Hàn-Triều “ăn miếng, trả miếng” và chính sách ngoại giao tự thân của Triều Tiên
Cập nhật: 18/06/2020
VOV.VN - Các đe dọa "ăn miếng, trả miếng" gần đây giữa Hàn Quốc và Triều Tiên càng khiến Bình Nhưỡng củng cố thêm chính sách ngoại giao tự thân.
Sau sự việc rải truyền đơn tại khu vực biên giới Hàn-Triều có nội dung phê phán Triều Tiên, Triều Tiên liên tục có những động thái mạnh như cắt đứt liên lạc với phía Hàn Quốc, phá bỏ Văn phòng liên lạc chung liên Triều khiến quan hệ hai bên hết sức căng thẳng. Hai bên “lời qua, tiếng lại”, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố từ chức…và cũng chưa biết điều gì tiếp sẽ xảy ra. Khu vực Đông Bắc Á như bắt đầu trải qua những vụ động đất nhiều cấp độ và dư chấn có thể kéo dài, vỡ bung.
Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung liên Triều. Ảnh: Reuters |
Ăn miếng, trả miếng
Ban đầu, Triều Tiên tìm cách yên lặng, không muốn thực hiện các cuộc liên lạc với Hàn Quốc thông qua văn phòng liên lạc chung vốn đã thực hiện trước đó từ tháng 1 năm nay. Trên thực tế, tại văn phòng này các cuộc tiếp xúc, giao lưu vẫn được tiến hành, và chỉ bị ngừng tạm thời khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hàn Quốc. Theo thông lệ, cứ 9h sáng và 5h chiều hàng ngày, hai bên đều có liên lạc, thông báo những thông tin cần thiết. Ngày 9/6, Triều Tiên không giải thích mà đột ngột ngừng liên lạc và sau đó, đưa ra cảnh báo sẽ có thể phá bỏ văn phòng liên lạc, đồng nghĩa với việc có thể “cắt đứt” quan hệ với Hàn Quốc.
Vào ngày 15/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một thông điệp gửi đi nhân kỷ niệm 20 năm ký kết Tuyên bố chung liên Triều cho rằng, “sự thù địch và hiểu lầm không thể ngăn chặn nỗ lực vì hòa bình” và không thể “đóng cửa đối thoại”. Ông cũng nhấn mạnh cần phải giải quyết vấn đề bằng sự hợp tác, thấu hiểu và nếu có trở ngại nào thì phải thông qua đối thoại bằng trí tuệ để vượt qua điều này. Thứ quan trọng hơn bất cứ thứ gì, đó là lòng tin giữa hai bên và phải xây dựng lòng tin thông qua đối thoại. Hòa bình không thể thực hiện trong một sớm một chiều, và cũng không thể thay đổi vì một ai đó. Nếu hai bên liên kết, chắc chắn sẽ mở ra thời kỳ hợp tác.
Tuy nhiên, Triều Tiên không hài lòng về cách xử lý của Hàn Quốc và quyết ra tay hành động. Chỉ khi những đám mây khói xám xịt lơ lửng trên trời, Hàn Quốc mới giật mình. Triều Tiên công khai hình ảnh phá bỏ Văn phòng liên lạc ngay sau đó, “bố cáo thiên hạ” về sự thẳng tay đầy quyết đoán của mình.
Không chỉ vậy, chỉ một ngày sau khi phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều, theo Đài KBS của Hàn Quốc, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, bà Kim Yo-jong đã có bài phát biểu với tiêu đề đầy khiêu khích: "Khó chịu khi nghe những lời đường mật trơ trẽn", chỉ trích bài phát biểu Tổng thống Moon Jae-in nhân kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều (15/6/2000), cho rằng đầu óc của ông Moon có vấn đề, và nhận xét ông là "đáng ghê tởm".
Dĩ nhiên, Phủ Tổng thống Hàn Quốc gay gắt phản bác lại, khẳng định phát ngôn của Triều Tiên đã làm tổn hại sâu sắc đến niềm tin về mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo hai nước. Đồng thời cảnh báo Seoul sẽ không ngồi yên trước những lời lẽ và hành động vô lý của Bình Nhưỡng.
Riêng Tổng thống Moon Jae-in đã tỏ ý “thất vọng” về hành động của Triều Tiên, và cho rằng những lời nói của bà Kim Yo-Jong chưa từng nghe trong kí ức.
Để thúc đẩy lập trường đối thoại, Hàn Quốc muốn cử đặc phái viên của Tổng thống sang Triều Tiên. Tuy nhiên, theo KCNA, bà Kim Yo-jong cảnh báo Hàn Quốc nên dừng đưa ra các đề xuất "không thực tiễn" như cử đặc phái viên, mà cần hành động cụ thể để “đền bù”, và không có bất kỳ phát ngôn cũng như động thái nào khiêu khích Triều Tiên thêm nữa.
Không thể ngó lơ, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên đơn phương suy đoán thành ý của Hàn Quốc, bác đề xuất cử đặc phái viên nhằm xoa dịu căng thẳng là vô cùng phi lý, cố tình bóp méo thành ý của Seoul.Đồng thời cảnh báo những hành động đó không những không mang lại lợi ích gì, mà chính Triều Tiên phải chịu hậu quả nặng nề.
Rõ ràng hai bên đang “ăn miếng, trả miếng”, dồn ép nhau trong những toan tính riêng. Không loại trừ khả năng xung đột theo từng giai đoạn sẽ âm ỉ lâu dài, và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên lại xa vời trở lại.
Đụng độ quân sự?
Phía Hàn Quốc nhận định rằng Hàn Quốc sẽ nhẫn nại nghe ngóng tình hình, vừa đưa ra những đối phó thích hợp, vừa phải làm thế nào đó để có thể đối thoại với Triều Tiên.
Cùng lập trường, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul ngày 17/6 đã tuyên bố từ chức, nhận mọi trách nhiệm liên quan đến việc quan hệ liên Triều xấu đi như hiện nay.Đây có lẽ là hành động đầu tiên của Hàn Quốc, trước tiên là vấn đề trách nhiệm của một vị Bộ trưởng phụ trách vấn đề Triều Tiên nhận đã “chưa hoàn thành trách nhiệm”, sau cũng có thể là muốn Triều Tiên thấy rằng Hàn Quốc đã có hành động cụ thể, phần nào xoa dịu cơn thịnh nộ, bù đắp “tổn thất” như Triều Tiên mong muốn.
Phó Chủ tịch chỉ huy tác chiến Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeon Dong-jin ngày 17/6 nhấn mạnh hành vi của Triều Tiên sẽ đập tan toàn bộ nỗ lực và thành tựu của hai bên hướng đến phát triển quan hệ liên Triều và duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong suốt 20 năm qua. Ông khẳng định quân đội Hàn Quốc vẫn đang theo sát mọi động tĩnh của Triều Tiên, đồng thời chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Phía Triều Tiên cũng cảnh báo gia tăng quân sự, thiết lập trở lại trạm quan sát tại khu vực phi quân sự hai nước, phái thêm binh lực tới khu vực biên giới… Dù vậy, không ai mong muốn một cuộc đụng độ quân sự Hàn-Triều sẽ xảy ra.
Triều Tiên mong muốn “chính sách ngoại giao tự thân”
Hiện tại, dư luận thế giới vẫn đang “nghe ngóng” tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và chính sự “nghe ngóng” này, có lẽ đã làm cho Triều Tiên mất kiên nhẫn, không muốn tin tưởng ai khi trong vòng mấy năm qua, nỗ lực ngoại giao của nước này dường như là “dã tràng xe cát”.
Gói gọn vấn đề trong quãng thời gian hơn 2 năm qua, kể từ tháng 4/2018, khi Tổng thống Moon Jae-in với những nỗ lực trước đó, thực hiện thành công cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai bên tay bắt, mặt mừng bởi cả hai đều được như ý nguyện. Điều ông Moon mong muốn gặp được ông Kim đã thành hiện thực còn mong muốn của ông Kim về việc thử nghiệm một chính sách mở trong ngoại giao nhằm cải thiện tình hình kinh tế trong nước đã được bắt đầu thuận lợi.
Nhưng mấu chốt vẫn là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Với sự “động viên” của Hàn Quốc và với “quyết tâm mới”, cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều diễn ra vào tháng 6/2018 tại Singapore, với những thỏa thuận ban đầu về tương lai hòa bình trênBBán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp sau đó giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm cùng với các cuộc gặp liên tiếp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim Jong-un, đã làm thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á bao phủ đầy hy vọng về một hòa bình, khu vực phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Hy vọng chưa lâu, cuộc gặp lần 2 Mỹ-Triều được diễn ra với những bất đồng được cho là khó giải quyết. Triều Tiên không mấy vui và có vẻ như không mặn mà lắm với những kế hoạch ngoại giao sau đó. Triều Tiên vẫn rơi vào tình trạng thiếu lương thực, kinh tế gặp khó khăn. Một số nước đã phải viện trợ lương thực cho Triều Tiên.
Khó khăn về kinh tế, nhưng phóng tên lửa, thử hạt nhân vẫn là điều mà Triều Tiên xác định cần làm. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có 14 vụ phóng tên lửa, và chỉ trong 4 tháng đầu năm nay có 5 vụ. Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ nhiều phen giãy nảy, đứng ngồi không yên, lại chỉ trích Triều Tiên nhiều đến mức “nhàm chán”.
Có lẽ sau một thời gian tuy không dài với việc thử nghiệm chính sách ngoại giao mới để phát triển kinh tế, Triều Tiên nhận thấy rằng chính sách này khó mang lại hiệu quả thực cho mình. Không có gì bằng “tự thân vận động”, và có thể “chính sách ngoại giao tự thân” (PV) sẽ giúp ích nhiều hơn cho sự ổn định của đất nước Triều Tiên.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, thế giới tập trung cho chống dịch Covid-19. Triều Tiên chưa có công bố chính thức nào về số người mắc bệnh. Triều Tiên cảm thấy “tự hào” khi không có virus nào xâm phạm lãnh thổ của mình, đặc biệt những “ý đồ lợi dụng” Triều Tiên sẽ khó mà chui lọt. Triều Tiên không thể chờ đợi nhiều từ bên ngoài, bởi điều này dễ khiến Triều Tiên phân tâm trong những chính sách khác. Có thể với lập trường đó, Triều Tiên đã phản ứng gay gắt và hành động quyết liệt như những gì đã xảy ra vừa qua.
Giới phân tích cho rằng, có thể các bên liên quan sẽ nhượng bộ Triều Tiên trong tình hình dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp và kéo dài.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt
Phản ứng của các bên liên quan
Diễn biến mới nhất, theo truyền thông Hàn Quốc Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon đã bất ngờ sang thăm Mỹ.
Trả lời phỏng vấn với báo giới tại sân bay quốc tế WashingtonDulles (Mỹ) ngày 18/6 (giờ Hàn Quốc), Trưởng đoàn đàm phán Lee cho biết chưa thể tiết lộ mục đích và lịch trình chuyến thăm này.Nhiều ý kiến cho rằng, có vẻHàn Quốc và Mỹ sẽ bàn bạc các phương án giảm nhẹ căng thẳng cũng như nối lại đối thoại Mỹ-Triều.
Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao ngày 17/6 cho biết chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc trong trường hợp tác thảo luận để ngăn chặn tình hình xấu thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các động thái tiêu cực, và khẳng định Washington luôn ủng hộ mọi nỗ lực cải thiện quan hệcủa Seoul với Bình Nhưỡng.Về phía Trung Quốc, người phát ngônBộ Ngoại giaoTriệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh mong muốn hòa bình và ổn định được duy trì trên Bán đảo Triều Tiên.
Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để phân tích động thái của Triều Tiên và những diễn biến sau đó.
Tuy vậy, có thể nói tác động của các bên vào quan hệ Hàn-Triều tại thời điểm này sẽ không có nhiều sức mạnh, điều quan trọng Hàn Quốc hành động ra sao và phía Triều Tiên có thỏa mãn với hành động “hàn gắn” của Hàn Quốc hay không? Chỉ e rằng Thỏa thuận Hàn-Triều vẫn đóng băng trên giấy, khi Triều Tiên không ngừng “trả đũa”./.
Từ khóa: căng thẳng Hàn Triều, ăn miếng trả miếng, ngoại giao tự thân, Triều Tiên, tình hình Bán đảo Triều Tiên
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN