Hàng nghìn hộ dân vùng sạt lở ở Yên Bái bao giờ có thể yên tâm trở về nhà?

Cập nhật: 7 giờ trước

VOV.VN - Theo thống kê, trong số 54 người chết vì mưa lũ tại tỉnh Yên Bái vừa qua có tới 50 người chết do sạt lở đất, hàng chục người bị thương phải điều trị tại các cơ sở y tế.

Qua kiểm tra, khảo sát tại thành phố Yên Bái đã có hơn 470 điểm sạt lở; hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở, gần 1.000 hộ dân đã phải di dời và chuẩn bị di dời. Trước thực trạng này, giải pháp nào để hàng nghìn hộ dân có thể khắc phục sạt lở, trở về nhà mình sinh sống an toàn là câu hỏi chưa thể trả lời trong ngày một ngày hai. 

Theo nhiều người dân, chưa khi nào ở Yên Bái lại mưa nhiều với lượng nước lớn như năm nay, đặc biệt đêm 9/9, rạng sáng 10/9, nhiều thời điểm mưa như những máng nước xối xả dội xuống.

Trong khi đó, nước lũ trên sông Hồng cũng vô cùng khủng khiếp khi đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay, ở mức 35,73m, trên báo động 3 là 3,73m (mức lũ lịch sử năm 1968 là 34,42m). Mưa lũ cùng sạt lở đất liên tiếp xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng, mất nhà cửa, nhiều gia đình phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình công cộng, đê điều, cầu cống bị phá hủy, hư hỏng nặng… Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 4.635 tỷ đồng.

Những ngày qua, tại Yên Bái nước trên sông Hồng đã xuống thấp, tình trạng ngập úng chỉ còn xảy ra ở một số điểm trũng, hàng vạn người dân vùng lũ Yên Bái có thể trở về sửa chữa nhà cửa, khôi phục cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hàng nghìn hộ dân vẫn chưa yên tâm trở về tổ ấm của mình do nguy cơ sạt lở đất rình rập, nhiều hộ còn không còn nơi để về vì nhà đã sập hoàn toàn.

Đoạn đường Điện Biên, khu vực km2, gần ngã tư Cao Lanh, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, các lực lượng chức năng vẫn căng dây cấm đường. Tại khu vực này trong những ngày qua đã xảy ra nhiều vụ sạt lở ta-luy, làm chết 2 người, một số ngôi nhà hai bên đường bị sập đổ. Đây từng là tuyến đường sầm uất nhất ở thành phố, những ngày qua những mảng tường gạch, bê tông vụn vỡ hòa lẫn trong đống bùn đất, cây cối gãy đổ kéo dài hàng trăm mét rất tan hoang. 

Hiện đất đã ngấm no nước, cây cối trên đỉnh đồi ngả nghiêng chỉ trực chờ sạt xuống khi có mưa lớn. Phía sau dãy nhà hai bên đường là những ta-luy dựng đứng cao hơn nóc nhà 3, 4 tầng, hiện đã lở loét nham nhở nên ai cũng kinh hãi khi qua khu vực này.

Ông Đỗ Việt Bắc, người đã sinh sống hơn nửa thế kỷ ở khu vực này chia sẻ, trước đây ở khu vực này đã từng có sạt lở nhỏ, để đảm bảo an toàn nhiều hộ dân đã bạt mái, xây kè. Đợt này, mưa lớn kéo dài nên đất hóa bùn. Phía sau nhà ông không có ta-luy cao, nhưng từ đỉnh núi, cả mảng đất đầy bùn lao xuống xô đổ ngôi nhà, cuốn phăng ra ngoài đường. Rất may, nhờ được cảnh báo trước nên cả gia đình đã thoát ra khỏi nhà trước khi sạt lở. Toàn bộ tài sản đã bị chôn vùi trong đống đổ nát, hiện 9 thành viên đang phải tạm đi ở nhờ nhà người quen. 

Ông Đỗ Việt Bắc cho biết: "Đất đá từ trên đỉnh phi xuống chứ không phải sạt lở ngang nhà đâu. Ta - luy toàn đá không sao, bây giờ chỉ cần cắt trên đỉnh 1/3 đến 1/2 là hết sạt."

Tại đường Yên Ninh, khu vực gần Bệnh viện Nội tiết tỉnh Yên Bái, thuộc tổ 7 phường Yên Ninh, hàng chục hộ dân cũng phải di dời đi ở nhờ sau khi chứng kiến một ngôi nhà 3 tầng bất ngờ đổ sập, đất đá từ trên các đồi cao ào xuống, chưa kể những vết nứt đã xuất hiện trên các ta luy.

Ông Đỗ Anh Hải, người dân ở đây cho biết: "Gia đình cũng muốn hạ thấp ta - luy xuống cho đỡ sạt lở. Sau này địa phương hỗ trợ như thế nào thì chưa biết chứ còn kinh tế gia đình bây giờ khó khăn, không đủ khả năng."

Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết, hiện toàn thành phố Yên Bái có gần hơn 470 điểm sạt lở, hơn 60 điểm có nguy cơ sạt lở, hơn 700 hộ dân đã phải di dời và gần 300 hộ khác sắp phải di dời do nhà cửa bị sạt lở và nguy cơ cao. Diễn biến thời tiết vẫn rất phức tạp, chính quyền thành phố tiếp tục khuyến cáo người dân chưa trở về nhà. 

Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: "Thành phố hiện nay cũng đang rất tích cực tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm liên quan đến sạt lở đất để bà con nâng cao ý thức phòng chống. Về lâu dài, chúng tôi cũng đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để có kế hoạch giảm độ dốc ta-luy, đỡ nguy hiểm cho người dân sống ở gần các khu vực có ta - luy cao."

Yên Bái là địa phương nằm ở khu vực có địa hình đồi núi phức tạp, mặt bằng ít nên tỷ lệ người dân sinh sống dưới chân các đồi núi, ta luy là rất cao. Hiện nay, nhiều khu vực ở thành phố Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu… đều đối mặt với nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, độ ẩm đất tại những nơi này đã vượt ngưỡng 85%, khiến nguy cơ sạt lở đất, đá và lũ quét ở mức rất cao, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sườn đồi, khe suối.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Yên Bái cho biết, trong những tháng gần đây, địa phương có mưa nhiều đã làm cho các tầng lớp đất đá bở nhão, kết dính kém nên dễ xảy ra sạt lở, lũ quét. Với đặc thù địa hình, nhiều người dân san tạo mặt bằng ven đồi cao, khe núi để làm nhà ở nên mất an toàn trong mùa mưa bão. 

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, trước mắt các hộ dân cần phải tuân thủ nghiêm túc việc di dời của chính quyền địa phương, tuyệt đối không trở về nhà khi chưa an toàn. Chính quyền địa phương cần phải bố trí các lực lượng túc trực thường xuyên để canh gác tại các tuyến đường nguy hiểm, không để cho người dân quay trở lại nhà khi chưa đảm an toàn. 

Các hộ dân sống tại các vùng có nguy cơ và chính quyền địa phương sở tại cần phải chủ động kiểm tra theo dõi khu vực mình sinh sống để kịp thời di dời khi có nguy cơ sạt lở và báo cáo cơ quan chức năng để có phương án phù hợp. 

Ông Nguyễn Xuân Sang nói: "Về lâu dài, chúng tôi khuyến cáo chính quyền các địa phương và người dân khi làm nhà cửa và xây dựng cơ sở hạ tầng cần chọn những địa điểm an toàn. Khi đánh đất làm nhà phải tuân tủ các quy định, quy chuẩn để đảm bảo an toàn. Chính quyền các địa phương cũng phải tăng cường công tác kiểm soátt, nắm bắt tình hình, không để người dân xây dựng nhà cửa và các xưởng sản xuất tại nơi thường xuyên xảy ra ngập úng, lũ lụt, sạt lở đất..."

Hiện nay, Yên Bái đang đề nghị Trung ương xây dựng một bản đồ sạt lở đất trên phạm vi cả nước với tỷ lệ lớn hơn để quy hoạch các cơ sở sản xuất, bố trí các khu dân cư đảm bảo an toàn. Ngoài ra, đề xuất Trung ương bố trí di dân, xây dựng các khu tái định cư cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống.

 

Từ khóa: Yên Bái, sạt lở, hộ dân, Yên Bái, cơ sở, y tế, hàng nghìn, thiệt hại, bão số 3

Thể loại: Xã hội

Tác giả: đinh tuấn/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập