Hải quân Mỹ từng phá hủy siêu tàu sân bay như thế nào?
Cập nhật: 10/12/2022
VOV.VN - Vào lúc 11h30 sáng 14/5/2005, tàu sân bay USS America đã bị đánh đắm và chìm xuống đáy Đại Tây Dương. Đối với những binh sỹ từng phục vụ trong quân đội Mỹ thời điểm đó, đây là khoảnh khắc lịch sử.
Thủy thủ đoàn của tàu sân bay USS America cho biết, con tàu đã bị đánh đắm một cách có chủ ý, trong cuộc thử nghiệm nhằm đánh giá cách tàu sân bay ứng phó với các cuộc tấn công của đối phương. Mỹ đã thu thập được nhiều dữ liệu vô giá khi hy sinh con tàu này.
Tầm quan trọng của tàu sân bay USS America lớp Kitty Hawk
Ban đầu, Mỹ dự định đóng tàu sân bay USS America chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên do chi phí gia tăng trong quá trình thiết kế và lắp đặt, nên USS America được chỉ định sử dụng năng lượng thông thường. Nó có 4 tuabin hơi nước, cung cấp công suất 280.000 mã lực. Sau khi hoàn thành, con tàu có chiều dài 319m, độ giãn nước tối đa hơn 80.000 tấn. Tàu có thể di chuyển với tốc độ 63km/h, tầm hoạt động 19.000km, mang theo 80 máy bay. Thủy thủ đoàn trên tàu gồm 4.600 người. Nó có thể mang theo 24 tên lửa phòng không Sea Sparrow (chim sẻ biển) và tên lửa đánh chặn tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe Missile (RAM), 3 hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx.
Trong suốt quá trình phục vụ, tàu sân bay USS America hoạt động chủ yếu ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Nó cũng được triển khai đến Thái Bình Dương 23 lần. Trong 3 thập kỷ vận hành tàu sân bay này, Mỹ đã can dự hoặc tham gia trực tiếp vào một số cuộc xung đột như Chiến dịch El Dorado Canyon và Chiến dịch Bão táp sa mạc, chiến tranh Arab-Israel.
Đến những năm 1990, khi tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tiên tiến ra đời, USS America trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ mong muốn USS America sẽ có nhiều đóng góp hơn vì thế đã thiết kế chương trình kéo dài thời gian phục vụ của tàu sân bay (SLEP) để con tàu có thể tiếp tục hoạt động đến năm 2010. Mặc dù vậy, việc cắt giảm ngân sách đã buộc USS America phải “nghỉ hưu”.
Buổi lễ về hưu của USS America được tổ chức tại Nhà máy đóng tàu hải quân Norfolk vào năm 1996. Sau đó con tàu được chuyển đến Cơ sở bảo trì tàu không hoạt động ở Philadelphia, Pennsylvania.
Lý do con tàu bị đánh chìm
Ban đầu, Hải quân Mỹ lên kế hoạch tháo dỡ USS America để có thể tái sử dụng trang thiết bị. Tuy nhiên kế hoạch này đã không được thực hiện. Thay vào đó, con tàu được lựa chọn tham gia cuộc diễn tập bắn đạn thật – một cuộc thử nghiệm có thể chấm dứt hoàn toàn số phận của nó.
Các cựu quân nhân từng phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ đã phản đối mạnh mẽ điều này. Họ cho rằng không nên đánh chìm một con tàu mang tên nước Mỹ và yêu cầu đưa nó vào bảo tàng. Nhưng Phó chỉ huy lực lượng tác chiến hải quân lúc bấy giờ là Đô đốc John B. Nathman đã viết một bức thư giải thích về ý định này.
Trong thư có đoạn viết: “USS America sẽ thực hiện sự đóng góp cuối cùng và quan trọng cho nền quốc phòng của chúng ta. Lần này là cuộc thử nghiệm bắn đạn thật để đánh giá cách con tàu phản ứng trước các cuộc tấn công của đối phương. Di sản mà USS America để lại sẽ tạo ra cột mốc lớn trong việc thiết kế các tàu sân bay tương lai – những con tàu sẽ bảo về các thế hệ con cháu của các cựu chiến binh Mỹ”.
“Chúng tôi sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm ở trên và dưới mặt nước biển để thu thập những dữ liệu cần thiết giúp các kiến trúc sư và kỹ sư hải quân có thể tạo ra hạm đội tàu sân bay mạnh mẽ trong tương lai. Điều cần thiết là phải giúp những con tàu đó có được khả năng sống sót cao nhất. Khi nhiệm vụ hoàn thành, USS America sẽ lặng lẽ chìm xuống đáy đại dương”.
Vào ngày 25/2/2005, Hải quân Mỹ đã tổ chức một buổi lễ để tiễn biệt con tàu USS America. Khi buổi lễ kết thúc, con tàu đã được triển khai trên biển. Ngày 19/4/2005, cuộc thử nghiệm bắn đạn thật bắt đầu diễn ra.
Trong cuộc thử nghiệm, Hải quân Mỹ đã sử dụng mọi loại vũ khí như tên lửa hành trình, ngư lôi và bom để tấn công USS America. Tuy nhiên, con tàu vẫn trụ vững sau gần 4 tuần hứng chịu các đòn tấn công dữ dội, một phần nhờ thân tàu được chia thành nhiều khoang kín nước, hạn chế việc nước biển tràn vào và làm chìm tàu. Để đánh đắm được con tàu, hải quân phải nhắm vào những vị trí quan trọng.
Giải thích về sức bền của USS America, kỹ sư cơ khí lake Horner cho biết: “Con tàu không chỉ có kích thước lớn hơn nhiều so với các chiến hạm trong Thế chiến 2 mà còn rất cứng. Mặc dù nó không có lớp giáp hạng nặng bảo vệ như các thiết giáp hạm, nhưng thân tàu có 2 lớp. Nghĩa là vũ khí phải xuyên qua lớp thép cứng bên ngoài và vùng đệm ở giữa để tới được lớp thép bên trong. Các khoang chứa bên trong của con tàu được thiết kế tốt hơn nhiều so với thiết giáp hạm. Cũng vì con tàu có kích thước lớn, nên có rất nhiều chỗ trống cần phải lấp đầy nước để khiến nó bị chìm. Hơn nữa do USS America không mang theo nhiên liệu và bom đạn nên khi bị tấn công nó không dễ cháy nổ”.
Sau rất nhiều nỗ lực phá hủy, con tàu đã bị đánh đắm vào lúc 11h30 sáng ngày 14/5/2005. Nó trôi dạt hàng km, trước khi chìm hẳn xuống độ sâu hơn 5.000m ở khu vực đông nam Mũi Hatteras, Bắc Carolina, Mỹ./.
Từ khóa: tàu sân bay mỹ, mỹ đánh chìm tàu sân bay, mỹ phá hủy tàu sân bay, tàu sân bay USS America, mỹ đánh chìm tàu sân bay USS America, lý do mỹ đánh chìm tàu sân bay, hải quân mỹ
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN