Góp ý Văn kiện Đại hội 13: Cải cách tư pháp để thi hành pháp luật nghiêm minh
Cập nhật: 04/11/2020
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - Cải cách tư pháp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là bảo vệ quyền con người, trên cả thể chế và thực tiễn.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 13 của Đảng đã xác định: “Xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp”. Vậy cần làm gì để thực hiện được yêu cầu này? Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
PV: Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 13 của Đảng đã xác định “Xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp”. Ông có bình luận gì về yêu cầu đặt ra này trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương: Đọc Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội 13 phần về cải cách tư pháp, tôi thấy có những nội dung trong đó định hướng tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp công bằng nghiêm minh liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức, cá nhân... Về tổng thể tôi thấy những ý tưởng rất sâu trong định hướng này và cơ bản tôi nhất trí. Có những điểm rất mới, ví dụ như đặt ra vấn đề xây dựng nền tư pháp bảo đảm được yêu cầu về tính liêm chính.
Đây là lần đầu tiên trong Dự thảo Văn kiện có câu chuyện về liêm chính tư pháp. Đây là điều rất cần thiết và rất phù hợp với định hướng làm sao cải cách tư pháp trong thời gian tới phải nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Vì nền tư pháp giữ được sự trong sạch, liêm chính thì mới có uy tín.
Những điểm mới như thế tôi thấy đúng và trúng. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng cho việc cải cách tư pháp trong giai đoạn tới, vẫn còn những khía cạnh mà Dự thảo có thể bổ sung. Đơn cử như trong Dự thảo nêu, nguyên tắc tổ chức hoạt động của nền tư pháp rất quan trọng. Đấy là bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Dự thảo nên bổ sung thêm yêu cầu bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia tố tụng.
Trong thực tiễn của đời sống kinh tế, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bảo đảm an toàn pháp lý. Khi có tranh chấp xảy ra, người dân rất kỳ vọng vụ việc được giải quyết một cách công minh, khách quan nhưng đặc biệt thời gian giải quyết phải nhanh. Do vậy, nếu bổ sung thêm nội dung về bảo đảm sự an toàn pháp lý trong hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường năng lực quản trị rủi ro pháp lý của người dân, doanh nghiệp. Tiếp đến là phát triển hệ thống bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý và nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những nội này đó tôi nghĩ rất trúng.
PV: Thưa tiến sĩ, ông có nói đến nguyên tắc độc lập trong xét xử của Tòa án. Theo ông vì sao cần phải bảo đảm sự “độc lập này” và nó có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương: Nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân là nguyên tắc được Hiến pháp quy định. Đây cũng là nguyên tắc phổ quát của những nền tư pháp hiện đại, văn minh. Bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong hoạt động xét xử thì pháp luật mới thực sự thượng tôn. Lúc đó những lẽ công bằng mà pháp luật hàm chứa mới được đưa vào trong thực tiễn đời sống. Pháp luật của chúng ta là sản phẩm của một quá trình xây dựng rất công phu theo chủ trương, đường lối của Đảng, là sản phẩm việc thực hiện quyền lập pháp của Quốc hội.
Do vậy, giữ được nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa bảo đảm được sự công bằng trong hoạt động xét xử của tòa án. Đồng thời cũng là tiền đề để bảo đảm những giá trị của việc thực hiện quyền lập pháp. Bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án chính là yêu cầu hàng đầu để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn trong thực tiễn. Đây cũng là một trong những nguyên tắc hàng đầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.
PV: Hiện nay, gần như tất cả các lĩnh vực của đời sống đều đã có các đạo luật để điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thực thi các đạo luật này như thế nào vẫn là một vấn đề đặt ra, vì trên thực tế việc hành xử không theo Luật pháp vẫn đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thưa Tiến sỹ ?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhìn cả mặt thuận và chưa thuận. Chúng ta phải tìm được những chủ thể nào mong muốn thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Tôi cho rằng những người có quyền lợi liên quan, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp, các cơ quan lãnh đạo của chúng ta rất mong muốn pháp luật được tổ chức thực thi nghiêm. Vì pháp luật của chúng ta đã hàm chứa những giá trị tốt đẹp và để duy trì trật tự, thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng cũng có những chủ thể, nhất là bộ phận mà Nghị quyết Trung ương 4 nói rằng đấy là “một bộ phận không nhỏ”. Họ không muốn hoặc là khi thực thi pháp luật thì không giữ được sự ngay thẳng và liêm chính của mình, vì lợi cá nhân hoặc vì động cơ nào đó.
Muốn tổ chức thi hành pháp luật thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước phải được củng cố hơn nữa. Đã có quy định pháp luật rồi thì phải gắng hết sức để tổ chức thực hiện tốt. Tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật để người dân, các cơ quan báo chí, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan dân cử có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Tôi rất ủng hộ chủ trương lần này của Đảng là quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch. Trong sạch cũng chính là điều kiện hàng đầu bảo đảm tổ chức thi pháp luật một cách hiệu lực, hiệu quả./.
PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ!/.
Từ khóa: tiến sĩ, hiến pháp, XHCN, Đại hội Đảng, Đại hội 13, Bộ Tư pháp
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN