Hàn Quốc vươn mình trỗi dậy thế nào từ tro tàn Chiến tranh Triều Tiên?
Cập nhật: 26/06/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Hàn Quốc trải qua chiến tranh huynh đệ tương tàn khốc liệt với Triều Tiên và bị tàn phá dữ dội. Nhưng Hàn Quốc đã trỗi dậy hùng mạnh từ đống tro tàn.
>> Xem Kỳ 1: Trung Quốc kháng Mỹ viện Triều, đè bẹp Quốc dân đảng
Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc đã duy trì liên minh với Mỹ và được Washington che chở. Từ đống tro tàn của chiến tranh, Hàn Quốc vươn mình trở thành một “con rồng” châu Á. Ở một số mặt, “tiểu đệ” Hàn Quốc thậm chí còn vượt qua cả “đại ca” Mỹ.
Dịp kỷ niệm 70 năm ngày nổ ra Chiến tranh Triều Tiên (25/6/2020) cũng là lúc để nhìn lại chặng đường mà Đại Hàn Dân quốc (tên đầy đủ của Hàn Quốc) đã đi qua thời hậu chiến.
Liên minh Hàn Quốc-Mỹ. Ảnh: AFP. |
Trong thời kỳ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên (từ tháng 6/1950 đến tháng 7/1953), hàng triệu người đã thiệt mạng và nhiều nơi trên bán đảo này bị tàn phá. Thế nhưng cuộc chiến chỉ tạm kết thúc bằng một hiệp định đình chiến. Tức là chẳng điều gì được giải quyết cả (hai bên trở lại vạch xuất phát). Cuộc chiến tranh đó kết thúc với sự phân chia dân tộc (vốn dĩ bắt nguồn từ sự chi phối của các nước lớn vào năm 1945) càng thêm sâu sắc.
Bán đảo Triều Tiên là nơi đầu tiên mà nước Mỹ không giành được chiến thắng áp đảo về quân sự. Mỹ và các đồng minh đã không thể đánh bại một cách quyết định quân đội của Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng khi khói súng tan đi, chính Hàn Quốc lại là bên giành được lợi thế trong hòa bình.
Hàn Quốc đã khôn khéo liên minh với Mỹ, đồng thời tích cực làm giàu thông qua việc tham gia đầy đủ vào khối thương mại toàn cầu do Mỹ dẫn dắt.
Kể từ khi Liên Xô và khối Đông Âu XHCN sụp đổ, Hàn Quốc đã điều chỉnh để bớt phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Chẳng hạn, giờ đây cựu thù Trung Quốc đã vượt qua đồng minh Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Tất nhiên di sản thời chiến trong quan hệ Seoul-Washington vẫn còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của quốc gia Đông Bắc Á này trong nhiều lĩnh vực.
Mỹ giúp Hàn Quốc sinh tồn đến nay
Di sản lớn nhất của sự can thiệp quân sự của Mỹ đối với Hàn Quốc là việc quốc gia này vẫn tồn tại được. Trong bối cảnh lực lượng vũ trang nhỏ bé, trang bị kém của Hàn Quốc bị tan rã gần như hoàn toàn vào năm 1950, nếu như Mỹ không can thiệp vào thì chắc chắn Hàn Quốc đã bị xóa sổ và bán đảo Triều Tiên đã được thống nhất dưới chính thể của lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Toàn cầu hóa
Thuật ngữ tiếng Hàn “seygyewha” (có nghĩa là “toàn cầu hóa”) phải mãi đến thập niên 1990 mới có. Nhưng trên thực tế, một quá trình như vậy đã manh nha trong Chiến tranh Triều Tiên.
Lực lượng quân sự đa quốc gia gồm Mỹ và nhiều nước thuộc Liên Hợp Quốc đã giúp Hàn Quốc sống sót trước các đòn tiến công như vũ bão của quân đội Triều Tiên.
Khoảng 1,9 triệu công dân nước ngoài phục vụ trong lực lượng của Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc. Đa số các quân nhân này là người Mỹ nhưng cũng có cả người Colombia, Hy Lạp, Ethiopia, Luxembourg, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ,... Đã xuất hiện rất nhiều hàng hóa thời hiện đại đến từ nhiều nước, bao gồm khẩu phần ăn, thuốc men, xe jeep.
Trong thập niên 1950 này, người Hàn Quốc có dịp nâng cao trình độ và kiến thức của mình về mọi mặt, trở nên quốc tế hóa hơn... Thời đó người Hàn Quốc đã học tiếng Anh do nhu cầu cần thiết lúc đó, tiếng Anh của họ tuy sai ngữ pháp nhưng vẫn mang tính thực tế, phục vụ được việc giao tiếp.
Nâng cao kỹ năng
Người Hàn Quốc thời chiến còn học thêm nhiều kỹ năng mới. Quân đội Mỹ đã huấn luyện các sĩ quan Hàn Quốc, dạy họ về kỹ năng xây dựng mục tiêu, lãnh đạo, lên kế hoạch, và tổ chức, những vấn đề cơ bản về quản lý. Các kỹ sư Hàn Quốc đã được học cách sửa chữa máy móc và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Người dân Hàn Quốc còn có cơ hội học cách buôn bán. Các doanh nghiệp làm cho quân đội Mỹ được học nghiệp vụ kế toán, làm sổ sách, hóa đơn... Một trong các công ty nổi tiếng nhất của Hàn Quốc – hãng Hyundai, khởi đầu bằng việc sửa xe cộ cho Mỹ.
Trung Quốc lâm trận chặn quân Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53
An ninh
Tổng thống thời chiến của Hàn Quốc, ông Lý Thừa Vãn, rất bực mình khi Mỹ chấp nhận ký hiệp đình ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh, khiến bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia đôi (trên thực tế, ông Lý khước từ ký vào văn bản này). Tuy nhiên, Lý Thừa Vãn đã ký một hiệp ước tương trợ quốc phòng với Mỹ. Đây có lẽ là thành tựu lớn nhất của Tổng thống Lý. Hiệp ước cho phép quân Mỹ đóng trên lãnh thổ Hàn Quốc. Điều này bảo đảm an ninh quốc gia cho Hàn Quốc và giúp Hàn Quốc tiết kiệm hàng tỷ USD chi cho quốc phòng.
Thịnh vượng
Tận dụng lợi thế đồng minh của Mỹ, Hàn Quốc đã hội nhập vào khối thương mại toàn cầu do Mỹ lãnh đạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc Hàn Quốc tận dụng được mạng lưới thương mại rộng lớn này đã góp phần quan trọng đem lại thịnh vượng cho họ.
Giữa thập niên 1960, Hàn Quốc đã chớp cơ hội nhận nguồn vốn dồi dào từ đền bù của Nhật Bản cho Hàn Quốc thời thực dân và từ các hợp đồng béo bở với Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam. Lúc này, Hàn Quốc khởi động công cuộc công nghiệp hóa.
Từ thập niên 1960 đến 1990, các chính phủ của Hàn Quốc cưỡng ép hoặc khuyến khích doanh nghiệp trong nước phải xuất khẩu. Mục đích là để kiếm ngoại tệ. Hệ quả (ngoài dự kiến) của việc này là các công ty như Hyundai, Samsung, và LG buộc phải có sức cạnh tranh toàn cầu.
Điều này đặc biệt đúng trên thị trường Mỹ. Các công ty Hàn Quốc đã xây dựng các đầu mối xuất khẩu sớm nhất và lớn nhất.
Dân chủ hóa
Thực ra giai đoạn đầu (từ thập niên 1950), tình hình chính trị ở Hàn Quốc chưa thực sự dân chủ. Thời chiến, họ đã thảm sát hàng chục ngàn công dân của chính mình. Chế độ độc tài còn cầm quyền ở Seoul trong 34 năm sau chiến tranh.
Washington đã gây sức ép ngầm lên các chế độ quân sự ở Seoul theo hướng phải dân chủ hóa. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thậm chí còn can thiệp để cứu một thủ lĩnh đối lập – ông Kim Dae-jung (về sau lên làm Tổng thống Hàn Quốc) khỏi nguy cơ bị các nhân viên tình báo Hàn Quốc thủ tiêu.
Năm 1987, sau nhiều năm biểu tình đường phố, chế độ “một người, một phiếu bầu” đã được thiết lập. Giới tướng lĩnh Hàn Quốc buộc phải rút lui khỏi chính trường.
Văn hóa pop
Văn hóa pop của Hàn Quốc giờ đã trở thành một thương hiệu quốc gia. Văn hóa này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mỹ.
Trong các thập kỷ trước thập niên 1990, người Hàn Quốc không được đi ra nước ngoài và chính binh sĩ Mỹ đóng quân ở đây đóng vai trò kênh liên lạc chính. Lính Mỹ mang văn hóa Mỹ (chủ yếu là âm nhạc và thời trang) đến Hàn Quốc.
Hệ thống phát thanh và truyền hình của riêng quân đội Mỹ đáp ứng cả nhu cầu của người Hàn Quốc trước khi ngành này của Hàn Quốc tự phát triển.
Nghề huấn luyện yêu đương và tán tỉnh ở Hàn Quốc
Bước ngoặt lớn
Hàn Quốc vào năm 1953 là một đất nước nghèo nàn, rệu rã, và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Người ta không dám nghĩ quốc gia này sẽ tồn tại được, chưa nói đến chuyện trở nên giàu có.
Nhưng với chính sách công nghiệp khôn ngoan, Hàn Quốc đã từ con số 0 trở thành người hùng, trở thành một thế lực xuất khẩu toàn cầu chỉ trong vòng 3 thập kỷ hậu chiến. Năm 1987, người dân nước này lật đổ chế độ quân sự, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của họ.
Ngày nay Hàn Quốc là một nền kinh tế trong khối G11, là quê hương của các thương hiệu cấp độ toàn cầu, và sở hữu một cơ sở hạ tầng công nghệ cao sáng láng. Hàn Quốc còn là thành viên tích cực và được nể trọng trong các tổ chức toàn cầu như OECD, WTO, và Liên Hợp Quốc. Một công dân của Hàn Quốc đã trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Môn thể thao quốc gia của Hàn Quốc – Taekwondo, có mặt trong Thế vận hội. Phim ảnh và âm nhạc của Hàn Quốc được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới.
Tất nhiên không phải mọi thứ của Hàn Quốc đều phủ màu hồng. Áp lực cạnh tranh nơi phố thị khiến nhiều thanh niên tự tử. Tình trạng trọng nam khinh nữ rất nặng nề, khiến phụ nữ khó thăng tiến trong sự nghiệp. Trong lĩnh vực tư pháp, nhiều nhà tài phiệt không bị sờ gáy dù có sai phạm...
Nhưng nhìn một cách tổng thể, Hàn Quốc đã có bước tiến ngoạn mục từ tro tàn chiến tranh năm 1953 đến vị thế của ngày hôm nay.
Hiện nay chính người Mỹ cũng nể Hàn Quốc, đất nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Trước đại dịch Covid-19, họ cũng học được nhiều điều từ Hàn Quốc, như tính kỷ luật và khả năng quản lý khủng hoảng./.
Từ khóa: Hàn Quốc, vươn lên sau chiến tranh, vươn lên từ tro tàn chiến tranh, phát triển đất nước, Chiến tranh Triều Tiên
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN