GS Phong Lê: "Bản lĩnh văn hoá minh chứng cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam"

Cập nhật: 26/11/2021

VOV.VN - Phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người mới, hệ văn hoá mới của Việt Nam như thế nào trong giai đoạn hiện nay? GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã bàn luận về vấn đề này nhân Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

PV: Văn hóa hiểu một cách chung nhất chính là trí tuệ, là đạo đức, lối sống, tâm hồn... của con người và của mỗi cộng đồng quốc gia - dân tộc. Cùng với chính trị, kinh tế thì văn hoá là một trong 3 trụ cột chính - sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội. Tại Hội nghị văn hóa lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thưa Giáo sư Phong Lê, ông nghĩ sao về điều này?

GS Phong Lê: Mối quan tâm đến văn hoá là mối quan tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đề cương văn hoá năm 1943 là cương lĩnh, văn kiện đầu tiên, có đề cương đó mới có sự tổ chức các lực lượng văn hoá, đến nay là tròn 75 năm. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện thân, một bản lĩnh văn hoá rất lớn. Trong thực tiễn cách mạng sẽ diễn ra phải có sự soi đường văn hoá, soi sáng lý luận để tìm ra con đường.

Phải có bản lĩnh văn hoá lớn mới tìm ra con đường đó và trong đó ý tưởng lõi cốt là ở Người. Văn hoá là bản lĩnh, cốt cách dân tộc, kết tinh nghìn năm của dân tộc. Với bản lĩnh văn hoá đó minh chứng cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

PV: Để văn hóa đảm nhận đúng - đủ - tốt trọng trách "soi đường cho quốc dân đi", Đảng ta đã nhìn nhận vấn đề gìn giữ - phát triển văn hóa ra sao để thực hiện chiến lược xây dựng Việt Nam - Chủ nghĩa xã hội phồn vinh - hạnh phúc, thưa ông?

GS Phong Lê: Động lực là văn hoá, động lực là quan trọng nhất. Vốn lớn là vốn về đầu tư, tài nguyên và vốn về con người. Văn hoá là vốn người. Đầu tư và tài nguyên là có hạn còn vốn người là vô hạn. Một dân tộc có văn hoá là dân tộc vô tận. Nhấn mạnh vai trò của văn hoá là xây dựng phát triển văn hoá đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng.

Nghị quyết 05 khoá VIII năm 1998 tôi cho là có sự phát triển mới đến Nghị quyết 09 khoá XI là xây dựng phát triển văn hoá con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vậy văn hoá với dấu nối là con người. Cũng từ nghị quyết này, lần đầu tiên sau 71 năm kể từ đề cương văn hoá 1943 có thêm sự khẳng định văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội. Trong sự phát triển của thực tiễn, Đảng ta dần dần cụ thể hoá vai trò của văn hoá.

PV: Trong chuyến thăm Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có dịp tham quan Văn Miếu và khi ngước nhìn lên quả chuông lớn bằng đồng thì ông đã nói rằng:“Các bạn là một dân tộc mạnh mẽ, không ai có thể áp đặt!”. Nhận định này nói lên điều gì về “giá trị văn hóa” và “bản sắc văn hóa” của Việt Nam, thưa ông?

GS Phong Lê: Nói văn hoá là nói đến con người, đó là trí tuệ và tình cảm. Với người Việt Nam, so với những dân tộc khác trên thế giới, hiếm có một dân tộc nào có lòng yêu nước thể hiện một cách sâu sắc, bền lâu như thế. Yêu nước được thử thách trong lịch sử. 1000 năm không lúc nào ngừng các cuộc khởi nghĩa, từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu,… Phải nhớ rằng 1000 năm Bắc thuộc đủ để đồng hoá, đề xoá sổ cả một dân tộc nhưng sau 1000 năm chúng ta vẫn khôi phục lại được đất nước để có khởi nghĩa Ngô Quyền, Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long… Sau 20 năm Minh thuộc, tại sao Lê Lợi và Nguyễn Trãi có Đại cáo Bình Ngô? Vì sao mà lại 80 năm thuộc Pháp mà chúng ta có Tuyên ngôn độc lập?

Cùng đồng thời với trí tuệ, phải có tình yêu nước thống thiết vô cùng. Tình yêu nước ấy thể hiện toàn bộ ở văn hoá mà trước hết là tiếng nói, chữ viết. Nhờ tiếng nói mà chúng ta lưu giữ được truyền thuyết vua Hùng, truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ, truyền thuyết Sơn Thánh Gióng,…lưu truyền đời con đời cháu hàng nghìn năm để nuôi bầu máu nóng về tình yêu nước. Truyền thống dân tộc mình luôn luôn biết cách Việt hoá để phục vụ lợi ích dân tộc.

Đó là trí tuệ, là biểu hiện của bản sắc văn hoá dân tộc mình. Nhờ có chữ Nôm, chúng ta có "Truyện Kiều", bản dịch "Chinh phụ ngâm", có Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên,…Và khi tiếp cận với văn minh phương Tây, chúng ta có chữ Quốc ngữ. Ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết là biểu trưng của văn hoá. Chúng ta biết cách Việt hoá nó. Nói như Nguyễn Trãi là “Như nước Đại Việt ta từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu…”. Không thể nào đồng hoá được dân tộc Việt Nam.

PV: Trong quan điểm chung, Đảng ta nhấn mạnh phải xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Chúng ta cần tập trung thống nhất những định hướng của 4 hệ giá trị cơ bản gồm: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cá nhân và hệ giá trị văn hóa. GS nghĩ sao về 4 điểm tựa này cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam?

GS Phong Lê: Một dân tộc yêu tổ quốc lại có nghĩa đồng bào nữa. “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đó là hệ giá trị quốc gia. Còn hệ giá trị gia đình phải chú ý. Gần như tôi cảm tưởng nó bị biến đổi và có mặt rạn vỡ trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Còn hệ giá trị cá nhân thì phát triển cá nhân là mục tiêu. Nhưng tổng hợp cả 3 hệ giá trị này làm nên hệ giá trị văn hoá.

Văn hoá trong hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị cá nhân. cả 4 phương diện đó đều được phát triển. Tôi nghĩ rằng phải hài hoà và kết hợp. Nếu nói dân tộc là truyền thống phải có gạn lọc, tinh tuý của ta có rất nhiều, không phải ít. Đây là kho báu của dân tộc. Thời đại là cái mới. Con người phải thích nghi, vận dụng nó làm sao cho hài hoà và theo kịp. Nhân loại đi đâu chúng ta đi theo một cách chủ động đến đó. Với bản sắc là con người Việt Nam, chúng ta đi vào thế giới đó. Đây là điều rất tốt.

PV: Có thể thấy rằng chưa bao giờ nền văn hóa Việt Nam lại chuyển động một cách mạnh mẽ và toàn diện như hiện nay. Cũng chưa bao giờ nền văn hóa Việt Nam lại chứa chất nhiều mâu thuẫn và xung đột như thời kỳ này. Đó là những mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa bên trong và bên ngoài. Ông kỳ vọng gì từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc - được coi là Hội nghị Diên Hồng về văn hoá?

GS Phong Lê: Tôi có một số kỳ vọng. Thứ nhất là một nền chính trị sáng suốt, có tầm cao về trí tuệ, chiều dày về văn hoá hợp ý dân, được lòng dân chịu được thử thách dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thứ hai là một nền giáo dục được cải tạo và đổi mới triệt để trên tất cả các cấp và các khâu. Bởi giáo dục là câu chuyện của nhiều năm, không phải một vài năm. Nó gắn bó và quyết định tương lai của dân tộc. Giáo dục là câu chuyện có tác động xã hội rộng lớn. Thứ ba là một môi trường sống lành mạnh, không ô nhiễm về tinh thần, cái xấu, cái giả, sự lỏng lẻo, rời rạc của các quan hệ đời sống xã hội.

Trong Nghị quyết mới của Đảng năm 2014 có việc đặt ngang nhau 3 phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá trên tinh thần khẳng định mạnh mẽ vai trò của văn hoá. Nhưng xét đến cùng là vật chất và tinh thần, là kinh tế và văn hoá. Con người tốt là con người có văn hoá.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Từ khóa: Giáo sư Phong Lê, Xây dựng văn hoá, Con người Việt Nam, Sức mạnh nội sinh, phát triển đất nước

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập