Gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay
Cập nhật: 10/01/2020
Nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2025 có nguy cơ chậm thanh toán (13/1/2025)
Một nông dân Tiền Giang dự trữ hơn 3 tấn cá “khủng” phục vụ thi trường Tết
VOV.VN - Doanh nghiệp hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng do quy trình thủ tục, tài sản thế chấp...
Nguồn vốn, tín dụng ngân hàng được coi là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, hình thành cơ cấu vốn tối ưu và tập trung vốn sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh…
Tuy nhiên, thực tế DNNVV hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Trong đó, có nguyên nhân về thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn vay của DNNVV chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn.
Thiếu vốn “kìm chân” doanh nghiệp
Ông Hoàng Nam Thắng, chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ nội thất Tân Minh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn vay bởi quy mô nhỏ, năng lực tài chính cũng như tài sản đảm bảo còn hạn chế nên việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gần như là “bất khả thi”.
“Khó vay vốn ngân hàng nên doanh nghiệp thường phải tìm đến các quỹ tín dụng đen với lãi suất cao khiến chi phí gia tăng và làm đội giá thành, sản phẩm giảm sức cạnh tranh. Nhiều DNNVV khác hiện cũng vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng”, ông Thắng chia sẻ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất kinh doanh. |
Chia sẻ những khó khăn của các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởngVụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù mà còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng có khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn, vì không có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay. Trong khi đó, bản thân các tổ chức tín dụng khi cho vay cũng cần phải thẩm định đầy đủ các điều kiện của các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn vốn.
Chủ động từ hai phía
Làm sao để giải được bài toán khó trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, để tạo thêm động lực về tài chính cho các DNNVV, từ đó mới có thể mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh?
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, cần phải gỡ bỏ những điểm nghẽn từ cả hai phía là tổ chức tín dụng cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lực cho rằng, phía các tổ chức tín dụng hiện vẫn chưa có các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt, thủ tục lại rườm rà phức tạp nên doanh nghiệp rất e ngại khi tiếp cận. Ngược lại, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nắm bắt các thông tin, chủ động minh bạch về tài chính, phương án kinh doanh… theo đúng yêu cầu của các tổ chức tín dụng.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, Luật Hỗ trợ DNNVV đã được thông qua sẽ hỗ trợ nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ, các Bộ ngành, hiệp hội liên quan nên sớm ban hành hướng dẫn Luật này.
Mặt khác, để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo các nhà quản lý cần sớm xây dựng hệ thống thông tin thị trường, thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, đối tác trợ giúp DNNVV. Cùng với đó là việc đôn đốc quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư, nhất là thủ tục thuế, hải quan… Bởi theo chia sẻ của các doanh nghiệp hiện nay, rào cản lớn nhất đối với họ chính là thủ tục thuế, hải quan, từ đây gây phát sinh nhiều chi phí, làm giảm sức cạnh tranh.
Về phía các ngân hàng thương mại, theo khuyến cáo của giới chuyên gia trong ngành, các ngân hàng nên thiết kế các sản phẩm đặc thù đối với DNNVV, xây dựng phương thức thẩm định phù hợp với DNNVV. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp các dịch vụ như tư vấn, đào tạo, thông tin hỗ trợ cho đối tượng khách hàng là DNNVV. Khi cả hai phía cùng chủ động về thông tin, kết nối, sẽ dễ dàng gặp gỡ và tiếp cận nhau hơn./.
Chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, DNNVV đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.
Khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn rất hạn chế. Tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN