Giữ hồn cho những thanh âm vang vọng nơi đại ngàn
Cập nhật: 24/01/2023
VOV.VN - Miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi là nơi hội tụ các nền văn hóa đa dạng, phong phú, lâu đời của đồng bào các dân tộc Hre, Cor, Ca Dong. Thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống, những giá trị di sản văn hóa của đồng bào đang có nguy cơ mai một.
Đầu xuân mới, bà con dân tộc Hre ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tụ họp bên nhà sàn, say sưa trong tiếng chiêng ba, vỗ vinh vút, ngân nga điệu dân ca Ca choi, nhấm nháp rượu cần.
Trước kia, Tết của đồng bào Hre kéo dài từ một đến hai tháng. Tết của người Hrê ngày nay diễn ra trong 3 ngày gồm: Ngày nấu bánh lá dong cúng ông bà, tổ tiên; ngày thứ 2 là ngày ăn chính và ngày thứ 3 uống rượu cần nhạt dành cho họ hàng, bà con thân thuộc… Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ cho biết, trong 3 ngày Tết, thứ thanh âm không thể thiếu đó là tiếng chiêng ba.
Chiêng ba đã gắn bó lâu đời, mật thiết với đồng bào Hre trong cuộc sống hàng ngày, lễ hội, mừng lúa mới, mừng nhà mới… Ông Phạm Văn Sây cho biết thêm, ngoài chiêng ba, đồng bào Hrê tự hào với các thanh âm đặc sắc của các loại nhạc cụ như đàn Brook, chinh K’la, sáo Ta lía, Tà vổ, kèn Ra ngói, các làn điệu Ta lêu, Ca choi. Năm 2021, Nghệ thuật trình diễn Chiêng ba của người Hrê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiếng chiêng càng ngân vang xa hơn…
Mỗi dịp Tết, không riêng gì người Hre mà các bản làng của đồng bào Cor, Ca Dong vùng sơn cước tỉnh Quảng Ngãi cũng rộn ràng tiếng cồng chiêng. Mỗi dân tộc có cách thể hiện chiêng riêng biệt, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Người Hre trình diễn chiêng theo giai điệu ngẫu hứng, ứng tác và hòa tấu chiêng để tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Khi tổ chức lễ ăn trâu, cầu mùa, bà con người Hre diễn tấu chiêng theo các bài chinh cầu mùa như: Túc H’lay (tiếng thác đổ), Túc Tuguốc (tiếng chim báo mưa); Túc K’oa (tiếng ếch nhái)…
Ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, từ xa xưa, nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng được người Cor bảo tồn, gìn giữ và duy trì cho đến ngày nay. Cứ mỗi dịp Tết Ngã Rạ, năm mới, những chàng trai người Cor hào hứng trong không khí lễ hội với phần tấu tiếng chiêng vang vọng núi rừng. Những thiếu nữ Cor diện bộ váy thổ cẩm truyền thống uyển chuyển cùng điệu múa Cà đáo. Từ già làng đến các bạn trẻ đều say sưa với làn điệu Xà ru, A giới, tiếng kèn A máp, tiếng sáo Ta lía,...
Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang, các già làng người Cor ở Trà Bồng tìm cách sưu tầm, gìn giữ bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc mình. Nhiều năm qua, già Hồ Ngọc An, ở xã Trà Thuỷ, huyện Trà Bồng đã truyền lửa cho lớp trẻ người Cor cách tấu chiêng, chơi các loại nhạc cụ, lưu truyền các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống… “Tôi là người trực tiếp truyền dạy cho các cháu cách đánh chiêng và các loại nhạc cụ khác. Đặc biệt là cách đấu chiêng. Tiếng chiêng của người Cor không thể mất được, bởi vì nó là linh hồn của người Cor” - già Hồ Ngọc An cho biết.
Theo anh Hồ Văn Phi ở xã Trà Thuỷ, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mấy năm nay, các bạn trẻ rất hào hứng học cách đánh cồng chiêng, múa cà đáo, học hát dân ca: “Tôi thấy văn hoá dân tộc mình rất hay, rất thích. Tôi muốn học hỏi để bảo tồn bản sắc văn hoá của người Cor mình. Các bác dạy chúng tôi học được nhiều làn điệu, tôi cố gắng học để hướng dẫn lại cho các bạn đoàn viên thanh niên”.
Ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, ngoài cồng chiêng, đồng bào Ca Dong còn tự hào về các tiếng đàn Kloong vút, Vrook, Vrook tru, Krâu và các làn điệu Ta lêu, Ra nghế, Dê ô dê… Với người Ca Dong, người Hre hay người Cor ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi, cái chiêng, cái kèn, cây đàn, cây sáo, đều có “linh hồn” riêng. Riêng cồng chiêng như vật linh thiêng trời ban, là vật quý của dân làng. Chiêng được cất giữ cẩn trọng trong nhà, chỉ đem ra sử dụng khi có lễ trọng, ngày vui của dân làng. Trước khi sử dụng, bà con thường tổ chức cúng “hồn chiêng”. Mỗi khi tiếng chiêng vang lên mang theo lời cầu xin thần linh phù trợ những điều tốt đẹp, che chở cho dân làng bình an, ấm no.
Ngày nay, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập nhiều câu lạc bộ dạy đánh chiêng, hát dân ca, dân vũ, chế tác và chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Theo đó, tiếng chiêng, tiếng đàn, các làn điệu dân ca mãi ngân vang giữa núi rừng. Những giá trị di sản văn hoá của đồng bào vùng cao được lưu truyền, quảng bá rộng rãi, và được công chúng biết đến nhiều hơn thông qua các hoạt động trình diễn, lễ hội gắn với du lịch cộng đồng.
Tỉnh Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi với kho tàng văn hoá truyền thống phong phú của các dân tộc Hre, Cor, Ca Dong… Thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai các đề án khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào vùng cao. Ông Phạm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết Nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hre và nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, mở ra cơ hội mới cho địa phương phát triển du lịch.
“Giai đoạn 2023 – 2025, ngoài việc bảo tồn và phát triển văn hoá còn gắn với phát triển du lịch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Địa phương cũng đã bố trí một phần kinh phí từ ngân sách huyện và từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương để tôn tạo lại các nhà sàn, mở thêm nhiều lớp dạy nghề, sưu tầm, phát triển những giá trị truyền thống của bà con Hre đã bị mai một” - ông Phạm Xuân Vinh nói.
Cứ hai năm một lần, hàng trăm nghệ nhân các dân tộc Hre, Cor, Ca Dong ở các huyện miền núi lại tụ họp tại Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca và hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi. Những thanh âm độc đáo của cồng chiêng, các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số được dịp phô diễn, ngân vang. Tất cả cùng hoà quyện, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em và cùng nhau gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc./.
Từ khóa: Miền núi tỉnh Quảng Ngãi, huyện phía tây Quảng Ngãi, di sản văn hóa Quảng Ngãi
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN