Hải quân Mỹ đứng trước cơ hội lớn để “lột xác”

Cập nhật: 05/10/2020

VOV.VN - Tái cấu trúc lực lượng, Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch tăng số lượng tàu tổng thể theo hướng có nhiều hơn số tàu không người lái, tàu nhỏ hơn, nhanh hơn, linh hoạt hơn; chú trọng các tàu chiến mặt nước và ít tàu sân bay hơn…

Tăng số lượng, tái cơ cấu chủng loại

Hải quân Mỹ hiện có 293 tàu đang hoạt động, bao gồm cả tàu mặt nước và tàu ngầm. Theo hai cơ quan tư vấn cho Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper là Văn phòng Định giá Chi phí và Đánh giá Chương trình (Cost Assessment and Program Evaluation - CAPE) và Viện Hudson (Hudson Institute), để duy trì vị thế của mình trong tương lai, đội tàu của Hải quân Mỹ sẽ được “lột xác”, bao gồm nhiều tàu tác chiến mặt nước cỡ nhỏ, tàu không người lái và một lực lượng hậu cần mở rộng.

Hai nhóm chuyên gia được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giao nhiệm vụ khảo sát khuyến nghị tăng 35% số tàu (theo mục tiêu đặt ra 355 tàu trước năm 2030) lên 480-534 tàu (thậm chí theo một nguồn tin của Forbes, lên 581 chiếc) trước năm 2045 với nhiều tàu không người lái. Cả hai nhóm chuyên gia CAPE và Hudson Institute đều nhất trí về sự cần thiết phải tăng số lượng và sự đa dạng về chủng loại tàu, đồng thời giữ các hoạt động và chi phí duy trì ổn định nhất có thể, tránh tăng thêm số lượng thủy thủ vận hành; ủng hộ việc giảm số lượng tàu sân bay từ 11 hiện có xuống còn 9 chiếc (để luôn có 8 tàu sân bay hoạt động, 1 chiếc trong tình trạng đại tu và tiếp nhiên liệu).

Các báo cáo đã khuyến nghị có 65-87 tàu nổi không người lái cỡ lớn hoặc tùy chọn tàu hộ tống không người lái, mà Hải quân hy vọng sẽ nâng cao năng lực hệ thống phóng thẳng đứng để bù đắp thiếu hụt theo thời gian các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và 4 tàu ngầm mang tên lửa có lái dẫn. CAPE và Hudson Institute đều kêu gọi tăng cường lực lượng tác chiến mặt nước, với nghiên cứu của CAPE đưa ra giới hạn trên là 70 tàu, Hudson đề nghị tối đa là 56 trong khi “Đánh giá Cơ cấu Lực lượng năm 2016” của Hải quân khuyến nghị duy trì 52 tàu tác chiến mặt nước cỡ nhỏ.

Cả hai nhóm ủng hộ việc tăng số tàu ngầm tấn công so với yêu cầu 66 chiếc hiện tại, tăng về số lượng tàu ngầm không người lái cỡ lớn, với tổng số 40-60 chiếc. Ý tưởng sẽ là sử dụng Phương tiện Ngầm Không người lái Cực lớn để thực hiện các nhiệm vụ giám sát độc lập hoặc các nhiệm vụ nguy hiểm cao, giải phóng các tàu có người lái phức tạp hơn cho các nhiệm vụ khác. Các tàu ngầm không người lái cực lớn (Extra-Large Unmanned Undersea Vehicles - XLUUV), như Boeing’s Orca, có thể sẽ đóng góp vào sự kết hợp, tăng cường đội tàu ngầm tấn công của Mỹ.

Về lực lượng tàu đổ bộ, cả hai nhóm đều tư vấn giảm tổng số tàu đổ bộ truyền thống, chẳng hạn như LPD-17, từ 23 tàu hiện tại xuống còn từ 15-19. Đối với tàu đổ bộ boong lớn, CAPE ưu tiên giữ ở mức hiện tại là 10, trong khi Hudson ủng hộ việc cắt giảm xuống còn 5, và số tiền tiết kiệm được tái đầu tư cho bốn tàu sân bay hạng nhẹ. Cả hai nhóm đều cho rằng cần có 20-26 tàu chiến đổ bộ hạng nhẹ, để chở Thủy quân lục chiến - lực lượng tiến công từ phía biển sau nhiều năm tham gia các cuộc xung đột trên đất liền ở Trung Đông, và thiết bị xung quanh các đảo ở Thái Bình Dương; mở rộng đáng kể lực lượng hậu cần - đề xuất trang bị 21-31 tàu “hậu cần nhỏ trong tương lai” từ số lượng 17 chiếc hiện có. Thủy quân lục chiến và Hải quân đã đề cập đến sự cần thiết phải tư duy lại về hậu cần cho một cuộc chiến phân tán hơn ở Thái Bình Dương.

Nhóm Hudson kêu gọi tăng cường đáng kể khả năng chỉ huy và hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ 33 tàu hiện nay lên 52 tàu trong khi CAPE chủ trương duy trì đội tàu như cũ. Những con tàu đó bao gồm tàu chở hàng khô, tàu vận tải viễn chinh nhanh, bến tàu và căn cứ đường biển viễn chinh. Tất cả các đề xuất chủ yếu dựa vào tàu không người lái, đề xuất từ 65 đến 87 tàu mặt nước không người lái cỡ lớn (Large Unmanned Surface Vessel - LUSV), có kích thước tương đương các tàu hộ tống hải quân, hoặc từ 1.000 đến 1.500 tấn.

Đặt cược vào tàu không người lái

Hiện tại, các tàu không người lái chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển do Hải quân xác định cách triển khai các hệ thống tự động và hậu cần cần thiết để hỗ trợ và bảo trì chúng ở nước ngoài. Năm 2019, tàu không người lái Sea Hunter đã tự hành từ San Diego đến Hawaii và trở về, chứng tỏ nó có thể thực hiện các chuyến đi đường dài, ngoài biển khơi. Việc tiếp tục thử nghiệm sẽ giúp đảm bảo rằng các con tàu có thể duy trì hoạt động ở vùng biển mở trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, trong môi trường thù địch với và điều kiện thông tin liên lạc hạn chế.

Hải quân đang đặt cược vào các tàu chiến không người lái với nhiều chức năng khác nhau. Đội tàu được hình dung đó sẽ bao gồm một số hệ thống không người lái sẽ hoạt động độc lập để thực hiện nhiều chức năng chiến đấu khác nhau, chi viện hỏa lực và đặt mìn, đến tiến hành tiếp tế đạn cho các tàu tấn công có người lái hoặc trinh sát, theo dõi kẻ thù - một sự thay đổi lớn về cách tiến hành chiến tranh hải quân trong những năm và thập kỷ tới. Tàu không người lái có thể mang vũ khí và cảm biến với chi phí thấp hơn nhiều, mở rộng phạm vi phát hiện của lực lượng chuyên trách và tăng số lượng hầm chứa tên lửa của lực lượng này. Những con tàu khác có thể có người lái nhẹ hoặc tùy ý, có con người chỉ thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Liệu Hải quân Mỹ có đặt quá nhiều niềm tin vào tàu không người lái? Trong những năm 2010, giới chức Mỹ quyết định rằng các tàu chiến cỡ nhỏ tác chiến gần bờ (Littoral Combat Ship - LCS) và tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt là tương lai và đã bị sa lầy với sự chậm trễ tốn kém và chi phí vượt mức. Mười năm sau, lớp LCS thường được coi là thất bại và Hải quân sẽ chỉ chế tạo 3 trong số 32 chiếc Zumwalts theo kế hoạch. Một số chuyên gia lo ngại, nếu tàu chiến không người lái đi theo “vết xe đổ” của tàu chiến cỡ nhỏ tác chiến ở vùng nước nông LCS, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nỗ lực phát triển hạm đội của Hải quân.

“Đối thủ ngang tầm”

Đại học Hải quân Mỹ cho biết động thái hướng tới các tàu không người lái là một phần trong chiến lược phòng thủ quốc gia của Lầu Năm Góc nhằm chuẩn bị cho cuộc xung đột có thể xảy ra với một "đối thủ ngang tầm" như Nga (thống kê năm 2018 do Popular Mechanics thực hiện cho thấy, Hải quân Nga có 323 tàu, bao gồm cả tàu ngầm và tàu được thiết kế để xác định vị trí và phá hủy thủy lôi) và đặc biệt là Trung Quốc. Tháng 8/2018, The New York Times đưa tin, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội gồm 425 tàu vào năm 2030 (trong khi kế hoạch của Hải quân Mỹ chỉ có hơn 355 tàu vào cùng thời điểm). Hải quân Trung Quốc cũng đạt được nhiều tiến bộ với một loạt các đột phá kỹ thuật tiên tiến. Tốc độ đóng tàu nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến Lầu Năm Góc bất an vì Bắc Kinh đang tiến rất nhanh trong việc bổ sung các tàu đổ bộ tấn công mới, tàu sân bay, tàu khu trục tàng hình và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, kể cả tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4.000 dặm.

Trung Quốc đang vận hành tàu sân bay thứ hai được đóng trong nước và đang thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng cho chiếc thứ ba, đồng thời xây dựng một hạm đội tàu khu trục bán tàng hình, vũ trang hạng nặng mới. Các tàu chiến của Trung Quốc nhìn chung nhỏ hơn và kém năng lực hơn của Mỹ. Trung Quốc chỉ có hai tàu sân bay, nhưng Bắc Kinh đang đầu tư vào các tàu lớn hơn, có khả năng hơn. Trung Quốc hiện đang đóng tàu sân bay thứ ba, được gọi là 003, và đang đóng tàu đổ bộ Type 075 thứ ba. Cả hai đều là chìa khóa cho khả năng thể hiện sức mạnh, đặc biệt là trong việc xử lý quan hệ với Đài Loan.

Kinh phí và đầu tư phát triển mìn

Vấn đề mà Mỹ phải đối diện hiện tại là quá trình đóng tàu chậm hơn so với tiến độ phát triển của hạm đội. Lầu Năm Góc đã đề nghị 207,1 tỷ USD cho Hải quân trong ngân sách tài khóa 2021. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi tăng 13% ngân sách đóng tàu của Hải quân (chỉ 2% con số trên theo tiêu chuẩn của Lầu Năm Góc cũng đã là 4,14 tỷ USD). Quyết định tăng quỹ đóng tàu, được ông Esper coi là "người thay đổi cuộc chơi", là khuyến nghị của công trình "Nghiên cứu Lực lượng Hải quân Tương lai", do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng David Norquist chủ trì.

Ngoài các loại vũ khí kinh điển, mìn vẫn là một phần quan trọng trong kho vũ khí của Hải quân vì chúng đóng vai trò kép, là vũ khí không đối xứng vừa tấn công và phòng thủ, và được mô tả là “vũ khí cài cắm”. Thống kê cho thấy, từ sau Thế chiến II, mìn đã làm hư hại nghiêm trọng hoặc đánh chìm các tàu hải quân nhiều gần gấp 4 lần so với tất cả các phương tiện tấn công khác cộng lại. Hải quân Mỹ được cho là đang cân nhắc liệu công nghệ có thể được phát triển để sản xuất mìn phóng từ xa (cự ly phóng 100 hải lý hoặc xa hơn) sử dụng từ máy bay ném bom chiến lược B-52 hay không.

Hiện tại, Hải quân Mỹ đang sử dụng dòng mìn Quickstrike, vận chuyển bằng đường không; máy bay bay ở độ cao và tốc độ thấp để rải mìn, dễ bị vũ khí phòng không của đối phương bắn hạ. Mặc dù mìn hải quân Quickstrike-JDAM của Hải quân Mỹ dễ lắp ráp và có thể được triển khai từ các máy bay bay cao, nhưng rõ ràng, họ đang tìm kiếm thứ gì đó có thể có thể phóng từ khoảng cách hơn gấp đôi hiện tại.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ còn bị thiếu khoảng 9.000 thủy thủ. Theo Sputnik, các tàu hải quân Mỹ đang hoạt động với lượng thủy thủ đoàn ít hơn mức bình thường. Trung bình thủy thủ đoàn hiện chỉ khoảng 265 sĩ quan, thủy thủ triển khai trên một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, trong khi con số cần thiết là 323. Để đối phó với Hải quân Trung Quốc, một giải pháp có thể được Washington áp dụng là lôi kéo và dựa vào các đồng minh, đặc biệt là các quốc gia có lực lượng hải quân mạnh, đủ khả năng phối hợp tác chiến như Anh, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.…/.

Từ khóa:

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập