Ham “combo du lịch giá rẻ”, nhiều nạn nhân dính bẫy
Cập nhật: 26/08/2023
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Chiêu trò "Combo du lịch giá rẻ" đã được Bộ Công an ra khuyến cáo, và điểm mặt là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến.
Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng đang nở rộ với vô vàn những chiêu trò tinh vi, thủ đoạn không ngờ mà chỉ đến khi sập bẫy nạn nhân với tỉnh ngộ. Để cảnh báo người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục cập nhật các thủ đoạn mới để người dân nhận biết và phòng tránh. Tuy nhiên, dù có liên tục phát đi cảnh báo nhưng vẫn liên tiếp có những nạn nhân.
Và một hình thức lừa đảo phổ biến mới xuất hiện gần đây, khiến bộ công an phải phát đi thông báo khuyến cáo người dân. Đó là, lừa đảo trên lĩnh vực du lịch.
Đầu tiên phải kể đến là chiêu trò lừa đảo "Combo du lịch giá rẻ". Theo đó, bên cạnh việc quảng cáo rầm rộ trên mạng với các combo du lịch rẻ bất ngờ, để lấy lòng tin và tạo hiệu ứng với khách hàng, các công ty du lịch “ma” này còn tổ chức đưa một số đoàn khách đi du lịch với giá rẻ để tiến hành lừa đảo quy mô lớn. Nhiều nạn nhân mất số tiền từ vài triệu, thậm chí vài trăm triệu để mua gói du lịch cho “10 năm”. Đến khi bị phát hiện, các công ty “ma” bỗng dưng “bốc hơi”.
Từng là nạn nhân của loại hình lừa đảo này, chị P. M (SN 1986, trú tại Thái Bình) cho biết. Cách đây 1 năm, chị nhận được điện thoại qua telesales mời chào tham dự buổi hội thảo giới thiệu các gói du lịch của My Holiday.
Chị M., thông tin, trước khi tham dự sự kiện của My Holiday, vợ chồng chị đã tham dự nhiều buổi giới thiệu về hình thức du lịch nghỉ dưỡng để nhận các voucher tặng khi tham dự. Gia đình chị cũng đã từng sử dụng các voucher này nên cũng tin tưởng vào hình thức này.
Tại sự kiện của My Holiday, theo chia sẻ của chị M., họ giới thiệu 3 khu nghỉ dưỡng họ đầu tư/liên kết sở hữu gồm: Jade Hill Sapa, the Song Đà Nẵng, Nam Nghi Phú Quốc. Ngoài ra còn được trao đổi kỳ nghỉ quốc tế...
Thấy mức chi phí hợp lý gần 107 triệu đồng cho 10 năm, mỗi năm 10 đêm, phù hợp với nhu cầu du lịch hàng năm của gia đình nên chị đã đồng ý tham gia, đăng ký và chuyển tiền qua tài khoản công ty. Quản lý chốt Sale tại sự kiện là tên Thành Duy
“Sau sự kiện 1 vài tuần, quản lý Thành Duy gọi điện báo, khách tham gia sự kiện được mua gói 20 vé máy bay của Vietnam Airlines với giá ưu đãi gần 17 triệu đồng, sử dụng trong 3 năm, được bay nội địa tất cả các chặng trừ Côn Đảo. Duy nói Duy không xoay kịp tiền nên nhờ tôi chung 7 triệu. Sau khi bán được được gói sẽ gửi lại cho tôi 12 triệu. Sau 2 tuần, dù sai hẹn nhưng Duy đã thanh toán cho tôi số tiền này. Ngoài ra, tôi còn kết nối cho bạn Vân mua 1 gói gần 17 triệu đồng dùng để đi công tác nên không bán lại, hiện dùng được 1 vé trong số 20 vé”- chị P.M chia sẻ.
Sau khi hoàn thiện hợp đồng mua gói du lịch, đến đầu tháng 12/2022, chị P.M. tặng cho em chồng chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại Sapa Jade Hill làm quà cưới.
Đến ngày 10/2, chị M. nhận được thông tin My Holiday có dấu hiệu lừa đảo. Từ thông tin này, chị M., kết nối được với 1 nhóm khách hàng là nạn nhân với khoảng 25 người từ Thái Bình, Quảng Ninh. Đến ngày 27/2, My Holiday thông báo trên website và trên Facebook về việc tạm dừng hoạt động
Chị M. cho biết, sau khi vỡ lở, chị và những người trong nhóm có gọi các telesale cũ và sale cũ, thì được cung cấp số của một người tên Cường – là Chủ tịch HĐQT My Holyday. Lúc đầu, người tên Cường này có nghe máy, trả lời tin nhắn, hợp tác vui vẻ và hứa công ty đang giải quyết. Tuy nhiên, về sau, cả nhóm gọi thì thấy Duy đã khóa, Chủ tịch HĐQT Cường vẫn mở máy nhưng không nhấc. Zalo nhóm chat có đọc, có thả tim nhưng không phải hồi.
“Nhóm chúng tôi đã làm đơn gửi lên công an tỉnh Quảng Ninh và Thái Bình từ giữa tháng 3. Ngày 10/4, công an tỉnh Thái Bình đã gọi lên làm việc, ghi nhận thông tin”- chị M. cho biết.
Chị M., chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo bằng hình thức này. Cách đây không lâu, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo người dân một số hình thức lừa đảo trên lĩnh vực du lịch. Cụ thể, theo Bộ công an, lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, đồng thời lợi dụng tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân Việt Nam, các đối tượng tội phạm đã gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân dưới nhiều hình thức.
Theo Bộ Công an, một số phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường xuyên sử dụng như sau: Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa; Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Hoặc, làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Một hình thức lừa đảo nữa là, các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân, tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.
Cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…
Đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Từ khóa: lừa đảo, du lịch, lừa đảo du lịch, bộ công an, combo du lịch giá rẻ,
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN