Hà Nội: Thay đổi diện mạo, phát triển đô thị văn minh
Cập nhật: 09/10/2019
VOV.VN - Với nhiều lần quy hoạch chung được phê duyệt, sau 65 năm giải phóng, diện mạo Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, hạ tầng kỹ thuật.
Khi mới thành lập (11/2003), quận Long Biên chỉ là địa bàn “nửa làng, nửa phố”, nhưng đến nay, Long Biên đã trở thành một trong những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố Hà Nội. Với 817 dự án đầu tư xây dựng, nhiều dự án giao thông được triển khai, hoàn thành đã đưa quận Long Biên trở thành điểm nhấn đô thị phía Bắc Thủ đô.
Tốc độ đô thị hóa cao, nhưng quận Long Biên đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Bởi, lâu nay, công tác quản lý quy hoạch với thực trạng “quy hoạch chạy theo dự án”, xây dựng sai phép… vốn được coi là vấn đề tồn tại lớn nhất của Hà Nội thì Long Biên là địa bàn “sóng yên biển lặng”. Các khu đô thị nhưSài Ðồng, Vincom, Việt Hưng... với quy hoạch phần diện tích cho cây xanh, giao thông, trường học chiếm tỷ lệ lớn đã đảm bảo được những tiêu chuẩn của đô thị mới, hiện đại.
Ông Nguyễn Mạnh Trình, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: “Quận Long Biên đã thay đổi rất nhiều. Trước đây nói đến Long Biên chắc mọi người chỉ biết đến đường Nguyễn Văn Cừ, đường Ngô Gia Tự. Trong thời gian đầu, chúng tôi đã tập trung đầu tư hạ tầng khung, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để từ đó làm đòn bẩy thu hút đầu tư, phát triển đô thị”.
Nội đô Hà Nội hướng nhìn từ Đại lộ Thăng Long. Hạ tầng giao thông của Thủ đô đã thay đổi nhanh chóng sau hơn 10 năm. |
Long Biên chỉ là một trong những điển hình về làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội. Các khu đô thị mới văn minh, hiện đại như: Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Công viên Kim Quy đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển. Thống kê cho thấy, thời gian qua Hà Nội đã thực hiện khoảng hơn 60 đồ án quy hoạch (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…), phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên.
Cùng với những dự án quy mô, khu đô thị mới, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, nhằm tăng khả năng kết nối. Đó là các công trình giao thông trọng điểm như: đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu -Voi Phục); Vành đai 2 - tuyến đường có chiều dài hơn 43 km, chạy qua các điểm khống chế như Vĩnh Tuy - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm, tạo thành một vòng tròn vành đai khép kín; và hàng trăm hầm chui bộ hành cầu vượt.
Trong khi đó, dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu -Voi Phục) đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng. Đây là tuyến đường 6 làn, 2 cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành. Khi hoàn thành, Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu -Voi Phục) sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên đường La Thành, Đê La Thành hiện nay.
Ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: “Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, hiện nay, chúng tôi đang tập trung cho việc triển khai dự án đường vành đai 1 qua địa bàn. Đây là dự án quan trọng nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của nhân dân. Chúng tôi quyết tâm thực hiện để sớm bàn giao mặt bằng cho thành phố để thực hiện đúng thời gian, yêu cầu”.
Để xứng tầm của một đô thị hiện đại, Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng thành phố thông minh mà nền tảng là cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu cốt lõi, chính quyền điện tử; các hệ thống thông minh trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, môi trường. Đến nay, thành phố có 83 doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp 170 hệ thống thông tin phần mềm ứng dụng khác nhau ở các cơ quan; thực hiện nối mạng WAN (mạng diện rộng) đến 584/584 xã, phường, thị trấn. Duy trì, mở rộng Trung tâm dữ liệu của Thành phố.
Đặc biệt, ngày 6/10 vừa qua, Hà Nội đã khởi công xây dựng thành phố thông minh tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, đánh dấu việc triển khai mạnh mẽ chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Anh Trần Văn Quân, trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ phấn khởi chia sẻ: “Tôi thấy Hà Nội thay đổi rất nhiều. Những công trình giao thông và đặc biệt là xây dựng thành phố thông minh, tôi nghĩ Hà Nội sẽ rất phát triển và là thành phố đáng sống”.
Những dấu ấn đậm nét trong quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng thành phố thông minh sẽ là đòn bẩy để Hà Nội ngàn năm văn hiến phát triển, vươn cao vươn xa trong thời gian tới./.
Quy hoạch Hà Nội: Đô thị vệ tinh vẫn chỉ nằm trên giấy
Từ khóa: Thủ đô Hà Nội, quy hoạch thành phố Hà Nội, đô thị văn minh, quận Long Biên, phát triển đô thị
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN