Hàng hóa Tết dồi dào, sức mua giảm so với năm trước
Cập nhật: 08/02/2021
VOV.VN - Các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ Tết tại các chợ dân sinh, siêu thị đều dồi dào và phong phú, tuy nhiên lượng mua giảm hơn năm trước.
Những ngày gáp Tết Đinh Sửu tại Hà Nội đang tràn ngập không khí mua sắm các mặt hàng thiết yếu đón Xuân. Từ các chợ truyền thống cho đến các siêu thị, mật độ người dân thăm quan mua sắm đã có phần náo nhiệt hơn những ngày trước đây.
Thực phẩm thiết yếu ngóng người mua
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Châu Long, chợ Ngọc Hà, chợ Hôm, chợ Mơ…ngày 8/2 cho thấy, hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết đều có giá ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ so với tuần trước. Giá thịt gà, thịt lợn giảm thêm 5.000 đồng/kg so với tuần trước; Giá các loại hải sản như cá, tôm, ngao, mực không có biến động. Giá các loại hàng khô hay rau xanh đang vào chính vụ lại gặp thời tiết tốt nên nguồn cung phong phú, giá giảm.
Đáng chú ý, mặc dù hàng hóa Tết năm nay dồi dào và phong phú, song 1 phần do tinh thần chống dịch Covid-19 nên sức mua rất thấp. Nhu cầu về hàng hóa Tết dịp này đã có nhiều thay đổi, khi các hệ thống siêu thị luôn mở cửa cả trong những ngày nghỉ Tết nên người dân không còn tâm lý mua sắm với số lượng nhiều, đi chợ mua sắm theo nhu cầu hàng ngày vì không còn lo khan hiếm hàng hóa.
Chị Hoàng Thị Hương, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại chợ Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thường mọi năm những ngày này sức mua hàng rất mạnh, mỗi ngày chị bán ra khoảng hơn 100kg thịt lợn. Nhưng năm nay, sức mua của người dân giảm nhiều, từ ngày 20 Âm lịch trở lại đây, mỗi ngày chỉ bán được hơn 60kg.
“Dịch Covid-19 khiến người dân có tâm lý tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm. Thực phẩm thì ai cũng phải ăn nhưng giờ người ta mua ăn theo ngày, theo bữa để đảm bảo chất lượng, tươi ngon. Nhu cầu thay đổi nên sạp hàng của mình sẽ phục vụ đến chiều 30 Tết”, chị Hương cho hay.
Tại các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội như Co.opmart, Hapro, Vinmart, Big C hiện nay đang có đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng hóa Tết. Dịp này, các siêu thị cùng tung nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích thích nhu cầu mua sắm.
Anh Trịnh Văn Linh, phụ trách bán hàng của siêu thị Vinmart Cầu Giấy chia sẻ: Từ 2 tuần nay, lượng hàng hóa về siêu thị đã tăng 50% so với trước đó. Đặc biệt, các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết như thực phẩm, thủy sản, hoa quả, bánh mứt kẹo đã được các nhà cung ứng đưa về theo đúng hợp đồng để kịp thời phục vụ người dân.
“Nhìn chung sức mua sắm Tết của người dân có giảm hơn so với mọi năm. Phần lớn người mua sắm với số lượng ít, đơn hàng trung bình dưới 1 triệu đồng nên không tạo ra tình trạng khan hàng cục bộ. Siêu thị cũng cam kết không để thiếu hụt hàng hóa hoặc tăng giá trong bất cứ hoàn cảnh nào để phục vụ người dân có cái Tết vui, an toàn”, anh Linh nói.
Hoa tươi, thời trang đua nhau xả hàng
Các mặt hàng khác trong dịp Tết này cũng có nguồn cung phong phú, giá không cao. Nhiều chợ hoa mới được thiết lập trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) từ gần 1 tháng nay đã xuất hiện vô số các loại hoa. Gặp dịp thời tiết ấm áp, các loại hoa như đào, mai đều nở sớm khoe sắc, nhưng lượng người mua ít khiến nhiều chủ hàng lo lắng.
Anh Trần Thuyết, bán hoa lan ở đường Cổ Linh (Long Biên) cho biết, hoa địa lan, lan hồ điệp những năm trước giá cao nhưng vẫn có nhiều người mua chơi Tết. Nhưng năm nay hoa đẹp, giá thấp nhưng vắng khách nên hiện cửa hàng đang phải giảm giá để thu hồi vốn.
“Khách mua lèo tèo nên mình phải treo biển hạ giá và khuyến mại “mua 1 tặng 1” mong bán nhanh để thu hồi vốn. Địa lan giờ chỉ bán 80.000 đồng/cành. Năm nay nhiều người buôn bán hoa đang cầm chắc thua lỗ”, anh Thuyết buồn bã nói.
Quần áo, giày dép thời trang dịp Tết cũng là mặt hàng được nhiều bạn trẻ quan tâm mua sắm trong những ngày này. Ở phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm), từ 1 tuần nay các cửa hàng đã tận dụng vỉa hè làm nơi xả hàng Thu Đông cũng như những mẫu hàng Xuân Hè cho dịp Tết. Tại đây không khí có phần náo nhiệt nhưng theo quan sát, lượng khách hàng trẻ đến xem vẫn nhiều hơn lượng mua…
Nói về tình hình hàng hóa Tết, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, kế hoạch phục vụ hàng hóa Tết năm 2021 với bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, Sở khuyến khích người dân mua sắm online.
“Nhằm đưa hàng bình ổn giá đến với người tiêu dùng dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai 12.443 điểm bán hàng bình ổn giá, các hội chợ hàng hóa nông sản, thực phẩm trong tháng 1 và tháng 2 với quy mô dự kiến khoảng 300 gian hàng; tổ chức 88 chợ hoa Xuân phục vụ Tết, nhiều chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp”, bà Lan thông tin.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – ông Trần Duy Ðông, đến thời điểm này nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán không thiếu, không có tình trạng "sốt" hàng hoặc giá cả tăng cao đột biến do chương trình bình ổn thị trường đã được nhiều địa phương như Hà Nội tập trung triển khai tốt.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đến nay, về cơ bản nguồn cung hàng hóa thiết yếu của các địa phương bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa không có biến động bất thường”, ông Đông cho biết thêm./.
Từ khóa: hàng hóa tết, thực phẩm tết, hoa quả tết, quần áo tết, bánh kẹo tết
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN