuyên bố Covid-19 là một đại dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 13/3 đã tuyên bố dịch bệnh này là một tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi trước đó hạ thấp mức rủi ro về bệnh dịch bùng phát. Khi việc xét nghiệm được mở rộng, các ca nhiễm ở Mỹ tăng vọt và bang New York trở thành một điểm nóng mới của virus SARS-CoV-2.
Số ca nhiễm ở thành phố này đã vượt tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào ngày 30/3 khi các bệnh viện ở New York phải vật lộn với tình trạng thiếu các thiết bị y tế thiết yếu như là máy thở. Các bác sĩ và điều dưỡng nào mà công khai nói về tình trạng thiếu thốn thiết bị bảo hộ dành cho bản thân họ thì có nguy cơ đối mặt với sự trả đũa từ các bệnh viện.
Tổng thống Trump đã ký một gói kích thích 2.000 tỷ USD cung cấp các khoản vay và trợ giúp cho các công ty lớn, bao gồm các hãng hàng không.
Nhiều ngườiở Mỹ mất việc, khi các thành phố kêu gọi làm việc tại nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Hôm 2/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết hơn 6,65 triệu người Mỹ trong tuần qua xin được trợ cấp thất nghiệp.
Lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai
Khi châu Âu và Mỹ đang vật vã tìm cách làm chậm đà lây lan của Covid-19 thì các thành phố châu Á từng khống chế được làn sóng lây nhiễm thứ nhất từ Trung Quốc bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm mới, lần này là ở những người từ phương Tây đi sang.
Dữ liệu từ Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nội địa vào ngày 19/3 nhưng Trung Quốc lại phát hiện các ca nhiễm ở cửa khẩu. Singapore và vùng lãnh thổ Hong Kong chứng kiến đợt tăng ca nhiễm lớn nhất trong một ngày là vào ngày 20/3, chủ yếu là ca nhập cảnh. Họ bắt đầu thắt chặt các biện pháp phòng ngừa, cách ly và theo dõi các ca nhiễm mới.
Tại Ấn Độ, chính phủ nước này ra lệnh phong tỏa toàn quốc, đây là cuộc phong tỏa lớn nhất thế giới, với đối tượng trong diện phong tỏa là hơn 1,3 tỷ dân.
Các nhà dịch tễ học cho hay, sau khi các nước khống chế được đợt bùng phát thứ nhất, virus vẫn có thể trở lại trong các đợt sau, giống như đại dịch cúm năm 1918.
Việc một bộ phận dân cư nhiễm bệnh nhưng lại không bộc lộ triệu chứng nào và có khả năng làm lây lan virus sang người khác khiến dư luận lo ngại dịch bệnh chưa chắc đã được khống chế xong trong vài tháng tới./.
Từ khóa: Covid-19, lây nhiễm toàn cầu, đại dịch, hành trình lây nhiễm, SARS-CoV-2
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN