Giáo viên đánh giá đề thi minh họa môn Ngữ văn phù hợp, thú vị

Cập nhật: 08/05/2020

VOV.VN - Đề thi minh họa môn Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 được nhiều giáo viên đánh giá cao khi có những câu hỏi mở, thú vị.

Nhận định về đề thi minh họa môn Ngữ văn, kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020, thầy Lê Quang Sơn, giáo viên Trường THPT chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, điểm thú vị của đề tham khảo thi là phần Đọc hiểu. Phần này, đề sử dụng một đoạn trích vừa mang giá trị phổ quát vừa phù hợp với bối cảnh văn hóa ngày nay.

Chủ đề của đoạn trích tập trung phê phán thói quen “luôn cho rằng mình đúng” và áp đặt ý kiến chủ quan của mình với người khác. Đây là một thói xấu đang có dịp phát tác trên tất cả lĩnh vực, kể cả trong môi trường văn hóa mạng internet.

de thi minh hoa tot nghiep thpt: "hay bo thoi quen luon cho rang minh dung" - diem thu vi cua de van hinh 1
Ảnh minh họa

“Câu 4 phần Đọc hiểu là một câu hỏi thú vị: “Lời khuyên “Hãy từ bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” có ý nghĩa gì với anh/chị?”. Để trả lời, thí sinh phải coi văn bản như chiếc gương để tự soi vào mình, vận dụng cho mình, đồng thời có thể bày tỏ quan điểm và sự sáng tạo. Việc lựa chọn đoạn trích này ngoài mục đích đánh giá năng lực, còn như một sự cảnh tỉnh. Đoạn trích đã nhắc nhở rằng, tranh luận không phải là vấn đề đáng lên án nhưng cần tranh luận bằng văn hóa ứng xử, bằng sự hòa nhã và tôn trọng người có quan điểm khác với mình”, thầy Sơn nói.

Yêu cầu trong phần đọc hiểu, theo thầy Sơn, đã tạo ra một hệ thống thao tác tư duy trong đọc hiểu, thể hiện rõ tính khoa học. Câu hỏi được đưa ra theo các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng; tập trung yêu cầu thí sinh khám phá chủ đề đoạn trích, nhận diện, lí giải vấn đề trong đoạn trích và rút ra thông điệp cho mình. Học sinh sẽ xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích, đồng thời lựa chọn được lối sống phù hợp qua việc trả lời các câu hỏi “thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã”.

Còn theo cô Nguyễn Kim Anh, THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nếu tạm so sánh tư duy như một dòng chảy thì câu 1 phần Làm văn (tạo lập văn bản nghị luận xã hội) là sự “thông dòng” từ phần đọc hiểu. Nội dung vẫn xoay quanh chủ đề về cách ứng xử trước những quan điểm khác với mình, giúp suy nghĩ của học sinh không bị ngắt quãng. Theo đó, phần đọc hiểu tập trung phê phán thói quen áp đặt ý kiến của mình với người khác, thì yêu cầu trong câu 1 phần Làm văn lại tạo cơ hội cho thí sinh tư duy ở chiều ngược lại, là cần phải tôn trọng ý kiến của người khác.

“Câu hỏi không chỉ kiểm tra được kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội của học sinh mà còn góp phần định hướng cách ứng xử trong đời sống cho các em đó là “cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác”, cô Kim Anh nói.

Theo cô Kim Anh, thực tiễn xã hội hiện đại đề cao khả năng tư duy độc lập, khuyến khích con người có suy nghĩ, quan điểm riêng trước các vấn đề của đời sống. Tuy nhiên không phải ai cũng biết tôn trọng quan điểm của người khác. Việc luôn cho rằng mình đúng đôi khi có thể dẫn con người đến những sai lầm đáng tiếc cả trong tư duy, ứng xử. Vì vậy vấn đề mà đề bài đặt ra vừa tạo điều kiện cho học sinh trình bày quan điểm, suy nghĩ của cá nhân trong khuôn khổ một đoạn văn nghị luận xã hội, vừa gợi mở, định hướng về lối sống cho các em.

Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu Nghị luận văn học, yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về một đoạn thơ với dung lượng vừa phải trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Yêu cầu trong câu này rất tường minh, chỉ rõ đối tượng nghị luận là khung cảnh thiên nhiên và hình tượng người lính.

Theo cô Nguyễn Kim Anh, dạng câu hỏi trong đề Nghị luận văn học này quen thuộc với học sinh, vừa giúp kiểm tra kiến thức, kĩ năng viết văn nghị luận, kiểm tra năng lực cảm thu văn học của các em; đồng thời có tính phân hóa rất tốt.

“Ở câu hỏi này, khá dễ dàng để học sinh kiếm mức điểm từ 50% trở lên. Tuy nhiên, muốn đạt điểm cao, thí sinh phải tìm ra mối liên hệ giữa khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính. Trong đó, người lính là hình tượng trung tâm vì xét đến cùng, thiên nhiên miền Tây là cái nền tôn vinh vẻ đẹp của người lính Tây Tiến. Muốn được điểm cao hơn nữa, thậm chí được điểm tối đa, thí sinh phải thông qua đó, đánh giá được nét đặc trưng của thơ Quang Dũng”, cô Kim Anh đánh giá.

Các giáo viên đều đồng tình nhận xét, đề tham khảo môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không chỉ phù hợp với mục tiêu kỳ thi, mà còn mang tính định hướng giáo dục cao./.

Từ khóa: đề thi minh họa môn Văn, nhận định đề môn văn, đề thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm, xét tuyền đại học

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập